| Hotline: 0983.970.780

"Cơm sôi nhỏ lửa" không chỉ dùng cho quan hệ vợ chồng thôi đâu

Thứ Sáu 25/07/2014 , 09:43 (GMT+7)

Cậu và các cậu các dì, đã có má cháu chăm lo quan hệ ấy. Hãy để má cháu xử sự việc này, các cháu đừng nóng mặt mà rối thêm.

Thưa cô!

Ba má cháu là nông dân chân chất, trần ai nuôi cháu và em gái học hành nên người. Nếu nói công bằng thì má cháu mới là người bao trùm gia đình, lo toan, thu vén, dạy bảo chúng cháu. Ba cháu không thể sánh với các cậu của cháu, cũng vì ba là người từ xa tới, rồi gặp má cháu.

Để cho cô dễ hình dung, cháu xin nói kỹ về cuộc hôn nhân của ba má mà sau này cháu tự tìm hiểu mới biết rõ. Những năm đó quê cháu đất rộng người thưa, còn thiếu sức lao động lắm, ba cháu cùng với nhiều người từ L.A khăn gói xuống mạn dưới làm mướn. Ông bà ngoại cháu là dòng dõi điền chủ có tiếng, đất đai khi chia nhỏ ra cho các cậu các dì nhưng ông bà cũng còn tới mấy hec-ta.

Ba cháu là người làm giỏi. Nhưng để ông bà ngoại gả con gái út cho thì không dám mơ đâu. Không biết ba cháu làm cách chi mà má cháu trốn đi với ba, cháu nghe nói, chuyện này làm ông bà ngoại uất ức suýt chết. Con gái cưng của ông bà mà, cưng như trứng hứng như hứng hoa ấy mà.

Ông ngoại rên rỉ quá, bà ngoại mới đánh tiếng cho con gái út đưa chồng về. Hình như không có đám cưới ở nhà ngoại. Sau này thi thoảng về quê nội cháu mới thấy vì sao ông bà ngoại cháu đau khổ như vậy. Nhà nội cháu quá xập xệ, con đông mà thả hoang như thỏ như dế, mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy lớn tiếng với nhau, không ra sao cả.

Cháu già trước cái tuổi bé bỏng của mình vì ông ngoại luôn chê bai ba, bà ngoại thì khóc lóc bênh con gái út, các cậu các dì không ai thương quý ba cháu cả. Cháu thấy má cháu thật dũng cảm mà cũng thật phiêu lưu. Rồi cháu và em gái lớn lên, bên cạnh ông bà ngoại và các cậu các dì ở chung quanh. Một gia tộc đông đảo hùng hậu, ai cũng vững vàng, chỉ có ba má cháu là không như vậy. Ba cháu có tật mê nhậu, ai rủ cũng đi, rượu vào lời ra bất kể. Từ khi ông bà ngoại lần lượt qua đời, ba cháu càng nhậu dữ, không nghe phải trái gì cả.

Mới đây, từ một xích mích đất đai với một cậu ở liền ranh, ba cháu bị cả nhà ngoại cô lập. Trong một lần lời qua tiếng lại, ba cháu bị một người con trai của cậu ấy tát mấy tát. Cháu thực sự bị sốc khi em gái cháu điện lên mô tả diễn biến câu chuyện.

Cho dù ba cháu có sai đi nữa thì việc ba bị cháu của vợ đánh như vậy không bị lên án là không đúng, nó cho thấy gia tộc không còn tôn ti trật tự nữa. Theo cô, cháu có nên xin nghỉ phép để về đưa việc này ra chính quyền địa phương không cô? Cậu của cháu, ba của người đánh ba cháu là cán bộ xã, ông ấy không dạy được con thì làm sao chỉn chu việc xã hội được, đúng không cô?

Má cháu, anh em cháu phải xử sự sao trong chuyện này, thưa cô?

Cô đừng in địa chỉ mail lên báo.

--------------------

Cháu thân mến!

Thư không đầy đủ lắm nhưng cô hình dung được. Cô nhìn thấy bức xúc của nhà ông bà ngoại từ khi cháu chưa ra đời, tức là lúc má trốn đi theo ba, nói vui là đi “theo tiếng gọi con tim”, còn nói dân dã là “trốn theo trai”. Cái tội ấy ở thôn quê mấy chục năm trước nó thật sự lớn, nó sốc lắm. Ông bà ngoại chắc có tổn thọ vì sự kiện tai tiếng này.

Cô hình dung tiếp, ba cháu giống như con gà đi lạc giữa một bầy công bầy phụng, chắc dưới mắt họ ngoại cháu, ba cháu là như vậy. Dám dắt đứa con gái út trứng mỏng của ông bà điền chủ đưa đi về cái quê nào đó cháu không nói, nhưng qua mô tả nhà nội, cô biết đó là gia đình thiếu gia đạo, thiếu nền tảng, thiếu chân vách, thiếu cái mái ấm, thiếu mọi thứ…Thâm tâm ông bà ngoại thấy ấm ức, hoài công, thâm tâm các cậu các dì thấy ba cháu không xứng đáng.

Biết làm sao khi người ta không tự mình vươn lên để thoát ánh mắt khi thị của bà con họ hàng? Ba má được cắt đất cho, đúng không, vậy là ba có điền sản, ba có vợ giỏi, ba ỷ lại và ba bị coi rẻ là “chó nằm gầm chạn” (nói theo người Bắc, tức là phận rể không ra gì). Từ vị thế đó, nếu giỏi giang tự trọng, ba sẽ dần dần thay đổi hình ảnh của mình trong mắt bà con bên nhà vợ.

Nhưng ba đã làm gì, ba nhậu, càng ngày càng sa đà. Có bao giờ cháu và em cháu thấy má mình bất hạnh không? Có bao giờ cháu nhân danh người hiểu biết khuyên ba như hai người bạn với nhau không? Hay chỉ chăm chăm xem cô cậu đối xử với em rể thế nào mà thôi.

Việc đất cát đụng chạm trong quê giờ là chuyện cơm bữa, phổ biến. Việc con trai của một người cậu tát ba, là chuyện quá sai rồi. Vậy, nên tìm hiểu thêm, ai sai, trong vấn đề đất cát, và ai sai khi xảy ra xô xát. Cô không nghĩ đứa cháu ấy tự dưng mà tát dượng rể, có lửa mới có khói, nhưng tát được thì việc khinh trong bụng đã bùng ra thành hành động rồi.

Có kiện nhau lên chính quyền thì cũng là việc dân sự. Sẽ họp xóm họp ấp và hòa giải, thế thôi. Không liên quan lắm đến cái chức vụ gì đó của người cậu ở địa phương, tốt nhất cháu phải về để lắng nghe hai phía.

Cậu và các cậu các dì, đã có má cháu chăm lo quan hệ ấy. Hãy để má cháu xử sự việc này, các cháu đừng nóng mặt mà rối thêm. Hãy tin vào quan hệ anh em ruột thịt của má với các cậu dì, hãy thuyết phục người anh họ ấy xin lỗi ba cháu một câu, một câu thôi.

Cô tin chuyện sẽ hóa giải theo hướng, ai lỗi gì hãy nhận lỗi ấy, cả ba cháu cũng vậy. Nhậu nhẹt mất tư cách cũng có lỗi với gia tộc và với gia đình nhỏ của mình chứ sao. Rượu vào lời ra, ấm ức phận rể ăn nhờ ăn theo, có thể ba đã lỡ lời nhân cớ rượu và từ đó, mới gây nên chuyện chăng?

Cơm sôi nhỏ lửa, lời răn ấy không chỉ dùng cho quan hệ vợ chồng thôi đâu, cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất