| Hotline: 0983.970.780

Cổ phần hóa ngành nước sạch cần được thực hiện cẩn trọng

Thứ Tư 23/10/2019 , 18:51 (GMT+7)

Từ sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải đầu tháng 10 vừa qua gây ảnh hưởng, xáo trộn tới người dân một số quận, huyện của Thủ đô, lộ ra nhiều lỗ hổng trong việc kiểm soát an ninh nước sạch tại Việt Nam.

Tọa đàm An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý.

Chia sẻ tại tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý” diễn ra ngày 23/10 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng độ thị, Bộ Xây dựng cho biết, về chức năng quản lý nhà nước, trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ.

Trong Nghị định 117, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đô thị, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm về cấp nước nông thôn, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính sẽ phải đảm bảo nguồn lực, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các quy chuẩn. Đối với bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, nước. Những vấn đề này đều có sự phân công rõ ràng.

Trong sự cố nước sạch sông Đà xảy ra đầu tháng 10 vừa rồi, theo ông Nguyễn Hồng Tiến, UBND địa phương phải chịu trách nhiệm liên đới, doanh nghiệp cung cấp nước chịu trách nhiệm trực tiếp. Rất nhiều UBND địa phương nói rằng trách nhiệm chính của đơn vị cấp nước, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, UBND địa phương không thể đứng ngoài cuộc được.

PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng bổ sung thêm, dù nói thế nào đi nữa Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) phải chịu trách nhiệm chính khi bán nước cho dân.

PGS.TS Dũng cho biết, ở các nước, việc bảo vệ nguồn nước rất tốt, gồm có nhiều bước, lớp lang. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang rất yếu và thiếu ở vấn đề này. Hơn nữa, ông Dũng cũng không hiểu sao thời đại công nghệ 4.0 này hoàn toàn có thể thông qua máy móc, công nghệ để phát hiện sớm khi nguồn nước có sự cố, chứ không phải khi xảy ra rồi mới phát hiện được như Viwasupco vừa qua.

“Chúng tôi và các chuyên gia cho rằng, cổ phần hóa ngành nước phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Nước là an ninh quốc gia, an toàn cho tất cả người dân. Vì vậy, chính quyền phải có trách nhiệm, còn nhà máy nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước chính quyền và người dân. Hiện nay, quy định về kiểm soát nước, cung cấp nước của chúng ta còn chưa đầy đủ, có lỗ hổng. Việc này cần thải có các quy định chặt chẽ hơn", PGS.TS Ứng Quốc Dũng lưu ý.

Viwasupco không chỉ xin lỗi mà còn phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng là người dân sử dụng nước của doanh nghiệp mình.

Nhìn chung, các nhà khoa học, các luật sư, chuyên gia về ngành nước đều cho rằng việc quản lý, vận hành, trách nhiệm và đặc biệt là thái độ của Viwasupco trong sự cố nước nhiễm dầu bẩn vừa qua là vô cùng đáng trách, nếu không muốn nói là rất khó để chấp nhận.

Mặc dù cũng có thể coi doanh nghiệp này là nạn nhân nhưng trước hết Viwasupco chính là nguyên nhân, tác nhân gây ra sự cố vừa qua khi đã phát hiện ra sự cố nhưng không có biện pháp xử lý đúng quy trình, kịp thời, thậm chí giấu nhẹm nếu không bị người dân, báo chí phát hiện.

Về sự cố và việc đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố nước Sông Đà vừa qua, lãnh đạo TP. Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiều lần khẳng định, trách nhiệm chính trong sự cố nước sạch sông Đà thuộc Viwasupco và doanh nghiệp này không chỉ phải xin lỗi mà còn phải chịu trách nhiệm trước những khách hàng sử dụng nước của mình.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.