| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 09/09/2010 , 10:14 (GMT+7)

10:14 - 09/09/2010

Con chữ & thời cuộc

Một ông đồ già, 70 năm viết chữ chỉ cho được một chữ liêm nhưng buồn thay đó không phải là một cán bộ mà là một đứa trẻ với những lời lẽ hết sức đau lòng: bố cháu làm cán bộ mà cán bộ thời nay dễ kiếm tiền quá, quên hết cả liêm chính nên cháu xin về với mong ước bố cháu sẽ thoát khỏi con đường xấu! Đứa trẻ ấy khiến thầy đồ và tất thảy chúng ta lấy làm kinh ngạc nhưng cha của nó và những đồng nghiệp của cha nó có nghĩ thế không?

Câu hỏi của độc giả thân thiết nêu trên đến đây có thể đã có câu trả lời. Vậy, trong phòng của cán bộ treo gì? Xin thưa, có rất nhiều bằng khen, ảnh chụp với lãnh đạo cấp trên hoặc cùng lắm là một chữ phúc, chữ nhẫn. Có lần tôi vào một cơ quan hải quan ở Thanh Hóa, rất ngạc nhiên khi vị cán bộ lãnh đạo không treo chữ liêm, chữ chính mà khênh hẳn phiến đá to tạc một thành ngữ “Lạt mềm buộc chặt”. Thực lòng, tôi không hiểu hết ý của vị lãnh đạo này, nhưng nghe từ buộc chặt thì cứ thấy hãi hãi làm sao.

Nhắc đến liêm chính, ngó sang nước láng giềng Trung Quốc lại giật mình. Để giảm bớt cán bộ hư hốt, tham ô, nhũng nhiễu nhân dân, người Trung Quốc mới đây dựng cả một Trung tâm có tên là “Giáo dục liêm chính Trùng Khánh”. Và ngay ở cổng vào trung tâm, người ta đặt khắc dòng chữ mực son: "Làm quan thanh liêm mới là đại trí tuệ".

Giữa phòng trưng bày, người ta cho treo chính giữa hai chữ “Liêm chính” rất lớn. Còn ở góc tối, người ta treo hai chữ “Hủ bại”. Hai gam mầu, hai vị trí đối lập như nhắc nhở, tương phản giữa chính và tà. Sâu sắc xiết bao! Ở  trung tâm này người ta trưng bày những tang vật, tư liệu về những vụ tham nhũng điển hình để răn dạy lãnh đạo, cán bộ. Khi trung tâm khánh thành, du khách nườn nượp kéo đến tham quan.

Việt Nam chúng ta là nước biết học hỏi và chắt lọc cái hay của nhân loại. Chúng ta nên có một bảo tàng như thế không? Một cán bộ tự tay treo chữ liêm, chữ chính trong phòng làm việc của mình liệu tay kia anh ta có thò tay nhận phòng bì hay nhắm mắt kí một chữ kí có hại cho dân, cho nước? Câu trả lời thật khó chính xác nhưng đoan chắc một điều, tâm anh hướng thiện thì việc ác sẽ khó xảy ra!

Khi  tôi viết những dòng này, 360 người nông dân lam lũ kéo đến tòa soạn báo. Những khuôn mặt khắc khổ ấy gọi chúng tôi là “các ông”, là “bề trên”. Nghe xưng hô thế, có đáng xót xa không? Họ kéo đến để tố cáo những cán bộ hư hốt, o ép người dân tại địa phương mình. Và, đáng tiếc rằng mỗi ngày đơn kiện cán bộ thêm nhiều, chiếm đến 80% số đơn thư độc giả gửi đến tòa soạn.

Bình luận mới nhất