| Hotline: 0983.970.780

Có thể đạt mục tiêu Bogor vào năm 2020

Thứ Tư 08/11/2017 , 13:27 (GMT+7)

Sáng nay 8/11, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần 29.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị

 Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Trần Tuấn Anh nhắc lại về tầm nhìn của các lãnh đạo hơn 20 năm trước khi đặt ra "Mục tiêu Bogor".

“Tới năm 2020, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu Bogor đã đề ra. Tại Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 23 tại Hà Nội vào tháng 5 vừa qua, các Bộ trưởng Thương mại APEC đã bày tỏ mong muốn đạt được những mục tiêu Bogor đã đề ra qua các hoạt động thương mại cụ thể và cấp bách. Kể từ đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của các Bộ trưởng Thương mại APEC, các quan chức APEC đã đạt được sự tiến triển rất đáng khen ngợi trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực để tiến tới đạt được mục tiêu Bogor”, ông Trần Tuấn Anh cho biết

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, tại Hội Nghị Bộ trưởng APEC (AMM) lần này,  các thành viên sẽ thảo luận về những gì APEC đã và đang thực hiện để hướng tới mục tiêu quan trọng này. Ngoài ra, cũng sẽ bàn bạc về các bước tiếp tới để thúc đẩy quá trình hoàn thành mục tiêu Bogor.

Ông Trần Tuấn Anh mong muốn cùng các Bộ trưởng sẽ có thể tận dụng tối đa cơ hội trước thềm hội nghị cấp cao APEC để thể hiện sự linh hoạt và mong muốn của Việt Nam trong việc hội nhập kinh tế khu vực.
“Chúng tôi mong muốn có thể hoàn thành những gì còn thiếu sót và đề ra được mục tiêu cần thiết nhất cho quá trình trên. Trong viễn cảnh thay đổi nhanh chóng và bất ổn của kinh tế thế giới, những gì chúng ta đang thực hiện sẽ là thông điệp thể hiện sự kiên định rõ ràng của APEC trong việc tự do hoá và mở rộng kinh tế và đầu tư khu vực”, ông Trần Tuấn Anh phát biểu.

Năm 1994, các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC đã nhóm họp tại Bogor, Indonesia, thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển, vào năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển. Mục tiêu Bogor đã trở thành định hướng cho hợp tác APEC đến năm 2020 và đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới.

Sau 23 năm thực hiện mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư, APEC đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cả 3 trụ cột hợp tác chính là: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế, kỹ thuật.

Giao dịch thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận đã tăng 6,7 lần, với tổng giá trị khoảng 20 nghìn tỷ USD vào năm 2015; mức thuế quan trung bình đã giảm đáng kể từ 17% vào năm 1989 xuống còn 5,6% vào năm 2014, nhờ việc củng cố quan hệ thương mại, đầu tư, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ của các thỏa thuận thương mại tự do song phương và khu vực (RTAs/FTAs).

Xét về GDP, năm 1989, APEC chiếm 48,9% tổng GDP của thế giới, nhưng con số này đã tăng lên mức 53,9% vào năm 2015. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2016, các nền kinh tế thành viên APEC chiếm một nửa trong 10 nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới.  Tổng nguồn vốn FDI được rót vào 5 nền kinh tế thành viên APEC lớn đã đạt mức 710 tỷ USD, tương đương với 46,7% tổng FDI toàn thế giới trong năm 2016. APEC ngày càng được thế giới coi là đầu tàu kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với nhiều chương trình hợp tác thiết thực, hiệu quả.

Riêng với Việt Nam, APEC có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự hội nhập sâu rộng và phát triển của nền kinh tế hơn 90 triệu dân. Hiện nay, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tới từ các các thành viên APEC; 75% tổng lượng giao dịch thương mại hàng hóa và 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có nguồn gốc từ các thành viên APEC. Hơn nữa, khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập và tu dưỡng tri thức tại các thành viên APEC.Hiện có 13 thành viên APEC là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.

Là một thành viên tích cực trong APEC, kể từ khi gia nhập diễn đàn này, Việt Nam đã và đang hòa vào các nỗ lực chung của APEC nhằm hoàn thành Mục tiêu Bogor. Việt Nam đã và đang kiên định chính sách mở cửa nền kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đàm phán, ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực (FTA/RTA), cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế, cải cách cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, minh bạch... Những nỗ lực này của Việt Nam đã và đang được các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao.

Trong chương trình nghị sự, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29) và Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 (AELM 25), diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 11/11 có vai trò rất quan trọng. Từ nhiều tháng qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã tích cực chỉ đạo, chuẩn bị chủ động, chu đáo cho những hoạt động này.

Theo ông Trần Tuấn Anh, việc chuẩn bị các văn kiện, các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam nói chung và của Bộ Công thương nói riêng đã được Bộ phối hợp với Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, các Bộ, ngành và các nền kinh tế thành viên APEC để hoàn thiện và bảo vệ, thông qua tại nhiều hội nghị cấp SOM và cấp Ủy ban Thương mại - Đầu tư APEC (CTI), đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

 

Xem thêm
Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất