| Hotline: 0983.970.780

Còn lâu người mình mới bỏ được thói ỷ lại, hoặc moi móc, đố kỵ, ganh ăn tức ở

Thứ Sáu 09/12/2016 , 06:50 (GMT+7)

Đến tai cháu quá nhiều chuyện do mẹ chồng cháu nói lại để bày tỏ bức bối với nhà ngoại. Rồi các cậu dì chia rẽ nhau, không chơi với mẹ cháu, vì mẹ bênh con, bào chữa cho chồng cháu.

Cô Dạ Hương kính!

Vợ chồng cháu từ hai bàn tay của mình đi lên. Như bao nhiêu người chật vật, có tiền nhờ bất động sản rồi về mo, rồi bỏ tỉnh lên TP với cái túi rỗng và bắt đầu lại ở tuổi bốn mươi. Nhà thuê, nuôi hai con ăn học, tội nghiệp chồng cháu, anh ấy cắm đầu làm mọi việc để vợ con không tủi cực.

Nhà chồng cháu cả thảy bốn anh em, ba trai một gái. Bên nhà cháu thì chỉ có hai anh em cháu thôi. Nhưng mỗi bên đều có sự phức tạp của mình. Đông người thì phức tạp hơn, sự phức tạp gấp đôi, một phần vì ba mẹ chồng cháu cũng yếu cơ, cầm trịch kém.

Cô ơi, ba mẹ chồng cháu không phải viên chức, chỉ là người không gặp thời, vượt biên không được, nuôi mấy đứa con trong thời kỳ quá khó khăn. Chồng của cháu phải đi làm mướn cho người ta từ hồi học cấp II, buôn bán cho một cửa hàng phụ tùng xe, nhờ vậy mà anh ấy giỏi bán buôn và giỏi về xe. Rồi các con cũng lớn, chị Hai lấy chồng nghèo, anh Ba lấy vợ nhờ bên vợ, sống ở bên vợ luôn, anh Tư làm lái xe, vợ làm bảo mẫu, tùng tiệm, chồng cháu là trai út. Đáng lý chồng cháu phải sống chung với ba mẹ nhưng anh đi xa nhà từ nhỏ, ít gắn bó. Nhưng gia đình nhờ cậy anh được nhiều, từ trước tới nay.

Hai mươi năm cháu làm dâu nhà chồng, cháu rút ra một điều: ba mẹ và anh chị có ỷ lại vào chồng cháu mà nếu không đáp ứng yêu cầu thì bị chê trách liền. Rồi các cậu các dì bên ngoại, là nơi hồi nhỏ mấy chị em của chồng cháu được giúp đỡ rất nhiều từ ký gạo, tới con cá lá rau. Các cậu dì cũng thường xuyên dòm ngó công ăn việc làm và cách sống của chúng cháu ở TP rồi trách cứ râm ran, nói chúng cháu nọ kia.

Đến tai cháu quá nhiều chuyện do mẹ chồng cháu nói lại để bày tỏ bức bối với nhà ngoại. Rồi các cậu dì chia rẽ nhau, không chơi với mẹ cháu, vì mẹ bênh con, bào chữa cho chồng cháu. Trong khi đó chị Hai, anh Ba, anh Tư cũng ít lui tới với cháu từ khi chúng cháu gượng dậy, lại ăn nên làm ra, chuẩn bị cho con du học. Cháu thật sự mệt mỏi lắm cô, cháu làm sao để mọi người như xưa, để mình và gia tộc lớn, gia tộc nhỏ của mình trở lại như trước hở cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Đây là một trong những điểm yếu của người Việt mình, rất khác người Hoa chỗ đó. Tức là ai có ý thức xả thân thì gia tộc ỷ lại (tệ hơn, là lợi dụng) ngay, nhưng khi người đó ngãng ra, không để lâm vào cái thế đó nữa thì bắt đầu bị chửi. Đơn cử người Hoa trong làm ăn thôi, họ giúp nhau hết lòng, người chịu ơn sống chết thủy chung ai nói mặc, người đó vẫn tin mỗi người ơn của mình, cứ thế, người ta dìu nhau đi lên, ở đâu người Hoa cũng không lo bị ăn hiếp.

Còn lâu người mình mới bỏ được thói ỷ lại, hoặc moi móc, đố kỵ, ganh ăn tức ở. Gia tộc nào mạnh một ít lâu rồi cũng yếu là vì vậy. Không ai chịu ai, không ai được khen hoài và khi người ta sa sút thì dễ bị xa lánh, một mình họ xoay xở, chịu trận. Bao nhiêu thế hệ qua đi, chúng ta vẫn nhỏ và yếu một phần là như vậy. Rồi cá nhân tự nhận ra, tự chiến đấu và chán ngấy gia tộc mình.

Nên nghĩ tích cực cho nó vui đi cháu. Nghĩ vợ chồng mình đã vượt qua giai đoạn lên bờ xuống ruộng, đã dám lên TP làm lại từ đầu và nuôi con ăn học, sắp thấy thành công. Biết thói hư tật xấu của người mình vậy nên đừng để bụng làm chi. Mẹ chồng cháu cũng là phụ nữ thường tình, nghe cậu dì nói không đúng về con mình nên chột dạ nổi xung thôi. Chúng ta trẻ, chúng ta văn minh đi, ai nói sao mặc, mình nhớ ơn cậu dì, mình báo hiếu mẹ cha, làm nhiều thì phúc nhiều, đời mình thanh thản, đời con mình sẽ hanh thông và cứ thế.

Chuyện của bên chồng mình dễ thấy nặng và gây chán, vì dù sao cũng là chuyện của nhà chồng, không dễ chấp nhận và bỏ qua như chuyện bên nhà ta. Cháu cũng đừng thường tình, bên nào cũng như bên nào, mình con cháu cứ như bát nước đầy đi, nhất là khi mình đã có và đang có. Xem ra chị và các anh ít cơ hội hơn, khiêm nhường hơn, kinh tế eo hẹp hơn, vậy thì mình giúp được gì cứ giúp, lại không được gần cha mẹ như trước, càng nên từ chuyện giúp họ để họ có điều kiện chăm sóc ba mẹ, bõ những ngày cơ cực xưa kia của hai đấng sinh thành.

Con dâu nhiều việc lại quan trọng hơn con đẻ, ở chỗ, nếu mình đúng và hay thì gia tộc sẽ vui lên, mạnh hơn và vững bền hơn. Đó là công và hạnh của cô dâu, cháu nha.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất