Tạp chí Y học JOM của Mỹ số cuối tháng 2/2013 đăng tải nghiên cứu của các chuyên gia ở ĐH Aukland (UOA), New Zealand phát hiện thấy: Trật tự sinh có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Theo đó, những người ra đời đầu tiên hay con cả thường có rủi ro mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh chuyển hóa cao hơn so với những người sinh sau. Đặc biệt, nhóm người này có mức độ nhạy insulin thấp hơn tới 21% so với những người sinh sau. Cũng qua nghiên cứu các nhà khoa học phát hiện thấy cấu trúc gia đình trong xã hội hiện đại đang có chiều hướng liên quan mật thiết đến sức khỏe con người mà khoa học chưa kịp nhận biết hết, nhất là bệnh tiểu đường tuýp 2, tim mạch, đột quỵ và cao huyết áp.
Ảnh minh họa
Việc dân số gia tăng ở các nước đang phát triển, việc ngại sinh con ở các nước công nghiệp phát triển đã bộc lộ dần mặt trái của nó. Ví dụ, ở Trung Quốc, mỗi gia đình chỉ có 1 con nên sức khỏe của thế hệ tương lai có những bất cập mà người ta chưa lường hết.
Để có kết luận, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm chứng một số thông số như lipid, hormone, chiều cao và các yếu tố sức khỏe khác của 85 đứa trẻ khỏe mạnh, độ tuổi 4-11 trong thời gian dài. Trong số này có 32 đứa trẻ thuộc nhóm con đầu lòng và phát hiện thấy mức độ nhạy insulin của cơ thể giảm tới 25%, trong khi đó huyết áp lại tăng tới 4 mmHg so với những đứa trẻ sinh sau. Tuy nhiên, những đứa trẻ sinh đầu tiên lại cao hơn, mảnh mai hơn so với những đứa em, bất kể chiều cao của cha mẹ. Ngược lại, những đứa trẻ sinh sau lại có khả năng chuyển hóa tốt hơn so với những đứa sinh đầu. Lý do rất đa dạng, trong đó có cả những thay đổi về thể chất, dưỡng chất ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, đây chính là những yếu tố làm cho sức khỏe của những đứa trẻ ra đời sau ít mắc bệnh hơn.
Theo tiến sĩ W.Catfield người chủ trì nghiên cứu thì phát hiện trên giúp khoa học phát hiện ra những nguyên nhân gây bệnh dậy thì sớm ở trẻ em cũng như tác động của cuộc sống đến độ nhạy insulin, thủ phạm gây bệnh tiểu đường cuối đời. Tuy phát hiện trên rất mới song khoa học cũng cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh tiểu đường, cao huyết áp cũng như các bệnh nan y khác vào cuối đời. Từ đó giúp các nhà hoạch định kế hoạch, các nhà nhân khẩu học điều chỉnh chính sách sinh đẻ, đảm bảo mức cân bằng dân số, cân bằng giới nhằm hạn chế tình trạng lão hóa, tạo ra thê hệ tương lai có sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần, chứ không chỉ đơn thuần về việc giảm dân số như các chương trình hiện đang được áp dụng.