| Hotline: 0983.970.780

Cơ quan có thẩm quyền nói gì?

Thứ Năm 10/05/2012 , 10:51 (GMT+7)

Dọc cảng cá Tân Sơn, chúng tôi thấy hàng chục chiếc tàu cá nằm phơi mình dưới nắng...

Dọc cảng cá Tân Sơn, chúng tôi thấy hàng chục chiếc tàu cá nằm phơi mình dưới nắng. Thái Thụy là huyện biển, nhưng hiện tại đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện còn rất ít, chủ yếu là tàu đánh bắt tầm trung và gần bờ.

>> Ô nhiễm môi trường hay tranh chấp nguyên liệu?

Anh Nguyên, người xã Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình), chủ một tàu cá công suất 130 CV, cho biết, trước đây loại “cá lợn” thường chỉ bán được vài trăm đồng một cân, người dân chủ yếu mua về cho lợn và gia cầm ăn, nhưng lượng tiêu thụ cũng rất ít. Từ ngày có nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải, được nhà máy thu mua làm nguyên liệu với giá 3,5 đến 4,5 ngàn đồng/kg, ngư dân sống khỏe.

 Thuyền của anh Nguyên có 10 lao động, sau mỗi chuyến đi biển 3 ngày, ngoài số hải sản lớn, còn được khoảng 10 tấn “cá lợn”. Chỉ riêng số “cá lợn” này bán cho nhà máy đã được 35 triệu đồng rồi. Trừ chi phí và các khoản như trích thu hồi vốn, trích trả lãi ngân hàng… đi, mỗi anh em cũng còn được trên 1 triệu đồng. Thấy nhà máy mở rộng quy mô sản xuất, nhiều ngư dân đã vay tiền ngân hàng đóng tàu, sắm ngư cụ. Đùng một cái nhà máy bị dân vây không sản xuất được, giá cá bị ép thê thảm, gần 10 tháng nay ngư dân lỗ nặng, nhiều người chẳng thiết ra khơi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì trước đó có 250 tàu cá với khoảng 3.000 lao động ở các xã biển của huyện Thái Thụy chuyên cung cấp cá nguyên liệu cho nhà máy, chưa kể hàng trăm lao động làm các dịch vụ phụ trợ, nhưng hiện nay đang điêu đứng. Tổng thiệt hại của ngư dân mỗi ngày tới cả tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Trần Xuân Nhuệ cho biết: Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải được Cty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải đầu tư xây dựng từ năm 2003 với công suất thiết kế chế biến 70.000 tấn cá tươi/năm. Quá trình đầu tư, xây dựng, công ty đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Năm 2004, nhà máy đưa dây chuyền sản xuất số I, có công suất 80 tấn cá tươi/ngày vào hoạt động. Và nhà máy đã hoạt động rất có hiệu quả, nộp ngân sách đầy đủ, sòng phẳng, năm sau cao hơn năm trước. Chính việc thu mua cá nguyên liệu của nhà máy với giá cả hợp lý đã trở thành một trong những động lực khiến nghề đánh bắt của huyện Thái Thụy phát triển.


"Con đê" bằng bê tông trước cổng số 1 của NM

Theo ông Nhuệ, từ năm 2005, đã bắt đầu NM có biểu hiện ô nhiễm. Mùi từ ống khói của nhà máy phát ra rất khó chịu. Không chỉ thế, ống khói của nhà máy còn nhả vào không gian không chỉ khói mà còn cả bụi nữa, lượng bụi này lắng đọng gây tác động xấu đến môi trường và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Đến năm 2007 thì sự ô nhiễm trở nên rất nặng, nhất là "một thứ mùi như mùi chuột chết lan tỏa khá đậm đặc trong không gian” khiến người dân bức xúc. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng và cơ quan có thẩm quyền của huyện, tỉnh đã yêu cầu công ty phải có ngay biện pháp khắc phục.

Ngay trong năm 2007, công ty đã đầu tư, đưa công nghệ mới vào để xử lý mùi và khói bụi. Việc khắc phục kịp thời này đã khiến mùi giảm hẳn, bụi không còn nữa. Đồng thời, công ty cũng triển khai xây dựng, lắp đặt dây chuyền sản xuất số II có công suất chế biến 120 tấn cá tươi/ngày, và đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Do trong báo cáo còn một số vấn đề chưa ổn nên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chưa báo cáo UBND tỉnh cho phép dây chuyền II của nhà máy vận hành, nhưng công ty cứ triển khai lắp đặt và đưa dây chuyền này vào hoạt động. Và nạn ô nhiễm môi trường lại có dấu hiệu tái diễn (mùi rất nặng) khiến người dân phản ứng rất dữ dội, cao điểm nhất là tháng 5/2011. Nhà máy hứa đến hết tháng 8/2011 sẽ xử lý dứt điểm nạn ô nhiễm, trả lại sự trong sạch cho môi trường.

Nhưng khi nhà máy đang triển khai mua sắm thiết bị để xử lý thì ngày 8/8/2011, hàng trăm người dân thôn Quang Lang Đài đã kéo đến vây nhà máy. Đầu vụ trong vụ này là ông Tú, thương binh hạng 1/4 và một số người như ông Lệ, ông Hợi… Họ đã đổ bê tông, dựng lều, mang quan tài đến ngăn cổng nhà máy như các anh thấy đấy. Một số đối tượng nghiện hút, côn đồ, bất hảo của địa phương thấy vậy cũng hùa theo.

 Ngay khi được báo cáo, huyện đã tổ chức nắm tình hình, một mặt báo cáo với tỉnh, một mặt chỉ đạo các ban, ngành và cơ quan chức năng của huyện vào cuộc, tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân để bà con phá bê tông, tháo lều, dừng việc ngăn cản hoạt động của nhà máy để huyện, tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng sự việc càng ngày càng trở nên phức tạp. Ngày 1/4/2012, do quá bức xúc, lãnh đạo nhà máy đã thuê một số người đem dụng cụ đến phá dỡ khối bê tông ngăn cổng. Thấy vậy, người dân lại kéo ra. Được báo cáo, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng có mặt để ngăn chặn, không để xẩy ra xô xát gây thương vong hay hủy hoại tài sản.

Ngày 4/4/2012, UBND tỉnh có công văn yêu cầu Cty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải ngừng sản xuất tại dây chuyền số II của nhà máy, nhưng mãi 10 ngày sau, tức ngày 14/4/2012 công ty mới tiến hành niêm phong dây chuyền này. Và do cho rằng đã niêm phong dây chuyền sản xuất số II rồi thì dây chuyền sản xuất số I đương nhiên được hoạt động trở lại, nên ngày 18/4/2012, lãnh đạo nhà máy đã điều 23 công nhân cùng với 6 người khác được thuê từ ngoài đến, mang dụng cụ ra giải tỏa cổng.

 Thấy vậy, dân lại kéo ra, lần này tới hơn 500 người, vây chặt số công nhân và 6 người kia trong nhà máy không cho ra. Lực lượng chức năng phải vô cùng vất vả mới “giải phóng” được cho họ. Tiếp theo, lãnh đạo nhà máy lại hợp đồng với một người địa phương là anh Dương, thuê Dương phá dỡ khối bê tông chắn cổng nhà máy với giá 15 triệu đồng, nhưng Dương không làm được vì bị người dân ngăn cản. Tối 21/4/2012, do có mâu thuẫn nên giữa Dương và một số người dân vây nhà máy đã xẩy ra xô xát tại quán hàng nhà Dương gần nhà máy, dẫn đến việc hắt xăng, xì ga vào người. Hiện công an đang lập hồ sơ xử lý Dương về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.

Chiều ngày 7/5/2012, UBND tỉnh Thái Bình có cuộc họp với thành phần khá rộng, từ lãnh đạo xã Thụy Hải, lãnh đạo huyện Thái Thụy, lãnh đạo Cty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải đến đại diện các Sở, Ban, ngành của tỉnh có liên quan, do một Phó Chủ tịch tỉnh chủ trì, bàn về việc giải quyết dứt điểm vụ việc trên, chúng tôi đã liên hệ với ông Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh xin được tham dự, nhưng bị từ chối.
Trong suốt buổi trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch huyện Trần Xuân Nhuệ không giấu được nỗi buồn trước sự việc trên. Gần 10 tháng qua, sự thiệt hại của công ty là rất lớn, và sự thiệt hại của ngư dân càng lớn hơn. Nhiều người đã thế chấp cả nhà, đất vay tiền ngân hàng để sắm tàu và ngư cụ, nhưng vừa sắm xong thì xẩy ra sự việc, nhà máy phải ngừng sản xuất, cá bị ép giá đâm lỗ nặng, lại thêm gánh nặng nợ lãi ngân hàng. Được hỏi về quan điểm của huyện về việc giải quyết tình trạng trên như thế nào, ông cho biết:

- Không thể để tình trạng này kéo dài được nữa, bởi sự việc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự địa phương, đến đời sống của hàng ngàn ngư dân và công nhân nhà máy. Ngay trong tuần này chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với những người vây nhà máy, tuyên truyền vận động, thuyết phục bằng được bà con tháo dỡ bê tông, dỡ lều để cho dây chuyền số I của nhà máy vận hành trở lại, đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ mời Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá, lấy mẫu kiểm định với dây chuyền số I, công bố kết quả một cách rõ ràng, minh bạch. Nếu dây chuyền số I không đạt các yêu cầu về môi trường thì sẽ yêu cầu nhà máy tiếp tục dừng sản xuất. Ngược lại thì phải để nhà máy hoạt động bình thường, không để ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn ngư dân và công nhân. (Hết)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất