| Hotline: 0983.970.780

Con em nông dân đang học hành như thế nào? - [Bài I] Nhận thức méo mó về tự chủ đại học

Thứ Hai 02/12/2019 , 08:52 (GMT+7)

LTS: Trên 50% lao động đang làm nông và trên 80% sinh viên khối nông nghiệp có gốc gác từ nông dân.  Nhưng "Con em nông dân đang học hành thế nào?".

Nông dân - những người phải chắt chiu từng hạt lúa củ khoai hằng mong đổi lấy tri thức một cách xứng đáng nhất cho con em mình. Từ truyền thống đào tạo xưa cùng thực trạng dạy và học nông nghiệp hiện nay với những ý tưởng đổi mới phương pháp đào tạo là chủ đề xuyên suốt loạt bài: "Con em nông dân đang học hành thế nào?".

GS.TS, Nhà giáo nhân dân Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, hiện đại hóa nông nghiệp ở Tây Âu và Bắc Mỹ bắt đầu song song với sự đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đại học nông nghiệp, hình thành mạng lưới các trạm nghiên cứu và dịch vụ khuyến nông...

GS.TS, Nhà giáo nhân dân Trần Đức Viên.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi mới thành lập đã được thiết kế đúng như thế, có trại thực tập thí nghiệm rộng khoảng 500 ha gồm 200 ha ở Trâu Quỳ và 300 ha ở Nông trường Tam Thiên Mẫu thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Học viện cũng thành lập Bệnh viện Thú y và một hệ thống gồm 17 trạm trại phục vụ nghiên cứu và đào tạo ở các địa phương...

Sau này do chiến tranh rồi do những nhận thức không đầy đủ về việc xây dựng một đại học nông nghiệp đẳng cấp quốc tế, những ý tưởng đúng đắn ban đầu, có tầm nhìn xa và rất xa của những người thiết kế học viện như GS Bùi Huy Đáp, GS Lương Định Của, GS Lê Duy Thước, thầy Nguyễn Đăng đã bị mai một dần. Đó là điều rất đáng tiếc dù rằng không có ai bị kỷ luật khi đã làm méo mó và lệch hướng định hướng ban đầu của những người “cha đẻ” của Học viện Nông nghiệp Việt Nam!
 

Trở ngại, thách thức cùng những nhầm lẫn tai hại

Có một thực tế là việc tuyển sinh khối nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng khó khăn, chất lượng cả đầu vào và đầu ra đang có những dấu hiệu suy giảm so với trước. Vì sao thưa ông?

Có nhiều trở ngại và thách thức lắm! Thứ nhất là sức hút, làm sao để các trường đại học ngành có thể thu hút được nhiều học sinh phổ thông giỏi. Có người bảo Đại học Harvard nổi tiếng là vì có nhiều sinh viên giỏi chứ không phải vì có nhiều thầy giỏi. Học trò mới là người làm nên vóc dáng, hình hài, tầm vóc, vị thế của một trường đại học.

Hiện nay thanh niên nông thôn vào học ngành nông nghiệp không nhiều. Trường Đại học Nông nghiệp I trước đây nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn chưa gặp khó khăn nhiều trong tuyển sinh vì vẫn có lượng sinh viên mới nhập học 5.000-6.000 em/năm học, phần lớn là sinh viên chính quy dù cũng có những ngành thiết yếu lại rất khó tuyển sinh như Khoa học đất, Khuyến nông, Đánh bắt thủy sản…

Các trường khác trong khối nông lâm ngư khá vất vả trong tuyển sinh. Nguyên nhân có thể do nói đến nông nghiệp, nông thôn là người ta nghĩ đến sự lạc hậu, đi sau, vất vả, thu nhập thấp; nói đến quản trị kinh doanh, kinh tế, ngân hàng, ngoại thương, IT, y khoa là nói đến sự sang trọng, đẳng cấp, thu nhập cao, nhàn hạ, oai.

Học các ngành khuyến nông, phát triển nông thôn, đánh bắt hải sản, ai nhận công tác vùng biên giới, hải đảo thì không khác gì bộ đội biên phòng, kiểm ngư hay cảnh sát biển. Vất vả, gian khổ, thiệt thòi hơn nhưng lương Nhà nước trả theo ngạch bậc lại thấp nên tích cóp cả đời cũng chưa có nổi một cái nhà cho tử tế. Đối xử như thế thì ai thích học nông nghiệp?

Tuy nhiên, phải thấy là nông nghiệp thời nay và trong tương lai khác rất nhiều cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau của một thời đã xa. Làm nông nghiệp bây giờ nhàn hơn nhiều vì máy móc. Nhiều nông dân bây giờ dùng smartphone điều khiển tưới tiêu, phun thuốc, nhà kính nhà lưới xuất hiện ngày một nhiều. Trong chăn nuôi cũng vậy, sensor cài đặt trên các thiết bị tự động hóa, hệ thống phun sương làm mát, điều khiển từ xa... Nông nghiệp lại gần gũi thiên nhiên, sống thư thái, thảnh thơi và tự tại hơn, tránh được cái xô bồ, bon chen chốn thị thành.

Học viện đã cử nhiều sinh viên năm thứ 3, thứ 4 và vừa tốt nghiệp đi thực tập nghề ở Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc sắp tới là đi Úc. Ở đó các em thấy tương lai của cuộc đời mình, thấy ngày mai của nền nông nghiệp Việt Nam, khi trở về, 100% các em đều rất mê nông nghiệp. Nhiều em lập nghiệp thành công, trở thành các ông chủ trang trại, các doanh nhân có tiếng tăm khắp trong Nam ngoài Bắc.

Khó khăn thứ 2 là sự ảo tưởng, tự huyễn hoặc, hoặc cả tin vào những lời tán dương ngoại giao hơn là nhìn nhận thẳng thắn và biện chứng. Chúng ta là nước nông nghiệp, dân ta chủ yếu là nông dân, có làm các ngành nghề khác rút cục cũng là để phục vụ nông nghiệp, phục vụ nông dân. Xuất phát điểm nền nông nghiệp tiểu nông manh mún, nhỏ lẻ, “ao làng” và lạc hậu thế nhưng đã mơ là mơ “giấc mơ lớn” luôn.

Giờ thực hành của sinh viên nông học.

Xin nêu vài ví dụ. Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có nền tảng là kinh tế tiểu nông, nhưng lại được đòi hỏi với nhiều tham vọng trong suốt 50 năm qua: Hợp tác hóa quy mô toàn xã, liên hợp nông công thương tín, nông lâm trường quốc doanh “trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài”… Rồi sau đó, khi bị đẩy vào đường cùng, lại quay về Khoán 10, về kinh tế hộ. Sau hơn nửa thế kỷ tiến lên sản xuất lớn, chúng ta lại trở về con đường ban đầu, chấp nhận kinh tế tiểu nông…

Dù nước nông nghiệp nhưng chúng ta lại lấy công nghiệp nặng là then chốt, còn nông nghiệp chỉ được “ưu tiên phát triển một cách hợp lý”. Hàng loạt thất bại gần đây trong công cuộc công nghiệp hóa như nội địa hóa ô tô, khai khoáng, xi măng, tàu thủy... có thể giúp các nhà làm nông nghiệp thấy rõ một chân lý: Làm cái gì mà không có công nghệ trong tay, chỉ đi vay, đi mượn, đi học mót của thiên hạ, không tự mình làm chủ được công nghệ thì “khô áo” là “ráo tiền”, là lại đi làm thuê cho người khác trên chính quê hương mình.

Khó khăn thứ 3 là sự méo mó trong nhận thức về tự chủ đại học. Tự chủ đại học là một xu thế tất yếu, mang tính toàn cầu. Ta coi tự chủ đại học trước hết và cốt lõi là tự chủ tài chính, trong khi linh hồn của tự chủ đại học trên thế giới là tự chủ chuyên môn, tự do học thuật để đẩy mạnh đổi mới và sáng tạo.

Đó là sự nhầm lẫn tai hại! Từ quan điểm tự chủ tài chính, người ta đưa ra và thực hiện chủ trương cắt toàn bộ chi thường xuyên và cắt chi đầu tư đối với các trường thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77NQ-CP của Chính phủ, biến tự chủ thành tự túc kinh phí, tự lo, tự bơi. Sau thời gian thí điểm có thể từ năm 2020 sẽ áp dụng đồng loạt tự chủ cho tất cả các trường đại học.

Áp lực cơm áo gạo tiền trong khi nguồn thu của các trường vẫn chủ yếu là học phí đã đẩy họ vào thực trạng: Buộc phải mở thêm ngành, đổi tên ngành cũ nghe kém hấp dẫn hơn sang tên mới hấp dẫn hơn để tăng quy mô tuyển sinh. Tuyển sinh chưa đủ thì hạ điểm chuẩn, quanh năm suốt tháng lo tuyển sinh, săn tìm người học, dẫn đến tình trạng gần như “tháo khoán” trong tuyển sinh đại học.

Có thực mới vực được đạo, họ buộc phải làm như thế, cũng chẳng sung sướng gì. Có thể cũng thấy không phải với lương tâm nghề nghiệp bởi thời gian, trí tuệ và các nguồn lực khác dành cho việc thực hiện các mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của giáo dục đại học không nhiều.

Rồi giảm giờ dạy, đang chương trình 6 năm rút xuống còn 5 năm, đang 4 năm 6 tháng rút xuống còn 4 năm, có người còn muốn rút ngắn nữa, vì “thiên hạ cũng đều làm thế cả!”.

Rồi giảm thời gian đi thực tế, thực hành, thực tập vì tiến hành những công việc ấy tốn kém trong khi các trường không dám tăng học phí, lo người học bỏ sang trường khác “rẻ” hơn.

Lấy mẫu quả bào chế thuốc của sinh viên khoa thú y.

Việc đánh tráo khái niệm tự chủ đại học thành tự túc tài chính là một trong các nguyên nhân khiến cho chất lượng dạy đại học sa sút.
 

Cần đối xử đúng hơn

Theo giáo sư, nên "sửa sai" thế nào?

Đúng ra, tự chủ đại học rồi thì Nhà nước phải đầu tư “có điều kiện” nhiều hơn, ra tấm ra mớ hơn để các trường thực hiện tốt nhất sứ mệnh của họ. Thay rót ngân sách theo dòng kinh phí - hạng mục, hiệu trưởng phải chi tiêu theo đúng dòng ngân sách đã được duyệt bằng việc cấp cho các trường một khoản kinh phí theo hình thức “một cục” để hiệu trưởng toàn quyền sử dụng khoản kinh phí này một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất (tất nhiên là phải công khai, minh bạch, rõ ràng dưới sự giám sát của Hội đồng trường).

Nhà nước chỉ giám sát kết quả các chỉ số đầu ra. Làm càng tốt thì được đầu tư càng nhiều, không phụ thuộc vào tên gọi, cơ quan quản lý, sứ mệnh “trên giấy” của các cơ sở giáo dục.

Ở ta thì ngược lại, tự chủ đại học việc đầu tiên là nhà nước cắt luôn chi thường xuyên của các trường, đẩy việc “nuôi” các thầy, việc “gánh” toàn bộ hoạt động của nhà trường sang vai sinh viên và gia đình họ.

Học viện Nông nghiệp VN là 1 trong 6 trường đại học đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ đại học theo Nghị quyết 77/NQ-CP. Do có một số lợi thế, ví dụ như truyền thống đào tạo và nhất là sự đồng hành, ủng hộ của lãnh đạo Bộ chủ quản nên Học viện vẫn giữ vững qui mô tuyển sinh (khoảng 30 ngàn sinh viên).

“Giấy rách phải giữ lấy lề” dù vô cùng khó khăn nhưng Nhà trường vẫn duy trì sự hoạt động của Hội đồng Công giới, mời các doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng họp 6 tháng/lần để góp ý cho nội dung đào tạo; đồng thời tiến hành mời các nhà khoa học từ các viện, trường khác tham gia đào tạo, ngồi hội đồng chấm khóa luận của sinh viên, luận văn của học viên cao học, luận án của nghiên cứu sinh…

Ở một nước nông nghiệp, khi nói đến “dân” là nói đến “nông dân” nhưng cũng ở xứ sở này khi nói đến việc học là người ta nghĩ ngay đến để làm quan, để làm ông cả bà lớn chứ không ai nghĩ đến việc học để làm dân, nhất là học để trồng lúa trồng khoai, nuôi bò nuôi lợn.

Về sự đồng hành của lãnh đạo Bộ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nói: “Không có chuyện tự chủ là tự lo tài chính, tự chủ là không được đầu tư. Tự chủ đáng lẽ phải được đầu tư nhiều hơn”.

Có người hỏi làm sao ông lại hiểu về tự chủ rõ ràng hơn cả những nhà quản lý ngành giáo dục lúc bấy giờ, ông bảo vì mình may mắn được theo học cả hai hệ thống giáo dục của Nga và Mỹ.

Tuy vậy, về sau do không muốn “đương đầu” với trào lưu tự chủ là tự chủ tài chính đang thịnh hành, ông lo lắng bàn với cán bộ chủ chốt và rất vui khi thấy Học viện đủ sức chi trả các khoản chi thường xuyên nên đã ký quyết định cắt khoản này nhưng lại ký một dự án đầu tư trung hạn lớn hàng trăm tỉ đồng.

Cũng có người phản đối quyết định này vì nó dường như đi ngược lại với tinh thần của NQ16 nhưng ông bảo: Đây không phải là đầu tư cho trường nông nghiệp mà là đầu tư cho ngành nông nghiệp để phục vụ trực tiếp cho công cuộc tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Từ đó nhà cửa, các phòng thí nghiệm, bệnh viện thú y được xây dựng, nâng cấp; nhờ thế, Học viện có được bộ mặt như ngày hôm nay.

Cô và trò trao đổi trong giờ thực hành nông học.

Khó khăn nữa là đầu tư kinh phí của Nhà nước cho giáo dục đại học và NCKH chưa tương xứng. Hiện Việt Nam mới chỉ đầu tư 0,13% GDP nông nghiệp cho nghiên cứu và phát triển trong khi mức trung bình ở các nước có nền kinh tế phụ thuộc nông nghiệp là khoảng 4%. Kinh phí thấp lại nhân danh ngọn cờ tự chủ nên còn bị cắt giảm.
 

Đừng để đánh mất nếp thực hành truyền thống

Người ta nói cách thức giảng dạy đại học đang bị biến dạng khi thực hành ít hơn xưa?

Đúng. Trước đây các đợt thực tập tốt nghiệp kéo dài 6 tháng, sinh viên về ăn ở, lao động cùng nông dân, hướng dẫn kỹ thuật họ, đồng thời học hỏi thực tiễn từ bà con. Việc học gắn rất chặt với câu nói của người Việt là học tập (học và thực tập), học hành (học và thực thành), học hỏi (cái gì không biết thì hỏi, thảo luận).

Các trường đại học mang tính thực nghiệm lại càng cần thực hành cao hơn như trường ĐH Y khoa cũng như Đại học Nông nghiệp đều phải học đi đôi với hành, nhà trường gắn với xã hội, với thực tiễn; bệnh viện, đồng ruộng, trang trại, nhà máy… là giảng đường.

Thời những năm 70-80 của thế kỷ trước, sinh viên Thú y học 6 năm, Cơ khí 5 năm còn các ngành khác học 4,5 năm.

Trong Chương trình đào tạo bao giờ cũng có thời kỳ 3 tháng đi thực tập giáo trình, thực tập môn học, đi phục vụ sản xuất 1-2 tháng… Cả thày và trò đều phải lăn vào thực tiễn.

Sinh viên mang kiến thức từ sách vở, từ bài giảng để soi với thực tế và ngược lại. Học ở trường có khi chỉ nhớ một nhưng đi thực tế lại nhớ gấp nhiều lần, có những kiến thức và kĩ năng đến khi về hưu rồi vẫn còn nhớ!

Không những trình độ của sinh viên nâng lên mà trình độ các thầy cũng được nâng lên. Thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước, tôi nhớ cả nước phát triển đậu tương đông, thầy trò đi các tỉnh “cắm” địa bàn để chỉ đạo sản xuất hay làm ngô trên nền đất ướt cũng vậy. Mỗi nhóm thực tập bao giờ cũng có một thầy rất giỏi cùng với mấy giáo viên mới ra trường “cắm” tại điểm thực tập ít là 1 tháng, thường vài ba tháng, có khi cả năm.

Họ gọi chúng tôi là ông bà kỹ sư đầy tôn trọng, quý như con, nấu cho ăn dù bản thân đang còn đói khát. Tự nhiên những cái đó khơi dậy lòng tự tôn, tự trọng nghề nghiệp, không thể phụ tấm lòng và niềm tin của nông dân, dần dần nhen nhóm thành tình yêu nghề. Học rất say mê dù chỉ có đèn dầu và cơm độn.

Lứa sinh viên đó sau này rất giỏi vì họ được trải nghiệm thực tế, vì được thực tế dạy cho nhiều điều không có trong sách vở, kể cả các kĩ năng mà bây giờ chúng ta gọi là “kĩ năng mềm”.

Rất may là, dù có mai một, nhưng về cơ bản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ được cái nếp đào tạo như thế ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất. Một số nơi khác, cách thức giảng dạy bị biến dạng, méo mó, bị “ăn bớt” đi khá nhiều.

Tôi đã đến một trường đại học, ở đó người ta dạy về Công nghệ sinh học hầu như chỉ “trên giấy”, không thực hành, không thực tập, kĩ sư ngành công nghệ sinh học mà còn không biết cầm cái pipet như thế nào cho đúng. Có trường dạy về Thú y mà không có bệnh viện thú y, không có trại chăn nuôi, thầy thì thuê mướn cả.
 

Có phải lòng yêu nghề đã nhạt?

Ngoài giảng dạy, Học viện trước kia rất nổi tiếng về các sản phẩm khoa học, đi tiên phong trong ngành như Việt Lai 20 của thầy Hoan là giống lúa lai đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, như giống lúa lai TH3-3 của cô Trâm bán bản quyền 10 tỉ - tạo nên “quả bom” trên thị trường chuyển nhượng. Giờ phải chăng lòng yêu nghề đã nhạt đi nên sản phẩm khoa học không còn?

Không hẳn là do lòng yêu nghề nhạt phai mà do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hoàn cảnh và điều kiện giờ đã khác xưa. Hiện nay cán bộ có nhiều mối quan tâm hơn như cơm áo, gạo tiền, nhà ở... không như trước ai cũng như ai có phòng ở, có gạo và thực phẩm, tuy đói khát đấy nhưng vẫn đảm bảo sống tối thiểu.

Ai cũng chỉ lo nghiên cứu thôi và khi có một sản phẩm khoa học công nghệ đưa ra được giấy khen hay bằng khen, cao nữa là huân chương, rất tự hào. Mát mặt tác giả đã đành, cả trường cũng mát mặt theo.

Quan niệm sống đã khác xưa nhiều vì người ta thấy không phải cứ hết lòng hết sức vì tập thể, vì nhân dân là được đánh giá đúng. Lại thêm ra khỏi nhà là thấy tiêu cực. Lại thêm dạy quá nhiều và thu nhập từ dạy dễ dàng hơn là làm nghiên cứu khoa học, chỉ lo giấy tờ nghiệm thu, “chạy” các nơi để có đề tài đã thấy mỏi mệt…

Mới vào học, có thể còn chưa yêu nghề, nhưng khi ra trường rồi vẫn chưa yêu nghề, thấy chán nghề thì cả nhà trường và gia đình đã lãng phí một khoản đầu tư không nhỏ.

Thời thầy Hoan cô Trâm là thời “hot” nhất về lúa lai nên giống tạo ra được cuộc sống nhiệt thành đón nhận. Ngày nay nhiều giống tốt hơn nhưng vẫn không bán được giá cao vì hết thời “hot” chứ không phải tại chất lượng kém. Chính sách khuyến khích nghiên cứu của Nhà nước cũng còn nhiều bất cập cả về cơ chế tài chính và cơ chế quản lý như trước đây chỉ cần nghiên cứu đưa ra công nghệ là giai đoạn sau đã được tiếp nhận chuyển giao theo kế hoạch.

Thêm nữa, thủ tục công nhận giống cũng nhiêu khê hơn. Trước năm 2007, công nhận giống lúa, ngô gồm 2 bước: 1- Khu vực hóa; 2- Công nhận giống Quốc gia. Để công nhận được giống khu vực hóa cần có kết quả: Khảo nghiệm VCU cộng khảo nghiệm sản xuất và trải qua 2 hội đồng. Kinh phí khá rẻ vì được hỗ trợ của Nhà nước.

Từ năm 2007 đến nay việc công nhận giống thực hiện theo QĐ95/2007/QĐ-BNN, việc công nhận giống vẫn qua 2 bước: 1- Công nhận cho sản xuất thử; 2- Công nhận chính thức. Kinh phí khảo nghiệm VCU, DUS, khảo nghiệm sản xuất cộng 2 hội đồng cho đến khi công nhận chính thức khoảng: 500 triệu đồng/giống thuần; 800-900 triệu đồng/giống lai.

Cũng có những rào cản kĩ thuật làm nản lòng các nhà khoa học như giống Bắc Thơm chống bạc lá của Học viện được sản xuất đón nhận nhưng lại rất khó đăng ký giống mới.

Thứ nữa tất cả các viện nghiên cứu trong trường phải tự lo cuộc sống theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP không những không được cấp kinh phí nghiên cứu mà còn phải nộp “khoán” cho Học viện nên một số viện trưởng, giám đốc rất thực dụng, toàn bán “lúa non” để lấy tiền nuôi quân.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam được trải nghiệm thực tế.

Đó là những sản phẩm tiềm năng nhưng không thể đợi công nhận hết thủ tục này kia, tiền hội đồng rải quá nhiều nên khi doanh nghiệp đòi mua là bán luôn.

Chúng ta còn những gì chưa rõ ràng và sòng phẳng trong chính sách đại học?

Về nguyên tắc, thời buổi tự chủ rồi, người học cần cái gì họ đóng tiền để học cái đó nhưng ở ta không thế.

Ví dụ như triết học sinh viên có cần không? Rất cần, và họ phải đóng tiền để học triết học, trên thế giới này, ở đâu cũng thế cả nhưng nếu học về hệ tư tưởng, thì nên chăng Nhà nước phải trả tiền.

Hoặc các môn quân sự, quốc phòng, an ninh cũng vậy. Đúng ra là, sinh viên chỉ phải đóng học phí cho những môn mà họ cần, những môn giúp họ sau này có một nghề nghiệp vững vàng để kiếm sống.

Theo ý của tôi những ngành gì mà nhu cầu của xã hội không lớn mà Nhà nước lại cần thì Nhà nước cần phải trả tiền thông qua chính sách học bổng, bao gồm cả sinh hoạt phí, như ngành khuyến nông, đánh bắt hải sản, khoa học đất, xây dựng công trình nông thôn.

Sinh viên những ngành này sau khi tốt nghiệp tình nguyện nhận công tác ở vùng biên giới, hải đảo thì phải đối xử với họ như chiến sĩ biên phòng.

Tương tự như vậy, ngành nào xã hội có nhu cầu thì xã hội phải trả tiền, ngành nào người học muốn học thì người học phải trả tiền.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền trong khi sức chi trả của người học nhất là con em nông dân nên đã buộc không ít trường phải rút ngắn thời gian đào tạo, thực tập.

Trước đây các trường khối nông lâm ngư đều có thực tập tốt nghiệp 6 tháng cùng với thời gian đi thực tập giáo trình, thực tập môn học, đi phục vụ sản xuất ít nhất cũng khoảng 30 tín chỉ nhưng hiện nay có trường không được như thế.

Cách thực tập giờ cũng khác xưa. Thầy dẫn học trò xuống để đấy, vù xe máy, vù ô tô về nhà với vợ. Ít thầy ở lại lắm, trừ đi xa hẳn thì phải chịu ở lại vài ba ngày, cắt cử một sinh viên làm tổ trưởng, thỉnh thoảng báo cáo qua điện thoại tình hình ở đó thế nào, vướng đâu thì gỡ…

Xưa trò xuống thực tập rất lo làm đề tài, thực hiện nhiệm vụ thầy giao nhưng những năm vừa qua từ khi học theo tín chỉ tôi có cảm giác không còn gắn bó lắm. Có thể thay thực tập tốt nghiệp bằng vài ba môn học tự chọn nào đó, miễn là đủ số tín chỉ theo qui định là xong…

Mời độc giả đón đọc bài II: Những lời tâm huyết của thế hệ đi trước

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất