| Hotline: 0983.970.780

Có thêm chính sách hỗ trợ các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại ở 4 tỉnh miền Trung

Thứ Ba 30/08/2016 , 07:15 (GMT+7)

Ngày 29/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan xung quanh các kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT-Huế.

Sau khi nghe Bộ NN-PTNT báo cáo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhất trí bổ sung thêm các đối tượng bị ảnh hưởng gián tiếp từ sự cố môi trường được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Thông tin này được ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT cho PV NNVN biết vào cuối giờ chiều 29/8.

18-53-06_ong-nguyen-ngoc-oi-pho-tong-cuc-truong-tong-cuc-thuy-sn
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai

 

Đối tượng bị ảnh hưởng gián tiếp được hỗ trợ

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đồng ý bổ sung các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại là chủ tàu và người lao động làm thuê trên tàu cá lắp máy công suất từ 90CV trở lên; chủ các cơ sở và người lao động làm thuê tại cơ sở (thu mua) tạm trữ thủy sản có kho đông, kho lạnh, cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm, các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tạm dừng SX do nguồn nước biển bị ô nhiễm tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT-Huế.

Ông Oai cho rằng, đây là vấn đề được tất cả các địa phương bị ảnh hưởng kiến nghị tại hội nghị cuối tuần qua tổ chức ở TT-Huế. “Tôi tin rằng, với quyết định này của Chính phủ thì nhóm đối tượng bị ảnh hưởng gián tiếp cũng được chia sẻ phần nào”, ông Oai nói và cho biết Phó Thủ tướng cũng đồng ý cho 4 tỉnh lùi thời hạn gửi báo cáo đến trước ngày 15/9.

Đối với lượng thủy sản (3.900 tấn) đang lưu trong các kho lạnh, kho cấp đông chưa tiêu thụ được, Chính phủ chỉ đạo tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm. Các lô hàng đảm bảo an toàn thực phẩm thì cấp giấy xác nhận đảm bảo an toàn thực phẩm để lưu thông, tiêu thụ.

Các lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm thì tổ chức tiêu hủy theo quy định và hỗ trợ theo Quyết định 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, sản phẩm bị tiêu hủy được hỗ trợ 70% tổng giá trị.

Đối với sản phẩm khai thác, nuôi trồng thủy sản sau thời điểm Bộ TN-MT công bố chất lượng môi trường biển (ngày 22/8), Phó Thủ tướng yêu cầu lấy mẫu giám sát công bố chất lượng ATTP để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.

bien-3193153467
Ngư dân miền Trung mong biển bình yên trở lại

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Y tế tăng cường tổ chức lấy mẫu, kiểm nghiệm và tổng hợp kết quả phân tích mẫu của các Bộ và địa phương; công bố thực phẩm thủy sản an toàn.

Bộ TN-MT công bố ngay tọa độ 3 vùng biển chưa an toàn (Sơn Dương - Hà Tĩnh, cửa Nhật Lệ - Quảng Bình, hòn Sơn Chà - TT-Huế); tiếp tục quan trắc môi trường biển, công bố chất lượng môi trường biển; hướng dẫn các địa phương tiêu hủy các lô hàng thủy sản không đảm bảo ATTP tại các địa phương, tránh ô nhiễm môi trường.

 

Nuôi trồng, đánh bắt, sản xuất muối bình thường

Triển khai ngay chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, chiều 29/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã ký ban hành văn bản 7268 gửi UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT-Huế với nội dung hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; khai thác hải sản, giám sát ATTP và SX muối tại các tỉnh Bắc miền Trung.

Bộ NN-PTNT khuyến cáo các địa phương cho người dân tiến hành nuôi trồng thủy sản mặn, lợ bình thường đối với tất cả các phương thức nuôi: nuôi lồng bè, bãi triều và trong ao, đầm.

Việc nuôi lồng, đăng, quầng và bãi triều, khuyến cáo chủ nuôi hạn chế sử dụng thức ăn tươi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nên thay bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao, kết hợp bổ sung vitamin C và các khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Thường xuyên theo dõi thủy sản nuôi và quan trắc các yếu tố môi trường.

Còn nuôi trong ao, đầm thì nước biển trước khi đưa vào phải xử lý chứa/lắng và thực hiện quy trình xử lý: nước biển được lấy vào ao chứa, xử lý bằng Chlorin A nồng độ 20ppm (dùng 20gr cho 1m3 nước), sục khí hoặc quạt nước ít nhất 24h kể từ khi xử lý Chlorin A để diệt khuẩn, tiếp theo xử lý nước bằng EDTA với liều lượng từ 1 - 2ppm để loại bỏ kim loại nặng.

bien19260144
Ngư dân miền Trung mong biển bình yên trở lại

 

Trước khi cấp nước vào ao nuôi cần thử bằng cách thả cá, tôm giống trực tiếp vào mẫu nước đã xử lý lấy từ ao lắng. Tăng cường vệ sinh/siphon đáy ao, sử dụng các loại chế phẩm sinh học có khả năng cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi.

Những điểm đáng chú ý trong văn bản của Bộ NN-PTNT được ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh. Đó là, để phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của các loài thủy sản, khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại ba khu vực biển (hòn Sơn Dương - Hà Tĩnh, cách bờ 1,5km với diện tích 300km2; cửa Nhật Lệ - Quảng Bình, cách bờ 1,5km với diện tích 330km2; hòn Sơn Chà - TT-Huế, cách bờ 1,5km với diện tích 160km2).

Mặt khác, khuyến cáo ngư dân không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như nghề: lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT-Huế.

Trước khuyến cáo này, PV NNVN nêu câu hỏi, vậy làm thế nào để giám sát được việc đánh bắt của ngư dân không vào vùng “cấm khai thác trên” vì hàng trăm km2 trên biển sẽ rất khó?

Về việc này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai trả lời rằng, thứ nhất, việc giám sát sẽ do các Bộ, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được phân công thực hiện. Thứ hai, Phó Thủ tướng cũng vừa chỉ đạo Bộ TN-MT xác định cụ thể tọa độ của 3 khu vực biển nói trên. Vì thế Bộ NN-PTNT sẽ thông báo sau khi có công bố của Bộ TN-MT.

Một vấn đề khác cũng được chúng tôi quan tâm nêu câu hỏi với đại diện Tổng cục Thủy sản rằng, nước biển có vùng chưa sạch, cá biển nằm trong vùng bị ảnh hưởng cũng chưa khẳng định được ăn hay chưa thì sản xuất muối lấy nước biển ở đâu? Ông Nguyễn Ngọc Oai cho hay, vấn đề này, trong văn bản của Bộ NN-PTNT đã nêu rất rõ.

Đối chiếu văn bản 7268 thì việc sản xuất muối được Bộ NN-PTNT khuyến cáo như sau: Các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn diêm dân tham gia hoạt động sản xuất muối bình thường. Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản định kỳ lấy mẫu muối và giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm muối với các chỉ tiêu phân tích cadimi, chì, thủy ngân, arsen, phenol, xyanua với tần suất 1 lần/tháng.

Về giám sát an toàn thực phẩm hải sản khai thác, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết, một số chỉ đạo của Bộ NN-PTNT đối với các địa phương như sau: Địa điểm lấy mẫu là cảng cá, bến cá, nơi lên cá. Thời điểm khi sản phẩm khai thác được bốc dỡ từ tàu khai thác đưa lên bờ tiêu thụ. Tần suất 2 - 3 ngày/lần tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương. Chỉ tiêu phân tích cadimi, chì, thủy ngân, phenol, xyanua.

 

Xem thêm
Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất