| Hotline: 0983.970.780

Cồn Cỏ- đất Việt giữa trùng khơi

Thứ Ba 28/06/2011 , 11:44 (GMT+7)

Trong lòng người dân Quảng Trị và nhiều nơi khác, Cồn Cỏ- một hòn đảo nhỏ hai lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND luôn xứng đáng là điểm tiền tiêu của Tổ quốc,...

Trong lòng người dân Quảng Trị và nhiều nơi khác, Cồn Cỏ- một hòn đảo nhỏ hai lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND luôn xứng đáng là điểm tiền tiêu của Tổ quốc, một hình ảnh kiên cường của đất Việt giữa trùng khơi. 

Mỗi công dân đều có phần trách nhiệm

Anh hùng LLVTND Lê Văn Ban ở xã biển Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chèo thuyền ra tiếp tế lương thực, vũ khí cho đảo Cồn Cỏ trong những năm đất nước còn chiến tranh. Ông nói: “Tình thế lúc đó luôn khó khăn, mỗi chuyến ra đảo đều bí mật song máy bay giặc lúc nào cũng oanh tạc ngay trên mũi thuyền. Thế mà ngư dân Quảng Trị vẫn hiên ngang ra đảo để bảo vệ đảo như bảo vệ ngôi nhà thân yêu của mình. Ngày đó, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi nhân dân Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ anh hùng”. 

Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Cồn Cỏ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lê Văn Ban lại ra đảo thăm hỏi, động viên những cư dân ngày đêm đang bám đảo. Ông Ban nhắc nhở những cư dân trên đảo: “Thế hệ các bác đã đổ máu, xương để giữ lấy đảo này. Bây giờ các cháu ra đảo sinh sống, làm ăn để bảo vệ đảo vậy là rất tốt. Chúng ta dù ở đâu, nếu là người Việt Nam thì cần phải có một phần trách nhiệm để bảo vệ đảo, bảo vệ biển khơi”. Hình ảnh người ngư dân- anh hùng trở lại biển đảo càng làm cho hòn đảo này thêm sức sống hơn.

 Bảy năm trước, huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập, trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thứ 10 của tỉnh Quảng Trị. Huyện đảo ra đời đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối dân sự hóa đảo trong quá trình hội nhập đi lên của đất nước. Hôm nay đảo Cồn Cỏ có khoảng 300 cư dân đang làm ăn, sinh sống. Việc đưa dân ra đảo sinh sống đã cụ thể hóa phương châm mỗi công dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ từng vuông đất của Tổ quốc dù có ở giữa trùng khơi.  

Ban đầu, chỉ có 50 công dân là thanh niên tình nguyện ra huyện đảo làm ăn sinh sống. Họ là người ở các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thái....của huyện Vĩnh Linh. Ra đảo, các cư dân được cấp nhà sinh sống, làm ăn, mỗi tháng còn được trợ cấp thêm tiền. Nhiều thanh niên trong số này đã kết hôn với nhau. Sau nhiều năm ra đảo, họ đã sinh ra những cháu bé đầu tiên trên đảo và trở thành chủ nhân tương lai của Cồn Cỏ.

Anh Nguyễn Văn Phong, một cư dân ở đây cho biết :“Không thể nói là sống ở Cồn Cỏ không có khó khăn song bây giờ Cồn Cỏ đã tiến bộ hơn xưa rất nhiều. Mấy chục hộ dân sinh sống vừa buôn bán, vừa làm nghề biển. Chuyện ra vào từ đất liền mỗi ngày cũng thêm thuận lợi nên chúng tôi cảm thấy cuộc sống đã nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều”.

Huyện đảo đã đầu tư gần 300 tỷ đồng để xây dựng trụ sở làm việc, hệ thống âu tàu, kè chống xói lở, điện, nước, viễn thông... để không ngừng làm cho đảo ngày càng gần đất liền hơn. Con đường nhựa láng từ âu thuyền lên trung tâm huyện rộng rãi. Nhà ở của cư dân được xây dựng vững chắc. Hình ảnh đáng yêu nhất là trong ngôi nhà mẫu giáo, các cháu đến lớp mỗi ngày một đông dần. Tiếng bi bô vang vọng khắp xóm đảo.

Đất Việt giữa trùng khơi

Ông Lê Quanh Lanh- Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết: Cồn Cỏ nằm cách đất liền 18 hải lý (hơn 30 km), có vị trí rất quan trọng trên biển Đông, nơi trung chuyển giữa biển, có nhiều tàu thuyền qua lại. Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội huyện đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2010- 2015, coi trọng phát triển du lịch- dịch vụ- thủy sản kết hợp với phát triển lâm-nông nghiệp; Từng bước di dân, sắp xếp, cơ cấu lại lao động, dân cư gắn với việc nâng cao vật chất, tinh thần cho nhân dân trên đảo.

Cũng theo ông Lanh, muốn phát triển nhanh huyện đảo Cồn Cỏ cần thực hiện việc xây dựng hoàn chỉnh khu hậu cần nghề cá, kêu gọi các tàu thuyền vào trao đổi, buôn bán xăng, dầu, sản phẩm đánh bắt trên biển, từ đó không ngừng mở mang ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm cho người dân trên đảo.

Đảo Cồn Cỏ có một âu thuyền rất lớn được Nhà nước đầu tư xây dựng để làm nơi trú ngụ, tránh bão cho các tàu thuyền đánh cá trên biển. Âu thuyền là nơi thường tụ tập đông ngư dân nhất sau mỗi ngày ra khơi. Vậy nên, những khi gió mùa hay mưa bão là lại là lúc đảo này vui nhất. Dưới âu thuyền bè đậu kín như nêm. Trên bờ, hàng trăm ngư dân đến trú tạm.

Anh Nguyễn Quang Thánh- người quản lý dân cư trên đảo kể, những lúc động biển, ngư dân vào đảo trú lại, khách cũng như chủ, ngồi khoanh tròn bên mâm rượu và kể những câu chuyện dài cho đỡ nhớ quê. Có khi, ngư dân không phải ghé vào đảo vì gió bão, mà chỉ ghé vào để được bước chân lên đây cho đỡ nhớ quê nhà rồi sau đó lại tiếp tục ra khơi với những tháng ngày lênh đênh trên biển.

“Không biết tự bao giờ đảo Cồn Cỏ đã trở thành nơi gửi gắm thiêng liêng nhất cho những cư dân trên biển và những người ở đất liền. Đảo nhỏ nhưng sự kỳ vọng của quê hương và người dân trên đảo thì không nhỏ chút nào”- anh Thánh nói.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.