| Hotline: 0983.970.780

Cổ tích thời 4.0

Chủ Nhật 27/10/2019 , 10:10 (GMT+7)

Về làng Đông thăm bạn, ngủ lại một đêm. Tinh mơ hôm sau, tôi ra con đường nội đồng để tận hưởng bầu không khí trong lành ở nông thôn, và thấy hai người già đang đi ngược lại phía mình.

Người đàn ông, tôi đoán chừng ngoài bẩy mươi, nhưng trông vẫn rất phong độ, tóc còn đen nhánh không một sợi bạc, đi đứng mạnh mẽ, gương mặt đầy đặn. Còn người đàn bà thì không thể đoán được tuổi, vì quá già nua, tóc bạc phơ phơ, gương mặt nhăn nheo. Tuy được người đàn ông dìu nhưng bà đi lại vẫn rất khó nhọc.

Có lẽ đó là hai mẹ con. Buổi sáng, người con dìu mẹ đi hít thở không khí trong lành. Thật là một người con hiếu thảo. Nghĩ vậy, tôi cất tiếng chào:

- Ông đưa cụ đi thể dục ạ.

- Chúng tôi là vợ chồng chứ không phải mẹ con, ông Quản ạ.

Có lẽ nhận ra nét ngạc nhiên vô cùng trên gương mặt tôi, người đàn ông mỉm cười:

- Ông không ngờ, phải không. Nhiều người cũng như ông. Mời ông ghé lại quán nước đằng kia, tôi xin hầu chuyện ông.

Sau khi gọi một cốc nước sôi để nguội cho bà và hai chén trà nóng cho tôi và ông, ông bắt đầu mở lời. Và đây là câu chuyện của ông.

Năm nay ông 78 tuổi, còn bà 88. Khi ông lên 6 tuổi thì bố mẹ cưới bà cho ông. Lúc đó bà 16 tuổi. Nhà ông có 2 mẫu ruộng, có ao cá, có lợn có bò, có nhà ngói cây mít, thuộc loại có bát ăn bát để trong làng. Nhưng bố mẹ ông chỉ được mình ông. Hai cụ lại ốm đau luôn nên không có sức làm. Vì vậy mà song thân cưới bà về cho ông cốt để lấy người làm.

Về làm vợ ông, ban ngày bà quần quật với hai mẫu ruộng và cám bã cỏ rả cho lợn cho bò. Đêm đến, bà ôm ông, như ôm một đứa em, cuộn tròn trong ổ rơm. Nằm trong lòng bà, ông đánh một giấc đến sáng, chẳng có khái niệm gì về chuyện vợ chồng. Lấy nhau được vài năm thì bố ông mất. Tiếp đến năm sau, mẹ ông cũng ra đi. Trước lúc mất, cụ nắm tay con dâu :

- Nhà cửa ruộng vườn đấy, con toàn quyền quản lý, chỉ xin con đừng bỏ thằng Chinh (tên ông).

Lo tang lễ cho mẹ chồng xong, bà lại cặm cui làm để nuôi ông, dù lúc đó bà đã 19 tuổi, xinh đẹp, khỏe mạnh có tiếng trong làng, xung quanh bà có rất nhiều kẻ bám theo, buông lời ong bướm. Nhưng bà bỏ ngoài tai tất cả.

Cuộc cải cách ruộng đất ập đến như một cơn cuồng phong. Vì có hai mẫu ruộng và cái nhà ngói mà bà bị quy là địa chủ. Ông đội trưởng đội cải cách trắng trợn bảo bà  Nếu cho ông ta “cái kia” thì không bị đấu tố, giữ được nhà cửa. Nhưng bà nhất quyết cự tuyệt. Thế là bà bị đưa ra đấu tố tơi bời rồi bị đuổi ra khỏi nhà để đội cải cách lấy nhà làm quả thực chia cho nông dân. Bà dắt ông ra bãi sông, dựng một túp lều che mưa nắng rồi ngày ngày mò cua bắt ốc sinh nhai. Những ngày đó, không thể nào kể xiết nỗi cơ cực, đắng cay. Nhưng dù khổ đến đâu, bà cũng nhất quyết bắt ông phải đi học.

Vì đi học muộn, nên năm 18 tuổi ông mới học hết lớp 10. Ngày ấy, người có học như ông thực sự là một của hiếm. Ông được gọi vào học ở khoa cơ khí trường đại học Bách khoa trên Hà Nội. Thời đó sinh viên được nhà nước nuôi, không phải đóng học phí, nhưng vẫn còn không biết bao nhiêu việc phải cần đến tiền. Ở dưới quê, bà vẫn lần hồi, chắt chiu từng hào để gửi lên cho ông.

22 tuổi, ông nhận được tấm bằng tốt nghiệp. Lúc đó, ông là một cậu trai tơ, như một mụt măng mới mọc. Còn bà, do quá vất vả, nên trông bà già hơn cái tuổi 32 của mình rất nhiều. Bước vào túp lều ở quê, câu đầu tiên ông nói với bà là :

- Chị ơi, em đã trưởng thành. Từ nay, chúng ta hãy làm vợ chồng, chị nhé.

Bà kể: Lúc nghe câu nói đó, tai bà ù đi, mắt hoa lên. Bà phải cấu vào đùi mình một cái để xem mình tỉnh hay đang mê. Lúc thấy đau rồi, bà khóc không thành tiếng.

Ông được nhận vào làm việc ở xí nghiệp cơ khí của tỉnh trên thị xã. Hàng tuần, cứ chiều thứ bẩy là ông lại “cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết”, lọc cọc đạp xe mấy chục cây số về với bà. Bốn giờ sáng ngày thứ hai lại đạp xe lên. Sau một thời gian tích cóp, họ dỡ bỏ túp lều ở bờ sông, làm lên đó một cái nhà tường đất, lợp rạ. Hai đứa con, một trai một gái lần lượt ra đời.

Từ một chuyên viên ở phòng kỹ thuật, ông trở thành trưởng phòng, thành phó giám đốc. Khi xí nghiệp trở thành công ty, thì ông được đề bạt làm giám đốc. Ông mua được nhà trên thị xã. Hôm đưa vợ con lên, anh em đến chơi chật nhà, có người hỏi ông :

- Chị đâu mà anh chỉ đưa mỗi bà với hai cháu lên?

Ông cầm tay bà, nghẹn ngào:

- Nhà tôi đây, các chú ạ. Không có nhà tôi, thì tôi không có ngày nay. Nhà tôi là vợ, nhưng đã nuôi nấng tôi bằng tấm lòng của người mẹ.

Nghe xong câu chuyện của ông, mọi người dàn dụa nước mắt.

Hai đứa con trưởng thành, lần lượt lấy vợ lấy chồng, lập nghiệp ở Hà Nội. Ông cũng đến tuổi về hưu. Trước khi hưu, ông quyết định bán ngôi nhà ở thị xã, về quê. Và thật may mắn, họ lại mua lại được mảnh đất của bố mẹ ông mà ngày xưa đã bị đội cải cách tịch thu. Nhờ sự giúp đỡ của hai đứa con, vợ chồng già xây được ngôi biệt thự hai tầng khang trang trên mảnh đất đó.

Thấm thoắt, ông về hưu đã được 18 năm.

(Kiến thức gia đình số 43)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất