Chỉ quê tôi - miền sông nước An Giang, mới có con đường đó.
Cầu khỉ bắt dọc theo đường vào suốt mùa nước nổi. Trước nhà ai người đó bắt, hết xóm này qua xóm khác. Những cây tre xóc chéo làm chân, những cây tre to hơn một chút gác ngang làm thân cầu. Cứ thế nhà này nối tiếp nhà kia.
Khi nước lên nhanh, trưa trưa mọi người hùa nhau nâng cầu. Những mùa nước thấp hoặc vừa thì chừng chục ngoài lượt nâng cầu thì nước chựng lại phân đồng và giựt . Khi nước giựt, cứ chục ngày lại hùa nhau hạ cầu một lượt. Chục ngoài lượt hạ cầu thì đường mới khô dần, mới dở bỏ cầu rồi đi bộ.
Cầu khỉ, từng phận người đi trên nó chậm rì, lâu lắc. Đi cầu khỉ đến trường, đi cầu khỉ đến chợ, đi cầu khỉ đến đám giỗ những nhà trong xóm. Mượn miếng cau lá trầu cũng lần cầu khỉ mà đi.
Tôi vụng về nên nhiều khi cầm trong tay năm ba đồng chì đi mua đường cho nội, chuyền cầu khỉ một hồi những đồng tiền rớt chủm xuống nước. Vậy là xong, phải quay về, bị rầy la không phải vì mất tiền mà vì tội vụng về.
Những khi đi mua rau mua cải tôi đi trên cầu. Khi đội cái thau chuối nấu bán dài lên xóm Chăm thì tôi lại lội dưới nước. Tôi ôm thau chuối bơi dọc theo cầu, lòn qua cầu đến từng nhà. Những người bán cá, bán rau ngại lội nước như tôi thì đi cầu khỉ thì gần như đi bằng tứ chi, bằng đầu và cổ. Hai chân bước nối tiếp trên thân tre, một tay nắm hờ vào tay vịn, một tay vịn thau cá đội trên đầu. Thau cá phải cân bằng, người phải cân bằng theo mỗi thế cầu. Xề một cái mọi thứ tuôn đổ về phía mênh mông sông nước.
Những người đi không sẽ đi nhanh hơn và sẽ nhường đường cho người đang mang vác nặng. Sự nhường trên con đường cầu khỉ không phải chỉ là lách một bên và đi tiếp mà phải dừng lại hẳn, đeo bên một trụ cầu gần nhất chờ cho người được nhường đường đi qua rồi mới đi tiếp được. Trên con đường có bao nhiêu lần nhường đường như vậy? Không ai bận tâm, chỉ thấy có cầu đi là sướng rồi.
Những con người chạm chạp đi trên đó và giao nhau một cách chậm chạp dường như cũng chẳng có gì lắc lẻo. Những cuộc giao nhau gần gụi tới mức chạm vào nhau, vướng vào nhau, đeo vào lưng nhau mà bước qua. Con đường chậm tới mức người ta chẳng còn cảm giác sợ chậm là gì nữa. Người đi đường trò chuyện với người ngồi trong nhà, hết nhà này đến nhà khác. Vậy thôi cứ dung dăng dung dẻ mà bước thẳng những bàn chân trên một thân cầu mỏng mẻo gập ghềnh.
Nhớ hồi năm tôi vào lớp 10 là một năm nước lêu bêu ngang cánh én. Tựu trường tôi đem hành lý từ Phú Tân qua chợ Châu Đốc ở trọ nhà bà con học suốt gần hai tháng.
Nước vừa hạ, tôi đi thẳng từ trường về nhà. Tôi mặc áo dài đi trên cầu khỉ. Nó không thướt tha như chúng ta thấy trong hình. Gió bấc từ sông thổi giật từng cơn. Tà áo dài của tôi cứ phần phật bay tốc lên đầu, tốc về phía trước, phía sau, quấn xà quần quanh người, quấn vào tay vịn, quấn vào những trụ tre. Tôi trên cầu vừa xách cặp, vừa giữ nón, giữ tà áo… người cứ chênh vênh trong mùa gió.
Những người chị trong nhà nhìn ra thấy dáng tôi đi miệng họ cười toe toét, như vui, như lạ, như một kiểu mừng giùm.
- Trùi ui lớp mười rồi, mặc áo dài rồi.
Cô bé lớp mười vừa lúng túng vừa mắc cỡ. Mà lạ con đường cầu khỉ đầy gió đầy nước và hai vạt áo dài vướng víu cũng chẳng lắc lẻo xíu nào.
Quen cầu là vậy nhưng té cầu khỉ là chuyện thường. Một thanh tre cong vặn vẹo, bước đầu này vênh đầu kia, nó lăn nhẹ một cái là ùm xuống nước. Những người say rượu té cầu có bao nhiêu giai thoại cười ra nước mắt.
Rồi thì tôi lớn lên, rồi thì con đường chậm chạp nhẹ nhàng ấy lùi dần vào quá khứ cho tới khi không bao giờ tìm thấy nữa.
Ngày nay đường sá tiện lợi vô cùng, xe cộ tiện nghi tưởng như đang ở giữa những giấc mơ. Mọi thứ đều kịp thời và con người hình như cũng quen với sự kịp thời. Nhưng sự kịp thời chỉ vừa đủ cho người ta quen, người ta ghiền mà nó không vừa đủ cho những thứ khuyến mãi đính kèm ngoài ý muốn. Bởi nhiều sự “muốn kịp thời” gặp nhau, giao nhau tạo những con đường tắt nghẽn còn chậm chạp hơn con đường lắc lẻo năm nào. Bởi giữa tiện nghi, bao nhiêu dự tính bày ra tiếp nối nhau và mọi dự tính đều rơi tõm vào lòng nắng, lòng ồn ào của phố, của tiếng xe, của tiếng người và của trăm thứ bộn bề nặng mùi bê tông cốt thép.
Rồi người đi tìm đọc những quyển sách cân bằng tâm lý. Rốt cuộc có cân bằng trọn vẹn? Hay lòng người chỉ cảm thấy bình tâm nhất khi ngồi giữa từng trang sách. Khi buông sách ra, bước vào những cuộc “mong muốn kịp thời” và bị cản trở bởi đông đảo những mong muốn đồng dạng, đối mặt với những đợi chờ, những tranh chấp, lòng người như những bờ vực, cứ chênh chao xô ập vào những chênh chao.
Sống thời nào cũng là đang tập làm xiếc, tập cân bằng. Nhưng ngày xưa mọi sự tập dượt gãy đổ, té cái ầm thì cũng là mở mắt ra thấy thiên nhiên, lòng người hoang dã cũng mạnh mẽ tràn trề. Ngày nay thiên nhiên là một khoảng trời vừa xa xôi vừa xa xỉ. Nhưng, ai cũng không dám mơ sống lại thời cái gì cũng không có chỉ có thiên nhiên. Mọi thứ mới mẻ dẫu phủ mờ khói bụi hóa chất vẫn còn đủ sức mạnh gọi mời. Cũng như người dân quê tôi không dám mơ ước trở lại thời sớm chiều lắc lẻo cầu tre. Không mơ nhưng nhớ da diết từng dáng người trong xóm đi trên cầu, từng mái nhà thân quen cầu đã đi qua, nhớ cả những mũi xuồng ghé lại bán cho xóm những khoanh bông súng mớ rau muống mục hái tận đồng sâu. Bởi sự nhớ nó không kể gì cái sướng hay cái khổ. Nó cứ lắc léo hơn cả cầu tre, nó “canh me” những khoảng chới với của hiện thời, mà lôi về từ bộ nhớ những gì quen thuộc đã mất và những sự mất không bao giờ tìm lại được.