| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 15/10/2015 , 07:10 (GMT+7)

07:10 - 15/10/2015

Có tham ô không?

Theo dự kiến, "đại án" Ban Quản lý các dự án đường sắt chi hết 11 tỷ đồng cho tiếp khách, nghỉ mát, làm ngoài giờ, hội họp sẽ được đưa ra xét xử trong các ngày 26-27/10.

Theo dự kiến, trong các ngày 26 và 27/10, TAND TP. Hà Nội sẽ đưa vụ án Trần Quốc Đông, nguyên Phó TGĐ Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) và 5 đồng phạm, bị VKSNDTC truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ra xét xử.

Đây là 1 trong 8 đại án được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương yêu cầu đưa ra xét xử trước Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Theo cáo trạng, thì tháng 10/2008, Bộ GT-VT phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1, đồng thời giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án cho RPMU. Ngày 5/1/2009, RPMU quyết định thành lập tổ dự án tuyến 1, gồm 21 thành viên, do Nguyễn Hải Bằng làm chủ nhiệm dự án.

Ngày 9/9/2009, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam do Nguyễn Hải Bằng làm đại diện, đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số Cty khác. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, bị cáo Nguyễn Hải Bằng đã tìm nhiều cách buộc Cty Nhật Bản JTC phải chuyển tiền trái pháp luật cho RPMU dưới danh nghĩa là JTC “hỗ trợ kinh phí”.

Từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, JTC đã chuyển tổng cộng 11 tỷ đồng cho Nguyễn Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái (nguyên Trưởng phòng Dự án 3 thuộc RPMU) và Phạm Quang Duy (lúc đó là Trưởng phòng Dự án 3 thuộc RPMU). Toàn bộ số tiền này được các bị cáo sử dụng để chi phí tiếp khách, nghỉ mát, làm ngoài giờ, hội họp… trong đó bản thân các bị cáo đều được hưởng lợi riêng.

Chỉ tiếp khách, nghỉ mát, làm ngoài giờ… mà hết đến 11 tỷ đồng thì khủng khiếp thật. Chi phí bạo tay đến thế thì “công tử Bạc Liêu” còn phải tôn làm cụ. Điều đáng nói là JTC chẳng dại gì rút tiền túi của mình để “hỗ trợ” cho RPMU, mà họ lấy ngay số tiền trong gói thầu dịch vụ tư vấn kỹ thuật đó.

Tức là số tiền có nguồn gốc từ khoản ODA mà Chính phủ ta đã vay của Chính phủ Nhật Bản. Nói theo ngôn ngữ dân gian thì JTC đã “lấy mỡ nó rán nó”. Hậu quả là người dân Việt Nam vẫn phải trả bằng hình thức đóng thuế.

Số tiền 11 tỷ đồng đó, có thực sự là chỉ được chi cho tiếp khách, làm ngoài giờ, hội họp, nghỉ mát… như cáo trạng nêu không? Ngoài những chi phí đó, cáo trạng còn nêu “bản thân các bị cáo đều được hưởng lợi riêng”. Vậy hưởng lợi riêng ở đây là gì? Nếu không phải là tham ô?

Cũng theo tài liệu điều tra thì trong quá trình điều tra, các bị cáo đã nộp lại một số tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra, như Nguyễn Hải Bằng nộp 970 triệu đồng và 7.000 USD, Nguyễn Nam Thái nộp 600 triệu đồng, Trần Văn Lục (nguyên Giám đốc RPMU) nộp 100 triệu đồng…

Nếu không tham ô, thì các bị cáo việc gì phải nộp, và lấy đâu ra tiền mà nộp? Việc xác định rõ từng khoản như tiếp khách, làm ngoài giờ, nghỉ mát… mỗi khoản hết bao nhiêu tiền, đối với cơ quan điều tra là việc không khó. Bởi mỗi lần tiếp khách hay đi nghỉ mát đều có hóa đơn. Làm ngoài giờ thì có bảng chấm công. Số tiền còn lại chính là số tiền các bị cáo tham ô.

Trong vụ án này, dấu hiệu tham ô khá rõ. Việc cơ quan điều tra không điều tra về hành vi này, và việc VKSNDTC không truy tố hành vi này của các bị cáo, là chỉ đúng người, nhưng có dấu hiệu lọt tội.

Bình luận mới nhất