| Hotline: 0983.970.780

Cổ tích về người cha nuôi

Thứ Năm 11/03/2010 , 10:04 (GMT+7)

Không quá khó để tìm về thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Quê hương thứ hai của cô gái lưu lạc đồng thời là nhà của anh Đặng Xuân Đạc, nhân vật chính viết nên câu chuyện cổ tích.

Chị Mộng (giữa, hàng đầu) và ông Đạc (giữa, hàng sau) trong ngày đoàn tụ

…Tôi gặng hỏi mãi thì cháu nhớ được là ở quê mình người ta hay đội cái gì đó ở trên đầu. Tôi hỏi tiếp là ở quê có hay ăn cá và đội muối không thì cháu lắc đầu. Từ những chi tiết vô cùng nhỏ đó tôi đoán được quê của cháu thuộc vùng châu thổ Sông Hồng, vậy là tôi lại tiếp tục đi… 

“Ai cũng làm như tôi thôi” 

Không quá khó để tìm về thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Quê hương thứ hai của cô gái lưu lạc đồng thời là nhà của anh Đặng Xuân Đạc, nhân vật chính viết nên câu chuyện cổ tích. Nhắc lại cái ngày tình cờ đó, anh Đạc nở một nụ cười hiền: “Có gì to tát đâu các anh! Ở vào hoàn cảnh lúc bấy giờ ai cũng làm như tôi thôi”.

Chuyện xảy ra cách đây đã 23 năm, đó là đầu năm 1986, trong một lần về Quảng Ninh thăm người nhà bị ốm, khi qua bến cảng Phả Lại, anh Đạc ghé quán nước nghỉ ngơi cho lại sức để đi tiếp. Vừa đặt chiếc ba lô xuống chân thì có một cô bé tóc tai bù xù, áo quần rách rưới đến xin ăn. Thấy cô bé đáng thương tội nghiệp, anh Đạc mua bánh cho cô bé đó ăn, rồi mua nước cho uống. Qua câu chuyện của bà chủ quán, anh Đạc biết được cô bé tên là Mộng, bị lạc bố mẹ, lang thang xin ăn ở đây đã hơn một tuần. Hôm trước, khát quá cô bé xuống sông uống nước bị ngã suýt chết đuối, may ngươi ta cứu không thì làm mồi cho Hà Bá.

“Trên chuyến xe về nhà, trong đầu tôi luôn phảng phất hình ảnh cô bé với đôi mắt còn thơ dại hàng ngày phải chống trọi với đói rét. Nhỡ cô bé lại xuống sông uống nước thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sau chuyến đi Quảng Ninh về ấy, không đêm nào tôi chợp mắt được”, anh Đạc bộc bạch. Thế rồi đến đêm thứ 3, anh Đạc vùng dậy gấp quần áo, anh nói với vợ là ngày mai anh sẽ về lại Quảng Ninh đón cô bé về làm con nuôi. Chuyến xe khách từ Bắc Ninh đến Quảng Ninh chỉ gần trăm cây số mà anh Đạc thấy nó dài hơn lúc nào hết. “Tôi mong xe chạy thật nhanh, chỉ sợ đến nơi cô bé đi nơi khác mất rồi. Thật may mắn khi cô bé vẫn còn ở đó, tôi hạnh phúc ôm cô bé vào lòng như ôm chính đứa con của mình vậy”.

Trước khi đón cô bé về anh Đạc lấy phấn viết lên tường nhà bà lão bán nước tên, tuổi và địa chỉ của mình. Sau khi đổi lại tên Mộng thành Thau, anh Đạc dẫn cô bé đến chính quyền địa phương làm thủ tục nhận con nuôi. Có được một mái ấm, Mộng không còn phải lang thang xin ăn nữa. Cô đã có cơm ăn, áo mặc, được đi học như bao đứa trẻ khác và hơn nữa Mộng có các em để vui đùa. Thế rồi thời gian cũng trôi đi và Mộng cũng dần khôn lớn. Nỗi nhớ bố mẹ và mảnh đất chôn rau cắt rốn khiến mộng nao nao trong lòng. Cô luôn ngồi ủ rũ một mình hướng ánh mắt xa xăm.

Thấy con gái buồn, anh Đạc gặng hỏi thì Mộng bảo nhớ nhà. Nhưng do Mộng bị bệnh thiểu năng trí tuệ nên cô không thể nhớ nổi quê mình ở đâu, cô chỉ biết bố tên là Miêu, mẹ là Bới còn chị tên Mơ. Với lượng thông tin ít ỏi đó, việc tìm lại quê hương cho Mộng còn khó hơn là mò kim đáy bể. Thương con, anh Đạc đêm ngày suy nghĩ, thế rồi anh cũng tặc lưỡi quyết định thực hiện một cuộc hành trình tìm lại quê hương cho con.

15 ngày phiêu bạt

Trước khi thực hiện cuộc hành trình, anh Đạc đã lục lọi tất cả những chi tiết gì liên quan quan đến con. Đầu tiên, anh gửi thông tin lên báo đài, nhưng không có hồi âm. Anh về lại Quảng Ninh song các thông tin về con gái vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Anh Đạc bồi hồi nhớ lại: “Tôi gặng hỏi mãi thì cháu nó nhớ được là ở quê mình người ta hay đội cái gì ở trên đầu. Tôi hỏi tiếp là ở quê có hay ăn cá và đội muối không thì cháu lắc đầu. Từ những chi tiết vô cùng nhỏ đó tôi đoán được quê của cháu thuộc vùng châu thổ Sông Hồng, vậy là tôi lại tiếp tục đi”.

Đầu năm 2007, anh Đạc vay mượn được một triệu đồng, bán đi 3 tạ thóc cùng nhiều thứ lặt vặt khác được một món tiền khá khá. Vậy là hai bố con lên xe bắt đầu cuộc hành trình đãi cát tìm vàng. Địa điểm lần này là tỉnh Hà Nam Ninh cũ gồm Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đi đến tỉnh nào anh Đạc dẫn con vào Hội Chữ thập đỏ và cơ quan công an tỉnh đó để hỏi thăm rồi để lại thông tin, số điện thoại. Ròng rã hết ba tỉnh mà chưa có một chút thông tin gì trong tay, tiền trong người cũng đã hết, dọc đường hai bố con anh Đạc phải xin ăn từng bữa để duy trì cuộc hành trình. Nhiều lúc phải ngủ lại ở bến tầu, nhà xe nhưng hai bố con vẫn không chùn bước. Bước sang ngày thứ 15, vẫn không có tin tức gì, hai bố con thì đói mệt rã rời. Anh Đạc thấy con gái không thể đi tiếp được nữa nên ra quốc lộ 1A xin đi nhờ xe về nhà.

Cuộc đoàn tụ như mơ

Chị Mộng và mẹ đẻ sống vui vẻ sau 20 năm lưu lạc

Chiếc xe khách cà tàng chạy đến địa phận tỉnh Hà Nam, bỗng anh Đạc thấy trong người bồn chồn, bứt rứt. Anh xin xuống xe chạy thẳng đến bưu điện gần đó gọi điện về nhà. Từ phía đầu dây bên kia, vợ anh chị Trần Thị Vàng nói như reo trong điện thoại: “Tìm thấy rồi anh ơi”.

“Ngay lập tức tôi quên hết mệt mỏi dắt con gái vừa đi vừa chạy vào Phòng hồ sơ công an tỉnh Hà Nam. Vừa thấy cha con tôi các đồng chí ấy đã chúc mừng ngay”. Sau khi anh Đạc để lại thông tin, các chiến sĩ Phòng hồ sơ công an tỉnh Hà Nam đã lục tìm lại hồ sơ và thấy một tờ khai CMND mang tên Lê Thị Bới, chồng là Đỗ Đình Miêu, trú tại thôn Trịnh Xuân, xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng nay là tổ 14, phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ngay lập tức, họ cử người đến phường Lê Hồng Phong để xác minh thì điều đó là sự thật. Gia đình chị Lê Thị Bới và anh Đỗ Đình Miêu có một con gái bị lạc từ năm 1986 trong một lần đi với bố về Quảng Ninh. Từ đó tới nay không thấy tin tức gì.

Nhớ lại giây phút gặp gỡ cảm động ấy, anh Đạc không giấu nổi niềm hạnh phúc: “Tôi không nghĩ là mình có thể tìm được bố mẹ đẻ cho cháu. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình cũng liều thật, không có manh mối nào đáng tin cậy mà vẫn đi. Cũng may là đi đâu chúng tôi đều được mọi người tận tình giúp đỡ”. Giờ Mộng đã về ở với mẹ đẻ ở Hà Nam, còn anh Đạc dù đường có xa xôi, cách trở nhưng lâu lâu anh lại phi xe về Hà Nam thăm con, có khi anh đón Mộng về Bắc Ninh chơi một vài tuần rồi lại đèo về.

Đem tình thương và nỗi nhớ của người cha nuôi Đặng Xuân Đạc chúng tôi tìm về tổ 14, phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý nơi Mộng đang quây quần bên gia đình của mình. Với chút vốn nghề may học được từ thời còn ở với bố Đạc, Mộng cũng đã tự lo được cho cuộc sống hàng ngày. Gặp chúng tôi, bà Lê Thị Bới, mẹ đẻ của Mộng mừng rối rít. Bà bảo, nếu không có bố Đạc mẹ Vàng, không có các đồng chí công an tỉnh Hà Nam thì mẹ con bà không có ngày đoàn tụ như hôm nay.

Đôi mắt rơm rớm bà bới xúc động kể lại: “Năm cái Mộng lên 4 tuổi theo bố nó ra Quang Ninh thăm nhà bà con thì bị lạc. Vợ chồng chúng tôi đã đi tìm nhưng mà không thấy. Cứ nghĩ là con đã bị bán sang Trung Quốc nên tôi buồn lắm. Đêm nào cũng mơ thấy nó. Hôm các anh công an dẫn hai bố con nó đến nhà bảo đã tìm thấy cái Mộng. Hơn 20 năm rồi nhưng tôi không bao giờ quên đứa con gái bé bỏng của mình. Hai mẹ con cứ thế mà ôm nhau khóc”. Buổi đoàn tụ ngày hôm đó, không chỉ Mộng, anh Đạc và bà Bới thấy vui mà hàng xóm xung quanh cũng vui lây ùn ùn kéo sang chúc mừng. Dù không được minh mẫn nhưng khi hỏi về bố Đạc, Mộng nói ngay, bố Đạc, mẹ Vàng tốt lắm, tốt như ông bụt vậy”.

Cuộc đời con người như là một vòng tròn khép kín vậy, số phận đã lấy đi của Mộng sự thông minh, nhanh nhẹn, nhưng bù lại số phận lại cho em một người cha nuôi trên cả tuyệt vời.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất