| Hotline: 0983.970.780

Con em nông dân đang học hành như thế nào? - [Bài IV] Bất cập kiểu học theo tín chỉ

Thứ Năm 05/12/2019 , 07:30 (GMT+7)

Lý vừa rồi đăng ký học môn giải phẫu vật nuôi 2 gồm 8 buổi do trưởng khoa dạy, buổi đầu tiên ông không đến, sau đó thì buổi đực buổi cái thành ra thiếu.

Gian nan đăng ký

5h sáng, ngoài trời vẫn tối đen như mực, trong căn phòng 1 cửa sổ rộng chỉ khoảng 5m2 ẩm thấp như một cái hang còn tối hơn, Văn Công Lý (em không muốn đưa tên thật lên báo nên chúng tôi xin đổi tên để dễ hình dung - PV) sinh viên năm thứ 4 Khoa Thú y đã trở dậy.

Văn Công Lý (đã đổi tên), sinh viên năm thứ 4 Khoa Thú y.

Mắt nhắm mắt mở cậu lùa vội chiếc bàn chải vào miệng đánh vội răng, rửa vội mặt rồi ngồi canh bên cái máy tính. Kim đồng hồ vừa chỉ 7h cái là Lý tay ấn liên tục để làm sao vào được mạng của nhà trường nhanh nhất có thể. Sóng wifi rất căng, tuy nhiên từ 7h sáng đến 12h trưa cậu vẫn ở bên ngoài mạng, đến khi vào được thì những môn định đăng ký học đã hết.

Kỳ đầu tiên chân ướt chân ráo từ vùng quê miền Trung ra Hà Nội nhập học với đầy ước mơ hoài bão cậu thấy chưa có gì bất cập cả bởi thời khóa biểu các môn đã được nhà trường đăng ký sẵn.

Đến kỳ thứ hai, cậu mới thực sự “nếm mùi” khi phải tự đăng ký tín chỉ: “Mình có quyền được chọn môn này hoặc môn kia để học. Môn nào thích hoặc không thích học trước hay sau đều được với điều kiện môn đó không phải là môn tiên quyết (môn tiên quyết là môn bắt buộc học xong thì mới được học môn tiếp theo).

Tối thiểu mỗi kỳ mỗi sinh viên phải đăng ký 15 và tối đa 25 tín chỉ nhưng rất khó vì phải nhập vào mạng nội bộ của trường trong một thời điểm từ 7h sáng đến 12h đêm của duy nhất 1 ngày. Mỗi môn học thường có 2 - 3 lớp, mỗi lớp tầm 100 sinh viên, khi đã kín hết em phải đăng ký những môn khác không có trong dự định”.

Mạng từ phòng máy tính của các khoa được ưu tiên hơn trong việc đăng ký nhưng do nhu cầu của sinh viên quá nhiều nên cũng thường quá tải. Phòng có 20 - 30 máy, riêng khóa 61 của Khoa Thú y sinh viên đã gần 1.000 bởi thế kỳ sau cậu không đăng ký ở nhà cũng không đăng ký ở khoa mà tìm đến Khoa Chăn nuôi - nơi chị gái mình đang học.

Người xếp chật hành lang, người ken cứng mấy tầng nhà nên chờ từ 7h sáng đến 9h sáng mới tới lượt. Nếu may mắn vào được mạng luôn thì bấm 20 phút cũng chưa chắc đã xong việc đăng ký.

“Kỳ nào em cũng không đăng ký được đúng những môn mình đã chọn phần bởi quá tải, phần bởi lớp có môn học đó lại không được mở bởi thiếu giảng viên như môn tiếng La Tinh (để đọc các thuật ngữ chuyên ngành) chẳng hạn. Giờ hành chính không có đủ lớp để học nên sinh viên thường phải học ban đêm từ 6h - 9h.

Thầy dạy môn này cũng tâm huyết nhưng gần 1.000 sinh viên một khóa mà chỉ có một mình nên không thể xẻ đôi, xẻ ba người ra mà dạy được. Học ban đêm học phí mỗi tín chỉ lại nhân hệ số 1,5 lần chứ không phải là 466.000 đồng nữa”.

Không chỉ tiếng La Tinh bị quá tải. Hè vừa rồi cậu phải học ngoài giờ mất 3 môn trong đó 2 môn do không thể đăng ký nổi trước đó là Ký sinh trùng và Sinh sản 1 còn 1 môn thì học trước. Phải học như thế để cho kịp tiến độ 5 năm có thể ra trường chứ nếu vào năm với 25 tín chỉ dồn lại vừa mệt vừa sợ học phí gộp vào một lúc 13 - 14 triệu khó bề xoay xở.

Thực hành trên kính hiển vi của sinh viên khoa thú y.

Bố làm thợ xây, mẹ đi bán dừa, ngoài học phí, mỗi tháng chắt bóp gửi lên cho con thêm được 2 triệu sinh hoạt phí. Không đủ tiền tiêu, cậu phải đi bưng bê cho các nhà hàng tiệc cưới hay chạy xe ôm để kiếm thêm. Gần đây, nhờ liên miên đi tiêm gà cho các trang trại, được người ta bao ăn uống, nhu cầu tiêu không nhiều nên 2 triệu của bố mẹ gửi cho cậu vẫn tạm đủ còn nhiều bạn khác thường xuyên túng thiếu.
 

Thèm học và thực hành

“Em góp ý những mong mọi thứ sẽ tốt lên, có thể thế hệ chúng em chưa được hưởng thì các em khác sẽ được hưởng chứ kiểu học theo tín chỉ hiện nay còn quá nhiều bất cập.

Nói trường tự chủ nghĩa là sinh viên nuôi thầy cô nhưng chúng em thích học ai rất hiếm khi đăng ký được bởi thời gian nhập vào mạng đã rất khó, vào rồi ở trong cũng chỉ được khoảng 20 phút, nếu lâu sẽ tự động bị bật ra.

Quãng thời gian ngắn ngủi đó phải nhìn qua một loạt những môn phù hợp, phải đăng ký thật nhanh chứ không có thời gian để tìm hiểu thầy cô có mã giảng viên thế này, vào mạng xem thời khóa biểu tuần này dạy lớp nọ, lớp kia...”, Lý tâm sự.

Kỳ vừa rồi Lý đăng ký học môn Giải phẫu vật nuôi 2 gồm 8 buổi mà không biết là ai sẽ dạy. Buổi đầu tiên đến không thấy thầy đâu mà có một bạn ở lớp thông báo: “Hôm nay thầy có việc bận không dạy được”. Buổi thứ hai đến mới biết là trưởng khoa.

Đây là môn rất khó, được người có kinh nghiệm giảng thì rất thích nhưng buổi thứ ba đến lại không thấy thầy đâu cả. Cuối cùng học tổng cộng cả theo lịch lẫn bù được 4 buổi. Bởi nén lại nên thầy phải giảng rất nhanh khiến cho nhiều sinh viên rất khó để tiếp thu.

Vật nuôi trong trại để làm thí nghiệm.

“Khoa Thú y cần nhiều tiền để đầu tư vào cơ sở vật chất, dụng cụ thực hành nên học phí cao hơn các khoa khác gấp rưỡi hoặc gấp đôi cũng là điều dễ chấp nhận nhưng chúng em cũng yêu cầu phải nhận lại tương xứng.

Nhiều môn học trên động vật sống, mỗi buổi thực hành thường có 25 sinh viên, mỗi người phải tiêm thử một đôi lần rồi mới tiêm thật vài lần để chuyển sang cho bạn khác. Con lợn, con bò sau buổi thực hành vẫn được giữ lại buổi sau cho 25 sinh viên khác đến tiêm và những buổi sau nữa. Bị mấy trăm, mấy ngàn mũi kim chọc choe choét khắp cơ thể, con vật không bị stress mới là lạ”.

(Tâm sự sinh viên khoa Thú y)

Học kỳ hè này, Lý thực hành môn Sinh sản thú y 1 gồm 3 buổi nhưng thầy dạy thay cho cô được phân công lại hỏi ý kiến cả lớp rằng gộp lại thành 1 buổi duy nhất có được không, tất cả đều ngại nên đành phải gật đầu.

Cũng tương tự như thế là sinh viên Trần Văn B khóa 61 phải học môn giải phẫu vật nuôi 1 gồm 3 tín chỉ vào buổi tối với giá gấp rưỡi học trong giờ chỉ bởi vì không đăng ký nổi.

B cho hay, một số môn thực hành gồm 3 buổi nhưng chỉ làm 2 buổi để tiết kiệm thời gian như dược lý, độc chất đặc biệt môn Bệnh rối loạn dinh dưỡng không tổ chức được một buổi nào.

Thầy giải thích: “Đặc thù của môn này phải có động vật thiếu dinh dưỡng để thực hành nhưng hiện tại chưa có, khi nào có thầy sẽ thông báo sau. Cả lớp thay bằng viết bài tiểu luận”. Mấy tháng rồi cũng chẳng thấy có thông báo nào nên cả lớp cứ tiếc rẻ mãi vì thầy có cách dạy khá hấp dẫn.

Cùng nhóm nghiên cứu với B có Nguyễn Thị H - một sinh viên dám vượt qua định kiến của bố mẹ về chuyện học đại học sau này khó xin việc.

Cô rời vùng quê xa lắc, xa lơ của mình và tự trang trải toàn bộ chi phí ngay từ kỳ đầu bằng cách làm thêm đủ thứ nghề để lo cái ăn, cái ở còn học phí thì dùng sổ hộ nghèo của gia đình để vay ngân hàng, mỗi kỳ được 7 triệu.

Số còn thiếu, cô phải đi vay mượn thêm, hiện tổng nợ đã lên đến hơn 40 triệu.

Nữ sinh này phàn nàn: “Môn Sinh sản 1 do thầy đi nước ngoài nên 2 tuần nay vắng mặt cũng chẳng có ai dạy thay trong khi đó chỉ cần sinh viên nộp tiền học phí chậm là không được thi.

Do động vật thí nghiệm không đủ nên môn Ngoại khoa dù chúng em đang học lý thuyết nhưng thầy có nói trước rằng phần thực hành gồm 5 buổi khoa chỉ chi cho mỗi sinh viên mấy nghìn thành ra phải chuyển sang học… lý thuyết 4 buổi còn buổi cuối mới được thực hành trên dê. Với cách dạy và học như này em không thể tự tin khi ra trường có thể thích ứng với công việc”.
 

2 năm tiên tiến là vào thẳng đại học

Lý mới đón đứa em họ ra nhập học Khoa công nghệ thực phẩm. Trước khi thi tốt nghiệp phổ thông nó đã biết chắc là đậu rồi bởi chỉ 2 năm học sinh tiên tiến là được vào thẳng.

“Cơ chế tuyển sinh ngày càng dễ. Năm em vào, Khoa Thú y lấy 18 điểm giờ chỉ cần 15 điểm đã vào được rồi thậm chí chỉ xét học bạ 2 năm tiên tiến là xong.

Thầy cô đa số là yêu nghề nhưng vẫn có một bộ phận không nhiệt huyết lắm còn sinh viên thì cũng tùy. Xã hội giờ nhiều người không thích học nông nghiệp nên chất lượng đầu vào của sinh viên khá thấp nhưng em lại rất thích học thú y”.

Khoa của cậu học 5 năm trong đó 4,5 năm học trên lớp và 1/2 năm thực tập nhưng chẳng biết sau này thời gian thực tập có đầy đặn không chứ như người chị học khoa Chăn nuôi khóa 59 thực tập chỉ được khoảng 1 - 2 tháng. May mắn được nhận vào làm trong phòng công thức của một công ty cám của Hàn Quốc, cô phải cật lực bổ sung các kỹ năng còn đang bị khuyết...

Theo Lý, thời gian thực hành ngắn nhưng ngược lại các môn học không cần thiết lắm đối với chuyên ngành em như xác suất thống kê, toán cao cấp, hóa phân tích… lại dài. Các môn điều kiện cũng tốn nhiều tín chỉ như thể dục 3 tín chỉ, quốc phòng 8 tín chỉ, kỹ năng mềm (dạy làm việc nhóm, giao tiếp) 6 tín chỉ.

Các môn học này tất cả các sinh viên trong trường cùng học một thầy, cùng trên một sân vận động, cùng mọi điều kiện như nhau, học lẫn cùng nhau nhưng số tiền đóng chênh lệch có khi gấp đôi chỉ bởi vì Lý là sinh viên Khoa Thú y. Cũng tương tự thế, các môn khác như Triết học, chủ nghĩa Mác, Tư tưởng cùng học một cô, cùng ngồi chung một lớp, cùng chung một cái điều hòa nhưng sinh viên Khoa Thú y phải đóng 466.000 đồng/tín chỉ.

“Nhiều lần bọn em đã ý kiến lên khoa, lên trường nhưng các thầy cô trả lời rằng ước tổng chi phí đào tạo của một sinh viên rồi chia cho 159 tín chỉ nên bất kể tín chỉ chuyên ngành hay không chuyên ngành thì vẫn phải đóng như thế”, Lý nói.

“Tổng cộng học Thú y có 159 tín chỉ, lúc đầu mỗi tín chỉ 381.000 đồng giờ đã là 466.000 đồng. Một học kỳ trung bình 22 tín chỉ mất 10 - 12 triệu trong khi đó thực học trên lớp chỉ khoảng 3 tháng, tính ra học phí phải hơn 3 triệu/tháng. Hết khóa 5 năm riêng học phí mất chừng 100 triệu nên chi phí ít nhất của 1 sinh viên phải 200 triệu còn trung bình 250 - 300 triệu”.

Về vấn đề thiếu một số buổi học và thực hành, NNVN đã liên hệ với Ban Công tác Chính trị và Công tác Sinh viên của trường, người phụ trách sau đó đã tìm gặp riêng được 3 sinh viên năm thứ 4 để hỏi.

Kết quả sơ bộ, về 8 buổi dạy của thầy phụ trách môn Giải phẫu vật nuôi 2 có nghỉ mấy buổi nhưng có tổ chức dạy bù tổng cộng thành 5 hoặc 6 buổi gì đó.

“Tôi đoán một số sinh viên nghỉ không đi học bù hoặc thi trượt nên thắc mắc”.

Về 3 buổi thực hành rối loạn dinh dưỡng do thầy không tìm được mẫu động vật thiếu dinh dưỡng nên thay bằng giao cho sinh viên viết bài tiểu luận.

Về 3 buổi thực hành Sinh sản thú y 1 do thầy dạy thay đã hỏi và thống nhất với lớp thực hành gộp 3 buổi thành 1. Trong thời gian tới Ban có thể hỏi mở rộng thêm các sinh viên khác, sớm nhất sẽ có kết quả thông báo lại cho báo.

Qua đây nhà trường sẽ lưu ý các khoa nhắc nhở, rút kinh nghiệm ngay hiện tượng này để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Mời độc giả đón đọc bài cuối: Gánh nặng nơi quê nhà

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.