| Hotline: 0983.970.780

Còn ai bảo vệ voi?

Chủ Nhật 16/08/2015 , 15:27 (GMT+7)

Lần đầu tiên ở Việt Nam có một phiên toà chính thức xét xử những kẻ chặt đuôi, vặt trộm lông đuôi voi (nhiều khả năng bọn chúng đã giết voi không ít lần!). 

Tôi không thạo lắm về internet. Nhưng, chuyến dọc ngang Tây Nguyên lần này, đi đâu cũng thấy những người quen của mình khóc thương voi… Có quản tượng phải thuê người đi tìm thủ phạm giết con voi lớn nhất Việt Nam của mình, có người kêu gọi lực lượng vũ trang cầm súng bảo vệ chú voi Pắc Cú (vừa bị chém 217 nhát) trước nguy cơ bị… cướp thịt. Thế là tôi bèn lên Google tìm kiếm với từ khoá “chặt đuôi voi”.

Và, chỉ trong 0,05 giây, có 5.260.000 kết quả về sự tàn nhẫn không giới hạn của người mình với voi nhà. Tôi nghiệm ra, nếu gõ “giết voi” thì có nhiều vụ ở nước ngoài xen lẫn trong các thông số “nhà mạng” đem về, chứ “chặt đuôi voi” thì trên trời dưới đất, khắp cõi nhân gian chỉ có ở ta. Như thế đủ biết dư luận, báo chí quan tâm đến chuyện sát hại voi nhà lấy các phần thi thể đem bán (đặc biệt là lấy ngà và lông đuôi) tới mức nào.

Chuyện là thế này: tôi có hai anh bạn yêu voi đến chí tình chí nghĩa, đều sống và gắn bó với tỉnh Đắk Lắk. Lần gặp này, họ đều đang ngồi khóc voi. Hàng ngàn người lên tiếng khắp các diễn đàn xót xa cho thảm cảnh đàn voi nhà có thể sẽ tuyệt diệt trong một hai thập niên tới.

Lần đầu tiên tôi vào Tây Nguyên, bấy giờ là năm 1997, quê hương của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng khắp Đông Nam Á ấy đang có khoảng 500 con voi nhà. Lần này ghé qua, con số chỉ còn chưa đầy 1/10, tức 50 con, quá nhiều trong số này là voi bị thương, tàn phế, bị cưa ngà, vặt trụi lông hoặc cắt cụt mất cả đuôi vì cái gọi là “voi tặc” (những kẻ trộm, giết voi).

trng-21105010463

Anh Nguyễn Trụ là Giám đốc Khu du lịch sinh thái Thác Bảy Nhánh -Buôn Đôn, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk. Quản lý khu vực ven bờ sông Sê-rê-pốc rộng tới 50ha, công ty của anh Trụ có một con voi rất đẹp tên là Pắc Cú. Ngà dài và nhọn, voi ta sung mãn, trẻ trung, lại cực kỳ thân thiện với du khách. Vậy mà voi Pắc Cú bị những kẻ tàn độc tấn công trong một đêm mưa to gió lớn, thác nước ven cầu treo vượt sông Sê-rê-pốc gào rú đến rợn người.

Xem xong chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” của VTV, chưa đến giờ đi ngủ, bà con trong buôn vẫn đang nghe ngóng cơn mưa rầm rập, thì có tiếng voi kêu lạ lạ. Ai cũng ngỡ đang là mùa con voi xuống suối uống nước, mùa con ong đi lấy mật, thì Pắc Cú hứng tình đòi được “yêu” nên hơi trái tính trái nết.

Ai dè, đó là phút định mệnh, voi Pắc Cú bị kẻ xấu đốt lửa phía đầu, đốt lửa phía đuôi dọa dẫm, dẫn đến hoảng loạn chạy vòng quanh cái cây lớn ngoài bìa rừng. Sợi xích to loảng xoảng cuốn chặt gốc đại thụ, chân voi bị bó chặt đến chỗ không cụ cựa được nữa. Kẻ tàn độc dùng kích điện dí vào đầu, voi Pắc Cú choáng váng, rồi cứ thế, chúng dùng dao lớn và rìu rựa đẵn củi “xả thịt hành quyết”.

Kẻ xấu không thể nào ngờ được, rằng voi đực Pắc Cú, bằng sức mạnh bản năng sinh tồn của loài vật sống trên cạn khổng lồ nhất còn tồn tại với quả đất, đã gồng mình phá đứt sợi xích lớn đã nhiều năm xích nó. Voi chạy về đến gần khu du lịch tìm chủ, thì cũng là lúc máu nó loang đỏ cả một trảng rừng, đỏ dọc lối đi, nó quỵ xuống.

“Chúng nó lăm lăm xông vào như âm binh cướp cháo chúng sinh ấy. Có lúc tôi phải hứa với đám con buôn là chúng tôi sẽ bán xác voi cho họ, sau khi khám nghiệm tử thi xong. Thế rồi lúc sắp chôn voi, tôi mời các đồng chí công an mặc quân phục đứng cùng tôi, hàm ý bảo với chúng nó rằng, công an kinh tế đang giám sát, đừng hòng hy vọng mua được “thịt” voi. Đấy, họ “xâu xé” xác voi đến mức ấy đấy! Thậm chí, tôi phải kêu gọi sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội biên phòng và bộ đội công binh trên địa bàn. Đến lúc tôi chôn voi, xây mộ cho voi xong, xi măng cứng lại thì mới dám thở phào” – anh Trụ rớt nước mắt nói.

 

Sau 81 ngày đêm vật lộn với cái chết cận kề, dù có sự quan tâm chăm sóc của các chuyên gia, bác sĩ của cả tỉnh, cả các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế, voi Pắc Cú vẫn… ra đi. Dư luận theo dõi và cực kỳ sửng sốt, phẫn nộ với các bức ảnh về thân thể “nát nhừ” do bị chém ít nhất 217 nhát của Pắc Cú.

Những ngày sau đó là những ngày anh Trụ và người thân tín cùng lực lượng hữu trách địa phương phải bạc mặt chống lại bọn “cướp”… xác voi. Thậm chí anh phải thuê người đào múc cả một dãy mương dài xung quanh khu vực lều lán có xác voi, để tránh xe ủi, xe công nông của những kẻ muốn cướp voi, gạ mua thịt voi rầm rập xông vào.

Hiện nay, đang còn nhiều tranh cãi về việc người ta ứng xử thế nào với xác của voi Pắc Cú. Nhưng anh Trụ kể, quá đau buồn trước việc những tên đạo chích nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, anh Trụ chỉ còn biết bỏ tiền lập một khu mộ chôn voi Pắc Cú. Mộ xây bằng đá, hình con voi nằm phủ phục. Bên này voi Pắc Cú ngà dài, bên kia voi cái H’Panh ủ rũ. “Bà” H’Panh này chết vì ngộ độc thức ăn ngoài rừng ruộng, có thể do người ta phun thuốc trừ sâu tràn lan.

Trong khu mộ voi hiện đại này, anh Trụ còn được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép xây dựng tượng “vua voi” Khun Su Nốp (tên thật là Y Thu, sinh năm 1828, mất năm 1838, hưởng thọ 110 tuổi). Nếu đúng như thế, âu cũng là một cách để anh Nguyễn Trụ tôn vinh đàn voi từng gắn bó như thành viên trong gia đình mình, như một biểu tượng tâm linh và sự giàu có, biểu tượng cho tinh thần dũng mãnh, yêu thiên nhiên của người Tây Nguyên – khi mà đàn voi nhà đang dần đi vào cõi tận diệt.

Anh Đàn Năng Long (nhà ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk) hiện nay đang được xem là người có nhiều voi nhất Việt Nam: 9 con. Voi của anh về đủng đỉnh đứng kín chân nhà sàn. Tôi từng cưỡi, từng chụp ảnh in báo con voi mang tên chàng cầu thủ Beckham mà anh Long rất hâm mộ.

Chợt một ngày nghe anh Long gọi điện báo tin “con voi to lớn nhất Tây Nguyên vừa bị sát hại”. Chưa hết, ít ngày sau, 3 con voi của anh Long bị bọn trộm rình chặt mất đuôi. Tiếp đến là voi của ông Y Per Eeung (người buôn Lê) bị kẻ xấu dùng thủ đoạn tương tự nhổ trụi thùi lụi cả 200 sợi lông đuôi. Mấy năm qua, gần chục con voi nhà đã bị giết hại tàn nhẫn, có khi chúng cưa ngà, xẻo hai quả mông, có khi chặt đuôi, có khi cắt 4 khúc chân, lắm lúc “beng” cả thủ cấp mang đi.

Anh Long sau khi tìm hiểu việc voi Pắc Cú của anh Trụ bị giết, đã cho rằng: Có thể đã hình thành một đường dây tội phạm chuyên giết voi cắt ngà, chặt đuôi, cắt da đem bán. Bởi trong nhiều vụ, chúng đều dùng kích điện, dao rựa và cách xuống tay rất giống nhau. Buồn hơn, các cơ quan điều tra địa phương ứng xử với các vụ án giết voi rất thờ ơ. Voi bị giết, họ cũng chỉ xem như con chó bị đánh bả, con lợn trong chuồng bị đứa xấu vào “mượn không hỏi chủ” thôi ư? Anh Long căm phẫn, tự mình mở một cuộc truy tìm thủ phạm sát hại voi nhà.

Anh Long cho rằng chắc chắn sẽ có người bản địa vốn quen gần gũi voi dẫn đường, tiếp cận voi, lại sẽ phải có kẻ nơi khác ranh ma cầm dụng cụ xâm hại voi, có mối bán ngà, bán đuôi và lông đuôi voi. Thậm chí, nhiều khả năng có kẻ chủ mưu đứng đằng sau cung cấp tài chính và tiêu thụ “sản phẩm trộm cắp”. Anh Long dự đoán, bọn này kiếm được vài chục triệu một cái đuôi voi chúng sẽ sa đà vào ăn chơi, rượu chè, gái gú. Bây giờ nhiều người đi du lịch sinh thái kiểu vả mặt vào sinh thái”, họ mù quáng tin vào may mắn, giàu có từ việc sử dụng lông đuôi voi lồng vào trong nhẫn, trong vòng, hoặc cất cả sợi lông trong nhà.

Từ đó, lắm kẻ vặt trộm lông đuôi voi, những kẻ bán hàng thì lùng mua cả khúc đuôi voi để cắm lông đuôi voi giả vào – lấy chùm lông và lấy khúc đuôi ấy như cái “chứng chỉ làm tin” giơ cho du khách xem để “nhử mồi” kiếm chác. “Phải chặn đứng thứ nạn quái đản này để cứu đàn voi nhà của Tây Nguyên. Để điều tra được thủ phạm sát hại voi nhà, trước hết anh phải là người… giàu”, anh Long tâm sự. Thế là anh Long tung tiền, cứ 300 nghìn đồng cho một cô gái điếm ở các quán “bình dân”: “Các cháu cứ thấy đám nào nhậu, chơi mà nó nói chuyện giết voi, chặt đuôi voi thì báo cho chú, mỗi tin có giá trị, chú trả 500 nghìn đồng. Đứa nào chịu bỏ cái nghề hư đốn này, chú sẽ nhận về làm việc ở công ty của chú”. Anh Long nghĩ, đám cắt đuôi trộm ngà, nó chỉ “chơi” ở những chỗ “thác loạn” kiểu đó thôi. Có ngày anh bỏ 10 triệu thuê ôtô đi “giăng bẫy”, điều tra, “đón lõng” những kẻ giết voi.

Quả nhiên, một ngày tối trời, hai “gái bán hoa” một tên Hoa, một tên Trúc đến gặp anh Đàn Năng Long báo tin: Có một bọn giết voi, chặt đuôi voi đang hể hả ăn chơi, chúng nói chuyện với nhau về việc sắp làm một vụ nữa. Anh Long đi thám thính, thì đúng là chúng sắp sẵn búa, kích điện và nhiều dụng cụ đáng sợ khác, chuẩn bị đợi mưa to gió lớn để tìm giết con voi ngà dài của anh. “Một mình mình, có tới 3 con voi bị chặt đuôi, vài báu vật voi bị giết, có bi kịch nào hơn thế?

trng-19105003764

Hơn 10 vụ giết voi ở Tây Nguyên, sao chưa có vụ nào tìm ra thủ phạm! Mình phải báo thù cho đàn voi”. Anh Long cắn răng phục kích, khi đã chắc tư liệu, anh đi báo công an. Nhiều cán bộ điều tra lo lắng, nghi ngờ tài “thám tử” của anh, rằng “anh có chắc không, có đủ chứng cứ bắt kẻ xấu đúng pháp luật chưa, khi ập vào sẽ thu được những gì?”. Anh Long kể về việc sử dụng “gái bán hoa” làm “do thám”, rồi khẳng khái lấy toàn bộ tài sản của “vua voi” thời mới ra đánh cược. Không lâu sau, những kẻ thủ ác gồm: Phạm Văn Huy, Đàm Văn Nội, Lê Viết Dũng và Y Bia Hwing sa lưới pháp luật.

Lần đầu tiên ở Việt Nam có một phiên toà chính thức xét xử những kẻ chặt đuôi, vặt trộm lông đuôi voi (nhiều khả năng bọn chúng đã giết voi không ít lần!). Điều ít ai biết được, là cái cách chủ voi Đàn Năng Long thâm nhập, “trinh sát hoá trang” để cài tai mắt của mình vào thế giới gái điếm chuyên nghiệp nhằm tìm ra những kẻ giết voi.

Vụ tranh cãi xung quanh những chiếc lông cũng là một kỷ lục nữa. Thẩm phán Bùi Văn Tâm, chủ tọa phiên toà thở dài, vì xử cái vụ chưa có tiền lệ trong lịch sử pháp đình này, nên toà phải hoãn, trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung. Tại toà, anh Long không chấp nhận lời khai của bọn chặt đuôi voi, cũng như cách tính “tài sản” đuôi voi, lông voi của hội đồng định giá. Rằng, voi của anh Long bị chặt với 350 sợi lông, mỗi sợi dài 7-10cm, có giá “chợ đen” là 35 triệu đồng.

Bọn Nội, Huy thì khai chặt được đuôi voi H’ Túc của Long, bán cho tiệm vàng nọ ở TP Buôn Ma Thuột được 20 triệu đồng. Anh Long cực lực phản đối với con số chắc nịch: đuôi voi của anh chắc chắn có 630 sợi lông, bán được ít nhất 100 triệu đồng. Đấy là chưa tính việc voi bị mất nhiều máu, suy giảm sức khỏe và tuổi thọ, tốn nhiều thuốc men, giảm giá trị thẩm mỹ và giá thành của voi cái xinh đẹp H’ Túc…

Phiên toà bị hoãn, nhưng toà án lương tâm thì dường như lại càng nóng bỏng hơn sau đó. Voi là con vật thông minh, gắn liền với các giá trị tâm linh quý báu của người Tây Nguyên và cả nước; nhiều voi bị giết đã sống với con người gần trăm năm, có công trong phục vụ chiến đấu vệ quốc và xây dựng, phát triển của chúng ta. Cả nước, cả thế giới đều lên tiếng kêu gọi bảo vệ voi rừng và voi nhà. Thật xấu hổ khi chúng ta phải chứng kiến cảnh xẻ thịt voi, chém voi, giết voi để cưa ngà, chặt đuôi, xẻo chân, cắt đầu voi như vậy. Đáng sợ hơn là sự bất lực của cơ quan có trách nhiệm, để đến nỗi anh Trụ chỉ còn biết khóc thành lập “nghĩa địa” voi, còn anh Long thì thuê gái điếm mới tìm ra hung thủ. Vì thế mà hành trình đòi công lý cho voi vẫn còn vời vợi…

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất