| Hotline: 0983.970.780

Con chữ hình ánh lửa

Thứ Sáu 05/09/2014 , 08:15 (GMT+7)

Ly Na và nhiều người nữa trước em ở miền núi Quảng Trị đang là những ngọn lửa thắp sáng tương lai những bản làng vùng cao.

Bới lẽ, trước đó câu chuyện Hồ Thị Ly Na, người dân tộc Vân Kiều ở bản Trằm xã miền núi Hướng Tân (Hướng Hóa, Quảng Trị), vừa thi đỗ cùng lúc Trường Đại học Y Dược Huế và Đại học Nông - Lâm Huế đều 26,5 điểm như đang “sốt" lên giữa rẻo cao Trường Sơn.

Nổi tiếng trong gia đình có ba sơn nữ

Đầu tháng 9, trên những cung đường ngoằn ngoèo giữa rẻo cao Trường Sơn nhiều học sinh người Vân Kiều, Pa Cô bắt đầu xuống núi, trở lại trường học chữ sau mấy tháng nghỉ hè.

Không có hình ảnh người mẹ dắt tay con đi học mà các em tự gùi ba lô gạo, quần áo và cặp học sinh để tự lo cuộc sống và học tập cho mình.

Đi kiểm tra ở các bản làng trở về, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Hồ Thị Lệ Hà thốt lên: Cuộc cách mạng giáo dục ở vùng rẻo cao này là thành tựu nổi bật nhất mà huyện Hướng Hóa đạt được trong những năm gần đây.

Để khi kể về chuyện khát khao được học cái chữ của con em dân bản, Hồ Thị Lệ Hà, người con của bản làng nay đã là Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, trong ánh mắt không khỏi cháy lên niềm tự hào.

Hơn sáu năm trước, từ vị trí Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Hướng Hóa, chị được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, một Phó Chủ tịch huyện trẻ tuổi nhất ở Quảng Trị.

Chị có bố là người Pa Cô, mẹ người Vân Kiều, chồng là người Kinh. Tuy chị không bao giờ nhận mình là xinh, nhưng ai cũng khen chị là người đẹp nhất trong gia đình có ba chị em gái nổi tiếng học giỏi mà ai cũng đều rất đẹp. Bố mẹ chị luôn động viên các con phải gắng học cái chữ để mai này giúp đồng bào mình.

Nhớ lại, năm 1989, Ngân hàng NN-PTNT mở chi nhánh ở huyện Hướng Hóa, cần tuyển 3 nhân viên người dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa. Lệ Hà là nhân tố đầu tiên được nhiều người giới thiệu vì cô có học vấn hơn người khác.

Khi được thuyết phục làm ngân hàng chị đắn đo mãi, rồi cuối cùng mạnh dạn viết đơn xin làm việc, mong muốn vận động được nhiều tiền về cho dân bản vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Hà mong dân bản có đời sống giàu có hơn. Những hình ảnh trẻ thơ dân bản mò cua, bắt óc ở khe suối mà Hà thấy được trong mỗi lần đi công tác về cơ sở khiến Hà mãi day dứt.

Có bằng tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, sau một thời gian làm việc Lệ Hà được đề bạt làm kế toán trưởng rồi sau đó được đề bạt sang làm Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Hướng Hóa.

Để được như hôm nay, con đường đi lên của Lệ Hà không chỉ là chiếu hoa. Cô là hiện thân của hàng vạn con em người Vân Kiều, Pa Cô trên đỉnh Trường Sơn ngày đêm quyết tâm học tập mang kiến thức về xây dựng bản làng, quê hương.  

Hồ Thị Lệ Hà rất gần gũi với bà con của mình nhưng cương quyết trong công việc. Nhớ mọi lần họp HĐND tỉnh Quảng Trị, chị luôn đăng đàn với những câu hỏi chất vấn làm cho nhiều đơn vị liên quan phải “toát mồ hôi” khi trả lời.

Chị luôn trăn trở bà con mình bây giờ không chỉ cần đến miếng ăn hằng ngày, mà họ còn muốn được được học hành cao hơn, tạo điều kiện để làm ăn vươn lên có cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.

Đòi hỏi chính đáng ấy của bà con dân bản buộc người cán bộ phải vắt óc suy nghĩ mới mong tìm được bước đi phù hợp, mà theo Hà, phải bắt đầu từ việc đầu tư học hành cho con em.

Người đầu tiên đạt điểm cao nhất

Tấm gương của chị Hồ Thị Lệ Hà như khơi nguồn động viên cho chuyện học hành và khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ miền núi Quảng Trị.

Trở lại câu chuyện cô bé Vân Kiều có tên Ly Na đỗ hai trường đại học. Em là người Vân Kiều đầu tiên đạt được 26,5 điểm khi thi vào chuyên ngành bác sĩ Đa khoa của Trường Đại học Y Dược Huế trong một cuộc cạnh tranh sòng phẳng.

Trước kia, phần lớn học sinh người Vân Kiều, Pa Kô bước chân vào giảng đường bằng hình thức cử tuyển hoặc dự bị đại học. Nay học sinh Vân Kiều, Pa Cô luôn khát vọng, họ không chấp nhận thủ phận nên ngày đêm khát khao để học. Nhiều cô cậu học trò vùng cao đỗ đại học chính quy bằng sức mình, rất hãnh diện với bạn bè.

Ông Hồ Văn Cài nở nụ cười mãn nguyện khi hay tin cô con gái út Hồ Thị Ly Na đỗ cùng lúc hai trường đại học. Khoát tay về mấy tấm giấy khen treo trên tường, ông Cài khoe trước Ly Na, 5 người con của vợ chồng ông cũng đã tốt nghiệp đại học, nhưng đỗ điểm thi thật cao thì mới có Ly Na, con bé đầy khát vọng và thích đối mặt với thách thức.

Ông Cài nhớ mãi cái ngày Ly Na chào bố mẹ để xuống núi thi đại học, em tự tin: Bố mẹ hãy chờ đón tin vui, con sẽ đỗ đại học với số điểm thật cao để mai này được làm bác sĩ trở về chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ và dân bản.

Cũng như nhiều hộ dân ở bản Trằm, trước đây gia đình ông Cài gặp rất nhiều khó khăn. Ông bà khấn nguyện với trời đất cho sức khỏe để đừng bao giờ buông chiếc cuốc, chiếc rựa khỏi tay, nếu rời những dụng cụ lao động ấy ra nhất định việc ăn học của 6 đứa con sẽ bị ảnh hưởng.

Đường đến ngày mai của người Vân Kiều, Pa Cô còn không ít chông gai. Song câu chuyện trên là hình ảnh của những con chữ mang hình ánh lửa để thắp sáng cho tương lai của những bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn. Người Vân Kiều, Pa Cô cần lắm những bàn tay, khối óc ưu tú của học sinh con em mình.

Nhờ con cái chăm ngoan, bố mẹ có kế hoạch làm ăn nên cuộc sống của gia đình Ly Na mới bắt đầu bước sang trang mới.

Những ngày đi học phổ thông với Ly Na không hạnh phúc gì bằng cảm giác cầm giấy khen về nhà để được thấy gương mặt mừng vui của bố mẹ. Ly Na luôn khiến bố mẹ và thầy cô giáo của mình rất tự hào vì từng đạt nhiều giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học.

Nhiều gia đình 5 con đại học

Bây giờ, chuyện người Vân Kiều, Pa Cô có nhiều con học đại học không còn hiếm nữa.

Đến thị trấn Khe Sanh hỏi thăm nhà bà Hồ Thị Lành, bà con ai cũng biết. Bà Lành lam lũ cùng nương rẫy để 6 người con đều vào đại học. Gia đình bà sinh sống trong một ngôi nhà cấp 4, vật dụng sinh hoạt đơn sơ, cũ kỹ nhưng tường nhà được treo nhiều giấy khen của các con.

Bà Lành chia sẻ, suốt đời nghèo khổ rồi, bọn trẻ phải có cái chữ để khỏi phải vất vả bản thân và còn cống hiến cho cộng đồng, quê hương. Bà tự hào vì các con mình luôn biết chia sẻ, có trách nhiệm với gia đình, xã hội.

Anh Hồ Minh Sơn, con trai đầu của bà, tốt nghiệp Đại học Cảnh sát TP. HCM hiện công tác tại Công an huyện Hướng Hóa, người thứ hai là Hồ Văn Sĩ, tốt nghiệp Đại học Biên phòng. Những người còn lại như Thủy, Thạch, Thắm, Thương học ở các trường Đại học Nông - Lâm, Đại học Sư phạm Huế và Thủy sản Nha Trang.

Rồi tiếng thơm vang xa giữa đại ngàn khi gia đình bà Hồ Thị Hai bản Cát, xã Đăkrông một mình nuôi 5 người con học đại học. Trong 5 người con của bà Hai thì người con trai đầu Hồ Toàn học Đại học Y khoa Huế. Anh Hồ Tâm học Đại học Nông - Lâm Huế. Hồ Ka Na và thêm 2 người nữa là Hồ Tú và Hồ Phú thì học ngành Kinh tế Đại học Vinh (Nghệ An).

Nhà có 8 con trâu nhưng rồi đàn trâu cũng vơi dần vì bà phải bán để có tiền trang trải việc học của các con.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất