| Hotline: 0983.970.780

Cơn 'đói cát' đe dọa nông nghiệp

Thứ Tư 23/06/2021 , 08:48 (GMT+7)

Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn hán và nạn khai thác cát đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Một bến cát trên sông Mekong. Ảnh: aseantoday.

Một bến cát trên sông Mekong. Ảnh: aseantoday.

Nông dân trên khắp khu vực Đông Nam Á gánh sức ép duy trì sản xuất ngay cả khi dịch bệnh hoành hành để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng họ phải đối mặt với không chỉ hạn hán hay biến đổi khí hậu thường xuyên hiện hữu mà còn phải chống chọi với nạn khai thác cát bừa bãi.

Sông ngoạm đất

“Khu vực này từng là đất trồng trọt của tôi, rồi bờ sông cứ ngoạm dần, ngoạm dần đến lúc tất cả đều sụp xuống lòng sông”, Than Zaw Oo - nông dân sống gần sông Salween ở bang Mon miền đông nam Myanmar nói với phóng viên Reuters trước cuộc đảo chính. Sông Salween đã lấy mất 3/4 diện tích đất đai của ông Zaw Oo, để lại cho ông vài nghìn USD tiền nợ ngân hàng vay đầu tư trước đó mà nay không còn sinh kế nào để kiếm trả nợ.

Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn hán và nạn khai thác cát lậu - kể cả có giấy phép nhưng nhiều khi do cấp phát bừa bãi đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Nhu cầu sản xuất xi măng, kính cho xây dựng ở đô thị như liều đô-ping thúc đẩy không cho con tàu hút cát nào ngơi nghỉ cả ngày lẫn đêm như trên sông Salween.

Dọc theo các con sông khắp vùng Đông Nam Á, cát được khai thác cho nhu cầu xây dựng ở các đại đô thị như Bangkok, Jakarta và còn xa hơn nữa. Singapore đang là nhà nhập khẩu cát lớn nhất thế giới, phục vụ cho các dự án lấn biển của đảo quốc này. Trong khu vực, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Việt Nam là những nguồn cung cấp cát lớn nhất.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nhu cầu cát toàn cầu đã tăng 3 lần trong vòng 20 năm qua, mỗi năm cần khoảng 50 tỷ tấn và cao hơn bất kỳ một loại khoáng sản nào. Cũng trong báo cáo này, UNEP chỉ ra rằng khai thác cát là nguồn cơn của nhiều loại hình thiên tai và nhân tai như ô nhiễm môi trường, lũ lụt, hạn hán, biến đổi dòng chảy, giảm tầng chứa nước. Khai thác cát cũng làm cho mạng lưới lương thực ở Đông Nam Á kém bền vững, người nông dân bị đặt vào tình thế rủi ro trước thiên tai và cả những cú sốc bất ngờ như đại dịch Covid-19.

Xói mòn và lở đất là thực trạng đe dọa nhiều nhất với nông dân sống dọc các triền sông ở Đông Nam Á. Sông Salween hay Irrawaddy đem đến phù sa cho những vùng châu thổ màu mỡ bậc nhất Myanmar nay cũng đối mặt với vấn nạn khai thác cát.

Cạn trầm tích, xâm nhập mặn

Marc Goichot, chuyên gia về nước ở khu vực châu Á - Thái Bình dương của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) nói với tờ Frontier Myanmar rằng, nhóm nghiên cứu của ông nhận thấy châu thổ Irrawaddy đã bị biến dạng nhiều, bị bào mòn do hệ trầm tích sông Irrawaddy mất dần.

Năm 2008, châu thổ Irrawaddy hứng chịu siêu bão Nargis làm ít nhất 138.000 người thiệt mạng. Theo Goichot, nếu một siêu bão tương tự ập vào vùng này ở thời điểm hiện tại thì thiệt hại nhân mạng và nông nghiệp sẽ còn lớn hơn rất nhiều do cộng hưởng từ tác hại khai thác cát gây ra cho lưu vực các dòng sông. Khai thác cát đang rất nóng ở Myanmar do các nước Philippines, Malaysia, Campuchia và Việt Nam hạn chế hoặc cấm xuất khẩu cát đi Singapore.

Xâm nhập mặn tăng lên ở những quốc gia ven biển được cho là có nguyên nhân từ việc khai thác cát, đặc biệt ở quốc gia hạ lưu sông Mekong là Việt Nam. Châu thổ sông Mekong là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng cho Đông Nam Á. Cung cấp sinh kế cho khoảng 20 triệu người, các vùng sản xuất nông nghiệp dọc sông Mekong cung cấp gần 1/5 nhu cầu gạo toàn thế giới. Nhưng do khai thác cát, nhiều lưu vực lòng sông đã bị hạ thấp, dẫn đến nước mặn xâm nhập vào mùa khô, thậm chí nước mặn sẽ ở lại do không thoát ra được và hệ quả là mùa màng sẽ giảm sút.

Một số đo đạc được Reuters trích dẫn cho thấy, trong các mùa vụ năm 2020, xâm nhập mặn đã vào sâu đến 110km ở một số nơi thuộc Đông Nam Á. Mùa khô vừa qua, mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục, kết hợp với hồ Tonle Sap ở Campuchia vốn cấp bù 1/3 lượng nước cho các châu thổ cũng cạn kỷ lục nên nước mặn có nguy cơ xâm nhập mạnh hơn, dự báo có thể vào sâu thêm 30 - 40% trong mùa khô năm nay.

Vùng châu thổ sông Mekong cũng dễ bị tổn thương do thay đổi thủy văn hơn các đánh giá có trước đây. Năm 2019, một nghiên cứu của Đại học Utrecht ở Hà Lan cho thấy cốt của đồng bằng chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, thấp hơn đến 2m so với các số liệu trước đó.

Theo số liệu chung của WWF và Ủy ban Sông Mekong, hàng năm sông Mekong bị hút đi khoảng 55 triệu tấn cát, cao hơn 2 lần số cát được bổ sung hàng năm. Lượng trầm tích tự nhiên cũng sụt giảm nhanh chóng là hệ quả của mạng lưới chằng chịt các thủy điện trên các dòng sông.

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt ở Trung Quốc cần nhu cầu cát rất lớn. Ảnh: Getty.

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt ở Trung Quốc cần nhu cầu cát rất lớn. Ảnh: Getty.

Nghiên cứu của UNEP và Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) thực hiện năm 2017 chỉ ra rằng, nếu 11 đại dự án đã được chính phủ các nước có sông Mekong chạy qua phê chuẩn cùng hoạt động, 94% lượng trầm tích sẽ bị giữ lại và không bao giờ xuống được các vùng châu thổ ở hạ lưu. Dù chưa đến mức bi đát vì nhiều đại dự án vẫn chưa được triển khai, nhưng mực nước sông Mekong đang giữ đà hạ thấp 20 - 30cm hàng năm cũng đã đủ tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Khi cát được nạo vét từ lòng sông, nó làm thay đổi thủy văn và phá hủy hệ sinh thái của sông. Nó phá hủy môi trường sống của cá và lấy đi các chất dinh dưỡng cần thiết cho động vật cũng như nông nghiệp. Khai thác dưới đáy sông cũng dẫn đến xói mòn, cả dọc theo các con sông nơi xảy ra nạo vét và dọc theo các đường bờ biển, nơi trầm tích từ các con sông thường bổ sung cho đất.

Tại Campuchia, cát khai thác được xuất khẩu chủ yếu sang Singapore, nhưng trong 10 năm từ 2007 đến 2016, chỉ khoảng 3,5% lượng cát cập cảng Singapore có khai báo hải quan tại Campuchia. Giá cát tăng liên tục và quản lý lỏng lẻo là hai nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn cát lậu hoành hành. Số liệu của Reuters cho biết, ở một thời điểm bình quân một tàu cát ở Việt Nam cho thu nhập 1.000 USD, và tiền được trả luôn, trong khi mức thu nhập bình quân chỉ là 269 USD/tháng.

Nhu cầu cát xây dựng đã tăng 3 lần trong 2 thập kỷ qua. Tại Trung Quốc, lượng cát tiêu thụ trong 3 năm 2011 đến 2013 bằng cả lượng cát nước Mỹ sử dụng trong thế kỷ 20. Tại Singapore, diện tích nước này đã tăng 20% so với thời điểm giành độc lập năm 1965. Pascal Peduzzi từ UNEP tính toán ra một ví dụ trực quan, lượng cát khai thác hàng năm hiện nay đủ để xây bức tường rộng x cao 27-27m chạy dài đủ đường kính trái đất. Trong khi đó, cát từ sa mạc lại quá mịn để làm xi măng và cũng không phải loại làm được kính lẫn dùng cho ngành công nghiệp điện tử. Do vậy, cát sông vẫn là nguồn nguyên liệu chính.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm