| Hotline: 0983.970.780

Còn đâu rừng Đạ Tẻh

Thứ Tư 01/12/2010 , 09:36 (GMT+7)

Hàng ngàn hécta rừng tại các xã Đạ Pal, Đạ Lây, Mỹ Đức, Quốc Oai thuộc huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng đang bị khai thác, tàn phá và giao cho các DN vô tội vạ.

Hàng ngàn hécta rừng tại các xã Đạ Pal, Đạ Lây, Mỹ Đức, Quốc Oai thuộc huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng đang bị khai thác, tàn phá và giao cho các DN vô tội vạ. Mỗi ngày, khoảng từ 5 giờ chiều đến gần sáng, ở các cửa rừng người dân thường thấy nhiều chuyến xe trâu, xe máy, công nông tập kết công khai ngay cửa rừng để vận chuyển gỗ...

Bị phá tan hoang

Khi biết ý định của chúng tôi muốn đến khu vực rừng Đạ Pal bị tàn phá, anh Th, một thổ địa ở thị trấn Đạ Tẻh khẳng định: “Không riêng gì Đạ Pal, rừng ở Mỹ Đức, Quốc Oai, Đạ Lây cũng bị phá tan hoang hết rồi. Nếu không có tụi em đưa đi, đố các anh đến được”. Anh Th cho biết, để đến được rừng Đạ Pal đang bị lâm tặc tàn phá, chỉ có một con đường độc đạo lên núi khoảng 9 cây số với dốc cao. Do xe chở gỗ nặng làm hai vệt bánh lún sâu xuống gần nửa mét, chỉ còn lại phần giữa đường trơn như đổ nhớt, người chạy không quen thì không thể đi nổi.

Quả đúng như lời Th nói, đúng 13 giờ ngày 24/11 chúng tôi cùng Th trên chiếc xe dã chiến ì ạch nhích dần trên con đường dốc trơn nhẫy. Có đến cả chục lần chiếc xe loạng choạng muốn lao xuống ta-luy sát bên nên chúng tôi phải xuống lội bộ. Chỉ có 9 cây số đường rừng, nhưng phải mất hơn 2 giờ chúng tôi mới “bò” tới được khu vực rừng bị tàn phá. Không thể tin vào mắt mình, toàn bộ khu vực rừng bát ngát xanh ngút ngàn trước đây với những cây gỗ lớn hàng người ôm thì nay chỉ là những ngọn đồi trọc lốc, loang lổ vết cây bị đốt cháy đen.

Th bảo, khu vực này thuộc tiểu khu 557, xã Đạ Pal. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy khá nhiều cây gỗ rất to bị bỏ lại, anh Th giải thích: “Đây là một bằng chứng cho thấy lâm tặc phá rừng chứ không phải rừng được khai thác theo giấy phép. Nếu là DN khai thác thì họ có phương tiện chuyên chở công khai nên tận dụng hết, không bỏ thứ gì. Còn lâm tặc phải bỏ lại sau khi mất công cưa cắt vì gỗ bị lỗi, nếu chúng lấy trừ phí thuê chuyên chở và cả những khoản chi “không tên” sẽ lỗ hoặc không có lời”.

Trong lúc chúng tôi đang ghi lại những thước phim chứng minh cảnh rừng bị phá hoang tàn thì bất chợt nghe tiếng cưa máy rú lên từng hồi ở cánh rừng kế đó (cách khoảng 700 mét, thuộc tiểu khu 544). Tiếng cưa máy rít liên hồi, ngay sau đó là tiếng cây kêu răng rắc đổ xuống ầm ầm. Chúng tôi tiến xuống cách nhóm người đang dựng lán phía dưới khoảng 300m để quay phim thì lập tức bị 2 đối tượng nghi là lâm tặc phát hiện. Ngay lập tức hai chiếc xe máy rú ga ào tới như để thám thính tình hình rồi dừng lại bên cạnh chiếc xe mà chúng tôi để phía dưới gần bờ suối.

Khi chúng tôi xuống đến nơi đậu xe thì thấy chiếc xe đã đổ chổng kềnh. Anh Th nói: “Tụi nó liều lắm, anh đưa hết máy quay, điện thoại, máy chụp hình em cất vào cốp xe. Nếu tụi nó hỏi anh đừng nói là nhà báo nhé bảo đi chơi thôi”. Quả nhiên đúng như lời Th nói, khi chúng tôi quay trở về gặp hai đối tượng trước đó đứng chắn giữa đường với ánh mắt đằng đằng sát khí. Rất may là hai tên này đều biết mặt Th nên chúng hỏi Th vài câu rồi quay đầu xe cho chúng tôi đi.

Ngày 25/11, từ trung tâm thị trấn Đạ Tẻh chúng tôi đi khoảng hơn 10km là tới rừng Mỹ Đức. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi ở đây là những cánh rừng trơ trọi đến tàn tạ. Nhiều người dân cho biết rừng ở đây không còn vì đã giao hết cho các công ty tư nhân và nhà nước quản lý khai thác cả rồi. Ông T, một người dân ở thôn 8 cho biết, trước đây rừng xanh và tốt lắm vì đây là rừng đầu thượng nguồn. Thế nhưng nay chú thấy đấy chả còn gì đâu. Hàng chục công ty nhà nước có, tư nhân có về xí rừng và được UBND huyện Đạ Tẻh giao hết cả rồi…

Theo tài liệu điều tra riêng của NNVN, chỉ riêng xã Mỹ Đức đã có nhiều ngàn ha đất rừng được giao cho các DN gồm: Cty Kim Minh Đạt được giao 420 ha; Cty Cao su Hoàng Thịnh được giao 480 ha; Cty CP Cao su Đạ Tẻh được giao 1.000 ha; Cơ sở đũa Hồng Nhung được giao 47ha; Cty Du lịch Sinh thái Minh Nhật được giao hơn 500 ha. Đáng chú ý, Công an huyện Đạ Tẻh cũng được 60 ha để trồng cao su. Được biết, các đơn vị được giao đất rừng nêu lý do rừng nghèo kiệt sẽ tiến hành phá rừng sau đó... trồng lại rừng bằng cao su hoặc các loại cây khác.

Ngày 26/11, chúng tôi tiếp tục vào xã Quốc Oai, địa bàn được xem là phá rừng rất dữ dội ở Đạ Tẻh. Phải mất hơn tiếng đồng hồ chúng tôi mới tìm được đến buôn Đạ Nhar - địa bàn xa nhất của xã Quốc Oai, nằm sát với rừng. Nhiều người dân khẳng định, thời gian qua khu vực này luôn tấp nập người, trâu và ô tô, xe gắn máy qua lại chở đầy gỗ là gỗ. Chúng tôi đi vào cuối buôn rồi trà trộn cùng những người đi chặt lồ ô về để quan sát. Tại đây, chúng tôi thấy hàng chục người dân đi trên những chiếc xe máy dã chiến đi từ trong rừng ra.

 Thỉnh thoảng, những chú trâu lực lưỡng có gắn càng để kéo gỗ cũng lê những bước chân mệt mỏi từ phía rừng ra để về nhà sau một ngày làm việc cật lực. Tại đây, trong khoảng 2 giờ chúng tôi đếm được có tới trên 30 người cùng trâu và các loại phương tiện như xe máy, máy cưa lên rừng để khai thác gỗ trái phép. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, hầu hết những người lên rừng lấy gỗ đều tập kết gỗ ở quanh khu vực gần bìa rừng hoặc nơi kín đáo chờ đến tối sẽ dùng phương tiện để chở đi khỏi buôn Đạ Nhar và theo hướng đi ra phía ngoài.

Cơ quan chức năng nói gì?

Trả lời câu hỏi của NNVN về việc rừng bị tàn phá ở Đạ Pal, Mỹ Đức, Quốc Oai, ông Đỗ Văn Làn, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh cho biết hiện nay trên toàn huyện có hàng chục dự án của các DN đang khai thác trắng rừng nghèo kiệt để thay thế bằng cây cao su. Những dự án này do huyện Đạ Tẻh cấp phép khai thác trước sự giám sát của chính quyền tỉnh, huyện, kiểm lâm địa phương và xã sở tại.

Khi chúng tôi hỏi hiện tại có DN nào đang khai thác tại tiểu khu 544, xã Đạ Pal không, ông Làn cho biết DN Minh Huy đang khai thác. Tuy nhiên, trong báo cáo về tình hình khai thác rừng của Kiểm lâm Đạ Tẻh tháng 11/2010 lại không hề thấy có tên DN Minh Huy và cũng không thấy tiểu khu 544 nằm trong số các dự án được cấp phép khai thác (?!).

Chúng tôi tìm gặp ông Phạm Ngọc Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, ông Tuấn khẳng định mặc dù tỉnh cũng có một số dự án khai thác rừng nghèo kiệt để trồng cây cao su thay thế, nhưng việc lâm tặc lộng hành trên địa bàn vẫn còn. Các DN được cấp phép khai thác theo đúng qui trình kỹ thuật, có máy móc và phương tiện cơ giới vận chuyển chứ không thể vận chuyển bằng xe trâu hay xe máy. Ông Tuấn cũng cho biết khu vực tiểu khu 557, 544 được mệnh danh là “ngã ba biên giới” thuộc địa bàn giáp ranh ba huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Bảo Lâm nên việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất