| Hotline: 0983.970.780

Con điên dại chăm mẹ liệt giường

Thứ Sáu 13/06/2014 , 08:15 (GMT+7)

Đã ngót 40 năm nay, hằng ngày bà Cúc phải đi nhặt từng cành củi, hái từng cọng rau, làm lụng vất vả trăm nghề để nuôi đứa con gái út bị tâm thần và đứa cháu bị khuyết tật bẩm sinh.

“Khổ lắm chú ơi! Cuộc đời tui chưa bao giờ được sống sung sướng dù chỉ là nửa ngày. Có lẽ đến khi nào chết đi, về với cát bụi thì tui mới hết khổ”, nước mắt bà Cúc cứ chảy dài mỗi khi nói về cuộc đời mình.

Chúng tôi tìm về mảnh đất Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vào một buổi chiều cuối tháng 5 nắng như chảo lửa. Về tới đầu làng, hỏi thăm người đàn bà có “số khổ” từ người già cho đến trẻ nhỏ ai cũng biết.

Họ biết đến gia đình bà Trần Thị Cúc bởi hoàn cảnh quá éo le. Có người còn nhiệt tình “khái quát” cho tôi nghe về hoàn cảnh của gia đình này: Chồng mất sớm, một mình bà Cúc lặn lội ngược xuôi nuôi 4 đứa con khôn lớn và dựng vở gã chồng cho chúng. Thế nhưng 3 người con của bà đã có gia đình riêng và cuộc sống cũng chật vật phải chạy ăn từng bữa nên không thể giúp được gì cho mẹ. 

Cứ thế đã ngót 40 năm nay, hằng ngày bà Cúc phải đi nhặt từng cành củi, hái từng cọng rau, làm lụng vất vả trăm nghề để nuôi đứa con gái út bị tâm thần và đứa cháu bị khuyết tật bẩm sinh. Nhưng đã nghèo rồi lại còn gặp lắm cái éo le.

Hai tháng trước trong một lần bị vấp té và cùng với đó là căn bệnh tai biến bộc phát đã khiến bà Cúc bị liệt nửa người. Từ khi người mẹ già cũng là lao động chính trong gia đình phải nằm liệt giường thì toàn bộ gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đè nặng lên đôi vai gầy guộc của một người phụ nữ “không được bình thường” như chị Mốt.

Khi chúng tôi tìm đến nhà, chị Mốt đang lúi húi nấu cơm dưới bếp. Nhìn chị Mốt mặt mày lấm lem, nước dãi chảy dài cùng với nồi cơm nửa sống nửa nhão, bên cạnh là đứa cháu khuyết tật đang nhảy múa lung tung với những tiếng gầm hú ghê rợn… Chứng kiến cảnh tượng đó khiến chúng tôi phần nào hiểu được hoàn cảnh sống của ba con người bất hạnh này.

Trong căn nhà nghèo hơn nhà chị Dậu ấy, mỗi khi gió Lào lùa vào thì mùi khai của nước tiểu cùng với mùi hôi hám của những bao bì, chai lọ vương vãi khắp nơi cứ bốc lên kèm theo đó là tiếng vo ve của ruồi muỗi và những tiếng rên rỉ của bà Cúc làm không khí càng thêm oi bức, ngột ngạt.

Trời chạng vạng tối, mâm cơm được dọn ra với chỉ vọn vẹn hai bát cơm, một rổ rau luộc cùng một chén nước mắm. Món ăn sang trọng nhất mâm cơm ấy có chăng cũng chỉ là một quả trứng gà luộc để “tẩm bổ” cho người mẹ bệnh tật. Người con gái tâm thần đút cho mẹ ăn từng muỗng một, người mẹ cố lấy hết sức nhổm dậy để nuốt cơm. Hai mẹ con nhìn nhau mà nước mắt cứ chảy dài…

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đình Quyền, trưởng thôn 4 chia sẻ: “Gia đình bà Cúc là một trong những hoàn cảnh đáng thương nhất thôn tôi. Giờ đây, bà Cúc còn bị bại liệt, cô Mốt thì bị tâm thần từ nhỏ nên gia đình hiện không có lao động chính. Mặc dù trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã rất quan tâm giúp đỡ nhưng vẫn không thể nào đẩy lùi sự khốn khó của gia đình này”.

Mỗi tháng hai mẹ con bà Cúc nhận được tổng cộng 360 ngàn tiền trợ cấp. Nhưng số tiền ít ỏi đó cũng không đủ để mua thuốc giảm đau cho bà Cúc mỗi khi trái gió trở trời. Rồi còn tiền đâu mà rau cháo qua ngày?

Có tận mắt chứng kiến mới thấy hết những nỗi khốn khổ, cùng cực mà hằng ngày hai mẹ con bà Cúc đang phải chịu đựng. Rời khỏi đó mà tôi thầm cầu mong sao sẽ có thật nhiều những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ mẹ con bà Cúc vượt qua được nỗi bất hạnh này.

Mọi sự giúp đỡ xin gởi về bà Trần Thị Cúc (bà Què) và chị Nguyễn Thị Mốt, trú tại thôn Khương Mỹ (Thôn 4), xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.835431 chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm