| Hotline: 0983.970.780

Cởi mở tư duy, không đóng khung cách nghĩ cũ, cách làm cũ

Thứ Năm 20/01/2022 , 19:16 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc phải có tư duy mở trong chỉ đạo, điều hành.

Tư duy mở trong chỉ đạo, điều hành

Chiều 20/1, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì giao ban của Bộ NN-PTNT. Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó nhóm xuất khẩu nông sản chính ước đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 0,1%; sản phẩm chăn nuôi đạt 32 triệu USD, tăng 11,1%; thuỷ sản đạt trên 765 triệu USD, tăng 25,7%, lâm sản chính đạt trên 1,4 tỷ USD, giảm 1,4%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 372 triệu USD, gấp 2,3 lần so với tháng 1/2021.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp giao ban định kỳ của Bộ NN-PTNT vào chiều 20/1. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp giao ban định kỳ của Bộ NN-PTNT vào chiều 20/1. Ảnh: Minh Phúc.

Theo Bộ trưởng, mỗi đồng chí lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các đơn vị hãy cởi mở tư duy, không đóng khung trong cách nghĩ cũ, cách làm cũ. Đồng thời kết nối, hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để triển khai các chương trình lớn của ngành nông nghiệp, không phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước.

Ví dụ, một doanh nghiệp ở Tuần Châu - Hạ Long (Quảng Ninh) vừa đề xuất thành lập một đô thị nghề cá tích hợp đa giá trị, tại đó vừa có hoạt động huấn luyện ngư dân, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến, vừa là trung tâm theo dõi các ngư trường, hướng đến xây dựng sàn giao dịch thuỷ sản và điểm du lịch. Hay Tập đoàn T&T đề xuất với Bộ NN-PTNT để xây dựng một trung tâm nông sản lớn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, muốn mở cửa và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản bền vững, thì yếu tố tiên quyết là phải tổ chức lại sản xuất gắn với kinh tế tập thể để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Tránh tình trạng chúng ta nỗ lực mở cửa thị trường nhưng chỉ xuất được vài chuyến hàng là bị tắc.

Muốn xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn, các đơn vị chuyên ngành của Bộ như Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia... phải cử người trực tiếp xuống địa phương để hướng dẫn địa phương, hợp tác xã, nông dân tổ chức sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường, thiết kế bao bì, nhãn mác...

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh, chúng ta cần chuyển từ tư duy xem doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang tư duy xem doanh nghiệp là đối tác đồng hành cùng kiến tạo phát triển.

Lúa được mùa, nhưng nhiều loại trái cây khó tiêu thụ

Trở về sau chuyến công tác phía Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, với những tín hiệu mực nước như năm nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL được dự báo không gay gắt như những năm trước. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan mà phải theo dõi sát tình hình.

Thứ hai, vụ đông xuân năm nay lúa sinh trưởng, phát triển rất tốt. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng như mít, thanh long, chanh rất khó tiêu thụ khiến một bộ phận nông dân có tư tưởng chán nản. Do đó, các đơn vị của Bộ cần phối hợp với chính quyền địa phương để động viên bà con sản xuất.

Quang cảnh hội nghị giao ban công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Quang cảnh hội nghị giao ban công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Tập đoàn Tân Long cũng đã khai trương nhà máy chế biến gạo công suất 190.000 tấn/năm, lớn nhất Châu Á. Ngày mùng 7 tết Nguyên đán, Bộ NN-PTNT sẽ cùng các tỉnh An Giang, Kiên Giang để tổ chức sự kiện nhằm liên kết hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chia sẻ, năm nay nhiều chỉ tiêu Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT cao hơn năm 2021, trong khi dư địa phát triển ngày càng hẹp đi và thời tiết, khí hậu khó lường, cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt. Do đó, việc chỉ đạo mọi mặt của hoạt động sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phải rất căn cơ, quyết liệt, cụ thể từng thời điểm, từng vụ.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, vụ đông xuân là vụ sản xuất chính. ĐBSCL và Nam Trung bộ, Tây Nguyên đã xuống giống xong. Trong dịp tết, Cục Bảo vệ thực vật cần giám sát chặt chẽ tình hình sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu, sâu đục thân. Còn các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên - Huế trở ra năm nay đất rất được ải, lượng nước dồi dào và có thể rút được số ngày lấy nước tại Đồng bằng Bắc bộ.

Hiện nay, ngành nông nghiệp có nhiều tồn tại. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, có hai điều chúng ta phải làm, nếu không thì rất nguy hiểm cho thời điểm tới đây. Một là chuyển đổi đất rừng ở những nơi không còn rừng (do đã chuyển đổi hoặc không có rừng). Nhiều công trình ở địa phương xây dựng trên đất rừng nhưng chưa xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, Bộ NN-PTNT phải đề xuất giải pháp để xử lý vấn đề này. Đây là thách thức của chúng ta. Thứ hai vấn đề liên quan đến việc xử lý toàn bộ những vấn đề tồn đọng trong quản lý của địa phương liên quan đến sử dụng đất bãi sông sai mục đích.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, có một sự vô lý liên quan đến đầu tư công, đó là tiền có nhưng không tiêu hết được. Do đó, ngay từ đầu năm, Bộ NN-PTNT cần tổ chức cuộc họp để tháo gỡ những khó khăn. Nhất là khối thuỷ sản, cần phải chỉ đạo hết sức quyết liệt để triển khai các dự án, từ đó hiện đại hoá hạ tầng ngành thuỷ sản, góp phần thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu để gỡ “thẻ vàng” đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam.

Xem thêm
Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.