| Hotline: 0983.970.780

Con đường nào đi lên?

Thứ Ba 19/03/2013 , 08:47 (GMT+7)

Từng có thời khán giả xếp hàng đến rạp để xem phim Việt, song cũng có thời, các rạp chiếu phim để làm quán cà phê…

Từng có thời khán giả xếp hàng đến rạp để xem phim Việt, song cũng có thời, các rạp chiếu phim để làm quán cà phê…

Chất lượng đi xuống

Điện ảnh Cách mạng Việt Nam từng có thời kỳ hoàng kim với rất nhiều bộ phim nổi tiếng trong nước và thế giới. Trong đó phải kể đến “Bao giờ cho đến tháng Mười” (Đặng Nhật Minh) nằm trong danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại do thế giới xếp hạng. Những năm 80 của thế kỷ trước, khán giả nô nức xếp hàng đi xem phim Việt. Nhưng cũng chỉ một thập kỷ sau đó, những năm 90, các rạp chiếu lại vắng như chùa Bà Đanh.

Nhìn lại một thập kỷ qua, không phải là dài nhưng điện ảnh Việt đang để lại nhiều mối lo hơn là niềm vui.

Theo xu thế hội nhập, điện ảnh Việt Nam cũng đã có những sự chuyển biến khác biệt trong mười năm qua. Trong đó, phải kể đến sự nở rộ hãng phim tư nhân và thị trường Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ của các nhà làm phim Việt kiều. Tuy nhiên, ngược lại với sự ồn ào của các hãng phim tư nhân, các hãng làm phim Nhà nước lại “chìm nghỉm” với con số đáng báo động, hai năm qua (2011, 2012) không hề có bộ phim nào được Nhà nước đặt hàng. Trong khi các nhà làm phim tư nhân thì chỉ tính đến khả năng thu hồi vốn với những bộ phim kém chất lượng, từng bị công luận gọi là “thảm họa”, thì sự thiếu vắng những bộ phim có chất lượng nghệ thuật của các hãng phim Nhà nước đang kéo chất lượng của nền điện ảnh Việt Nam xuống dốc.


"Bao giờ cho đến tháng Mười", bộ phim tiêu biểu của điện ảnh Việt

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội Điện ảnh Việt Nam, đánh giá: “Phim do Nhà nước đặt hàng mỗi năm chỉ có từ 2-5 phim (không kể hai năm trở lại đây), tập trung vào đề tài truyền thống chiến tranh cách mạng, lịch sử, vấn đề xã hội quan tâm. Phim này có nhược điểm là đầu ra hạn chế, số lượng càng ngày càng ít và không thu hút được khán giả. Trong khi đó phim tư nhân hầu hết chỉ mang tính thương mại, giải trí và “hốt bạc” dịp lễ, Tết, cũng không thiếu những phim được coi là "thảm họa" phim Việt”.

Dẫu vậy, bên cạnh những bộ phim bị xem là "thảm họa" thì với những: “Đừng đốt”, “Mùa len trâu”, “Trăng nơi đáy giếng”- từng giành những giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, giành sự quan tâm của khán giả cũng phần nào đang níu kéo niềm tin vào sự đi lên của nền điện ảnh Việt của những người yêu điện ảnh.

"Thảm hại"?

Theo nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh thì trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không có phim hay. Đó là vì chúng ta đã quá dễ dãi trong việc cho các đạo diễn làm phim. Nếu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đạo diễn trẻ ra trường vài năm còn chưa được giao phim, sau vài năm mới được làm phim một tập thì ở ta, vừa ra trường đạo diễn có thể đã làm phim, thậm chí là phim dài tập.

"Vấn đề con người đóng vai trò quan trọng. Không thể chỉ có máy móc hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ mà có thể sản xuất được phim hay, hấp dẫn mà cần sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Điều cần ưu tiên hiện nay là chọn lựa đội ngũ diễn viên, đạo diễn, biên kịch, quay phim trẻ đưa đi đào tạo ở những nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng được nền công nghiệp điện ảnh nước nhà”, NSND Thế Anh.

Ông Tuấn cho rằng, 10 năm qua, chúng ta vẫn làm phim theo lối cũ, vẫn cách kể chuyện cũ, thậm chí là cũ hơn cả những phim làm từ giữa thế kỷ trước. “Mọi thứ đều rõ ràng tốt xấu, phân định rõ địch, ta, đang kể câu chuyện của nhà này thì phải kể hết mới sang câu chuyện nhà khác.

10 năm qua, đã có cảnh quay nào hấp dẫn để chúng ta xem đi xem lại không chán? Lời thoại thì ngô nghê, quá thừa, không có câu nào đắt giá. Diễn viên đích thực không có, toàn ca sĩ, hoa hậu đi đóng phim. Thật thảm hại”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Năm 2012 khép lại với một năm được xem là thất bát của điện ảnh Việt, tuy nhiên, chúng ta vẫn không ngừng tin tưởng, qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai. Bởi như bà Lê Phương Lan cho biết, Cục Điện ảnh đã trình Chính phủ phê duyệt hai đề án là Đề án đặt hàng các tác phẩm Điện ảnh và Đề án thành lập Quỹ phát triển Điện ảnh.

Theo đó, tất cả các tác phẩm điện ảnh, các đề tài truyền thống, anh hùng chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử, văn hóa, những tác phẩm có giá trị nhân văn cao thì sẽ được Nhà nước đầu tư, không phân biệt hãng tư nhân, Nhà nước. Và trong đề án Quỹ phát triển điện ảnh, sẽ dành cho những dự án làm phim độc lập, những dự án làm phim nhỏ nhưng đi vào tìm tòi phát triển ngôn ngữ điện ảnh, những dự án phim đầu tay để khuyến khích các tài năng và cũng sẽ thưởng cho những tác phẩm cao, có hiệu quả xã hội. Có cơ chế thúc đẩy, nâng cánh, hy vọng, điện ảnh Việt sẽ đi lên.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất