| Hotline: 0983.970.780

Con gà làm giàu

Thứ Tư 20/11/2013 , 10:16 (GMT+7)

Ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), nếu gõ cửa 10 nhà thì phải đếm được ít nhất 5 hộ chuyên chăn nuôi gà thả vườn.

Ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), nếu gõ cửa 10 nhà thì phải đếm được ít nhất 5 hộ chuyên chăn nuôi gà thả vườn. Chính quyền xã đã thành lập hẳn một Chi hội nuôi gà thả vườn để quản lý, điều hành và hỗ trợ các thành viên trong sản xuất, kinh doanh.

Nói về tầm quan trọng của chăn nuôi gà thả vườn đối với thu nhập của người dân trong xã, ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chi hội trưởng Chi hội chăn nuôi gà thả vườn Cẩm Lĩnh, khái quát bằng một câu ngắn gọn: “Nếu bỏ con gà đi thì bà con không biết làm nghề gì”.


Mô hình gà thả vườn của gia đình ông Nguyễn Viết Thủy ở xã Cẩm Lĩnh

Ông Thành giải thích, đất Cẩm Lĩnh tuy rộng nhưng đa phần là đất gò đồi “siêu” xấu, bạc màu và nghèo dinh dưỡng; cấy lúa lúa lép, cấy ngô ngô còi. Xã cũng đã thực nghiệm nhiều mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả nhưng đều thất bại vì bí đầu ra. Công nghiệp gần như không phát triển được, còn dịch vụ mới chỉ ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác nhiều.

“Thu nhập từ trồng trọt của người nông dân chỉ đủ để đảm bảo lương thực duy trì cuộc sống. Muốn xây dựng NTM, kiến thiết các công trình lớn và nâng cao thu nhập cho người nông dân thì phải dựa vào chăn nuôi. Trong đó con gà là mũi nhọn chiến lược”, ông Thành cho  hay.

Toàn xã Cẩm Lĩnh có 2.633 hộ thì có tới 1.139 hộ coi chăn nuôi gà thả vườn là nghề đem lại thu nhập chính của gia đình. Nhiều trang trại có quy mô lên tới vạn con. Điều đặc biệt, chăn nuôi gà ở Cẩm Lĩnh đang hình thành những tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi theo mô hình khép kín.

Theo ông Thành, hiện toàn xã có trên 100 hộ nuôi gà đẻ trứng phôi, cung cấp trứng cho khoảng 40 lò ấp nở công suất 2.000 trứng/mẻ tại địa phương.

Sau khi số gà giống đó ra lò, sẽ có hơn 700 hộ nhập về chuồng trại của mình và nuôi úm trong vòng 60 - 65 ngày và bán cho các hộ chuyên nuôi gà thịt. Mỗi năm, nông dân xã Cẩm Lĩnh xuất ra thị trường khoảng 650.000 con gà thịt và hàng vạn con gà giống.

Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, cho biết: “Chi hội Chăn nuôi gà thả vườn có 60 thành viên nhưng mỗi năm xuất chuồng 48.000 gà thịt thương phẩm. Cẩm Lĩnh cũng là địa phương đi đầu toàn huyện về sản xuất gà giống. Nhờ con gà, đời sống của bà con ngày càng khá giả. Năm 2012, mặc dù ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do giá thịt hạ thấp, nhưng thu nhập bình quân toàn xã vẫn đạt 15 triệu đồng/người/năm”.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, nghề nuôi gà ri lai mía truyền thống của xã Cẩm Lĩnh được khôi phục lại và không ngừng tăng trưởng về số lượng đàn. Mặc dù thời gian sinh trưởng của gà ri lai mía kéo dài 5 - 6 tháng, nhưng chất lượng thịt rất thơm ngon nên thị trường ưa chuộng. Những năm qua, khi mà hàng trăm nông dân ở các xã Ba Trại, Tản Lĩnh, Thụy An lâm vào cảnh nợ nần khi gà trắng rớt giá thê thảm, nhưng người chăn nuôi gà Cẩm Lĩnh vẫn đứng vững, bởi biến động giá cả gà ri lai mía không quá cao.

Ông Nguyễn Viết Thủy ở thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh - người đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi gà thả vườn, chia sẻ: Thời điểm này, giá gà xuống rất thấp, chỉ 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu trừ chi phí sản xuất vẫn có lãi khoảng 20.000 đồng/con. Thời gian tới giá gà khả năng sẽ lên cao, có thể đạt 90.000 đồng/kg. Như vậy, người nông dân sẽ có lãi khoảng 40.000 đồng/con. Nhìn lại các hộ nuôi gà trắng thì đây là doanh thu đáng mơ ước rồi.

Trang trại của ông Thủy hiện có khoảng 6.000 gà được chia ra làm hai khu vực: Khu vực nuôi gà úm (có lò sưởi) và khu nuôi gà thịt. Với mô hình chăn nuôi này, gia đình ông luôn chủ động được nguồn giống chất lượng tốt và giảm chi phí trung gian. Nếu xuất bán, ước tính lãi khoảng 120 triệu đồng.

Chỉ tay vào ngôi biệt thự lộng lẫy, nội thất sang trọng của gia đình, ông Thủy khoe: Tất cả cơ ngơi này đều từ con gà mà ra đấy. Không chỉ nhà tôi đâu, hàng chục hộ chăn nuôi gà thả vườn trong xã như anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Cẩm Thủy, anh Chu Văn Dị ở thôn Tân Thành, Nguyễn Như Đông ở Phú Phong cũng thu 200 - 300 triệu đồng mỗi năm”, ông Thủy nói.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thành, hoạt động chăn nuôi gà của các hộ dân vẫn theo quy mô nhỏ. Nhiều ra đình rất muốn phát triển đàn gà nhưng lại không có vốn đầu tư. Việc vay vốn ngân hàng theo hình thức tín chấp chỉ được tối đa 50 triệu đồng. Như vậy không thể đủ được. “Ví dụ, muốn xây được 200 m2 chuồng trại thì phải có ít nhất 200 triệu đồng, sau đó còn phải có vốn để mua con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... nữa. Nhà nông không phải ai cũng có ngần ấy tiền để đầu tư cho chăn nuôi.

Muốn vay nhiều hơn 50 triệu, các hộ dân phải thế chấp tài sản cho ngân hàng. Nhưng đa số đều tỏ ra ngại ngùng, vì ngân hàng định giá tài sản quá thấp và thủ tục rườm rà.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.