| Hotline: 0983.970.780

Con đường tăng năng suất trên nền tài nguyên suy giảm

Thứ Năm 30/06/2011 , 13:47 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc (phải) đi kiểm tra ngô chuyển gen của Cty Syngenta tại Khoái Châu – Hưng Yên ngày 26/6/2011

Cha đẻ của cuộc cách mạng xanh, tiến sỹ Norman Borlaug nhận định: “Các phương pháp lai tạo truyền thống chỉ làm tăng năng suất cây trồng đến một giới hạn nhất định; muốn vượt qua được giới hạn đó không còn con đường nào khác ngoài áp dụng các thành tựu về công nghệ sinh học trong nông nghiệp”.

CNSH trong nông nghiệp có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau nhưng mũi nhọn và đột phá nhất hiện nay là công nghệ chuyển gen. Hiện công nghệ chuyển gen đã được áp dụng rộng rãi trên nhiều loại cây trồng: bông, đậu tương, ngô... CNSH phát triển như vũ bão, mặc dù còn nhiều tranh luận xung quanh vấn đề sử dụng cây trồng chuyển gen, nhưng cho tới nay đã có 29 quốc gia đồng ý cho phép lưu hành và sử dụng với hơn 148 triệu ha đất trồng trọt và 15,4 triệu nông dân tham gia. Mỹ, Argentina, Brazin là những nước đi đầu trong việc ứng dụng cây trồng chuyển gen. Còn tại khu vực châu Á thì Philipines và Trung Quốc cũng đã cho phép ứng dụng thành tựu này gần 10 năm nay. Có thể nói cây trồng chuyển gen hay còn gọi là cây trồng CNSH đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hiện đại tại nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, chủ trương của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp-PTNT là cho phép phát triển cây trồng chuyển gen trên cơ sở khảo nghiệm, đánh giá rủi ro về an toàn sinh học, an toàn thực phẩm đối với con người, vật nuôi và môi trường xung quanh. Đối tượng cây trồng chính hiện đang được đẩy nhanh công tác khảo nghiệm, đánh giá là cây ngô lai với 3 đặc tính được cải thiện nhờ công nghệ chuyển gen: ngô chuyển gen Bt11 kháng sâu đục thân, ngô chuyển gen GA21 chống chịu thuốc trừ cỏ nhóm Glyphosate, ngô kết hợp 2 đặc tính kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ.

Tập đoàn Syngenta là một trong những đơn vị tiên phong khảo nghiệm, đánh giá cây ngô chuyển gen tại Việt Nam. Trong 2 năm 2010 và 2011 Công ty TNHH Syngenta Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp-PTNT đã kết hợp với các đơn vị chỉ định của Bộ như Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Bảo vệ Thực vật tiến hành khảo nghiệm diện hẹp (năm 2010); khảo nghiệm diện rộng (năm 2011) nhằm đánh giá hiệu quả của công nghệ cũng như các rủi ro gặp phải đối với môi trường và hệ sinh vật tự nhiên... Hiện tại, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, nhà quản lý nông nghiệp tại nhiều địa phương đều có chung nhận định: Công nghệ chuyển gen trên cây ngô thực sự tạo nên sự khác biệt trong việc quản lý sự sụt giảm năng suất do sâu đục thân hoặc cỏ dại. Công nghệ cũng góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, an toàn, thân thiện với môi trường và hệ sinh vật không chủ đích trong tự nhiên.

Tham quan khu khảo nghiệm diện rộng ngô chuyển gen của công ty Syngenta tại Khoái Châu – Hưng Yên ngày 26/6/2011, ông Nông Ngọc Tăng – PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Quy trình khảo nghiệm của Viện Bảo vệ Thực vật và Công ty Syngenta đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà nước, số liệu khách quan, trung thực. Qua thực tiễn so sánh, giống ngô chuyển gen Bt11 kháng sâu đục thân, ngô chuyển gen GA21 kháng thuốc trừ cỏ và đặc tính kết hợp Bt11xGA21 thể hiện rõ ưu thế nổi trội so với ngô không chuyển gen: Ngô Bt11 hoàn toàn không nhiễm sâu đục thân, sâu đục bắp. Hiệu quả sử dụng Glyphosate trừ cỏ trên ngô chuyển gen GA21 khác biệt hoàn toàn so với các phương pháp làm cỏ truyền thống. Với nông dân trồng ngô, đặc biệt là các tỉnh vùng núi như Lạng Sơn, việc áp dụng công nghệ chuyển gen là cần thiết để giảm sức lao động, đem lại năng suất, sản lượng cao hơn”.

Theo thống kê của tổ chức ISAAA (Tổ chức ứng dụng công nghệ sinh học toàn cầu) thì lợi ích kinh tế đem lại từ cây trồng chuyển gen trong năm 2008 là: 9,2 tỉ USD; trong 12 năm kể từ khi triển khai cây trồng công nghệ sinh học (cây chuyển gen) thì năng suất tăng lên bằng với sản lượng của 63 triệu ha đất trồng. Cây trồng công nghệ sinh học cũng giúp giảm khoảng 14,4 tỉ kg CO2 do việc không phải phun hàng triệu kg thuốc trừ sâu trên phạm vi toàn thế giới. Thực tiễn đó đặt Việt Nam trước sự lựa chọn mang tính lịch sử: “Giải pháp CNSH là lựa chọn tối ưu nhất để gia tăng năng suất trên nền tài nguyên ngày càng suy giảm và cạn kiệt”.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa của công nghệ chuyển gen trên cây trồng. Ông nhấn mạnh: “Hưng Yên đất chật người đông. Diện tích canh tác ngô rất hạn chế, vì vậy đi tắt đón đầu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới là hết sức cần thiết. Ngành Nông nghiệp Hưng Yên sẵn sàng đón chào các nhà khoa học, các nhà đầu tư triển khai các tiến bộ công nghệ mới trong đó tiêu biểu là công nghệ chuyển gen trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.

Một số đại biểu băn khoăn về vấn đề an toàn của cây trồng chuyển gen đối với sức khỏe con người, các tác động tới môi trường và hệ sinh vật tự nhiên. Ông Nguyễn Trí Ngọc – Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định: “Chính phủ, Bộ NN-PTNT đang đi những bước rất thận trọng và chắc chắn trong việc khảo nghiệm, đánh giá cây trồng chuyển gen tại Việt Nam. Bộ cũng đã ban hành các quy định chặt chẽ nhằm đánh giá chính xác tác động của cây trồng chuyển gen đối với sức khỏe con người và hệ sinh vật tự nhiên... Theo lộ trình mà Chính phủ và Bộ NN-PTNT đưa ra là sẽ thương mại giống ngô chuyển gen tại Việt Nam vào năm 2012 hoặc 2013, tuy nhiên mọi quyết định sẽ chỉ được đưa ra trên cơ sở các số liệu khảo nghiệm, đánh giá chắc chắn, chính xác bởi các cơ quan quản lý, các cơ quan chuyên môn. Nếu lộ trình được thông qua như dự kiến, công nghệ của các công ty đa quốc gia như Syngenta sẽ là chìa khóa giải bài toán phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn ngô thương phẩm/năm như hiện nay”.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm