| Hotline: 0983.970.780

Con mê du học, nên buồn hay vui?

Thứ Hai 08/03/2021 , 14:26 (GMT+7)

Nhà hai đứa con, đi thì còn một, bạn của cháu, nhà duy nhất một đứa, chúng đi mà không hề cảm thương ba mẹ. Đáng buồn hay nên vui đây cô?

Cô kính mến!

Chúng cháu có 2 con, gái đầu, trai út. Vì đứa gái đầu khi sinh đã rất yếu, hen suyễn di truyền từ nội của bà nội.

Bố của nó không hề gì, nhưng đến nó thì chúng cháu quá khổ vì cái bệnh ấy. Hai vợ chồng vào Nam, hy vọng thời tiết trong đây sẽ đỡ. Chúng cháu đã quyết định đúng. Cháu khỏe dần nhưng thể trạng không như bố mẹ và cả cháu mong muốn. Lúc nào cũng nhẹ cân, xanh xao, dị ứng với trở trời.

Thực sự chúng cháu rất ít khi đem được hai con về Bắc, chồng đi với con trai thì mẹ phải ở trong Nam ấm áp với con gái yếu. May là đến dậy thì cháu lớn nhanh và khác hẳn.

Riêng việc đưa cháu đi thể dục cũng đã mất nhiều công sức. Bơi bơi bơi, chồng bận thì vợ đưa đi, cải thiện phổi, cho cháu có vóc, có trọng lượng, có cả chủ động và kỹ năng.

Lên cấp 3 cháu đã thành người khác tuy vẫn thấp bé nhẹ cân.Vào lớp 12, xu thế du học áp đảo chúng nó cô ạ. Các bạn cháu có con học bên trường chuyên còn cho biết, 100% chúng nó đi đấy cô.

Chúng cháu không hề khuyến khích con vì sợ thể lực của nó và cũng biết lực tài chính của mình chưa thể nói gì với đường dài học hành của con khi du học. Nhưng không được đi thì con nó như ngồi trên đống lửa.

Nó đã âm thầm chuẩn bị khi còn là lớp 10, tiếng Anh ra sao, thi như thế nào và bắt đầu săn học bổng từ năm ngoái.

Thôi thì chúng cháu sẽ cố lo dù mang nợ. Nhưng vẫn phập phồng về thể trạng của con gái, xứ lạnh, rất lạnh, mà hễ đi là ít đứa nào muốn về. Tiền dự phòng cho phát sinh, sổ tiết kiệm của con, sổ tiết kiệm của cha mẹ, sổ đỏ nhà hoặc đất… đủ thứ, tối tăm mặt mũi. Bây giờ đạn đã lên nòng rồi cô.

Vấn đề của lá thư này là vì sao bọn trẻ đổ xô đi hết như thế? Đi và không về thì đất nước và cha mẹ được cái gì? Đây là làn sóng, trào lưu hay tâm lý vọng ngoại hay sự thật nghiệt ngã?

Nhà hai đứa con, đi thì còn một, bạn của cháu, nhà duy nhất một đứa, chúng đi mà không hề cảm thương ba mẹ. Đáng buồn hay nên vui đây cô?

----------------------

Cháu thân mến!

Chừng mươi năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam mình nhảy một bước dài. Nói chuyện du học mà không nói về kinh tế và thu nhập, coi như nói mới chỉ một góc, một phần.

Thực tế cho thấy, có thực mới vực được đạo. Khi con cái rủ nhau du học là chúng có biết thực lực của gia đình. Không chỉ tâm lý đám đông, vọng ngoại, trào lưu hay làn sóng. Đơn giản như chim, trưởng thành là muốn rời tổ, đường bay của chúng ở chân trời.

Hãy nhớ lại mình ngày xưa, nông thôn yên bình đẹp thế mà ai trẻ cũng nhấp nhổm đi, hoặc đã ở thị xã đông vui rồi, vẫn muốn lên thành phố lớn, trong khi đó, người đã no xôi chán chè đô hội thì lại mơ bên ngoài biên giới quốc gia. Đó là quy luật tâm sinh lý người trưởng thành.

Các con nó biết lực của gia đình tới đâu nên chúng săn học bổng và chọn lựa dữ lắm. Cô không thấy con cái nhà nông hay thị trấn xa xôi mà dám mơ du học. Việc ấy có nghĩa là, các con của chúng ta không viễn vông.

Vấn đề là du học không giống như một canh bạc, có thể thua. Không, đi bằng học bổng là em ấy đã rất khá, rất tự trọng, rất nghị lực, rất biết thương cảm mẹ cha rồi đó. Nó sẽ cố gắng và trụ được.

Vả lại, nền giáo dục ở các nước văn minh họ có cách nhào luyện con người, đã giỏi sẽ giỏi thêm, đã hay sẽ hay thêm, đã tốt sẽ tốt hơn nữa.

Thực trạng mà cháu đề cập do nền giáo dục chúng ta kém so với thực lực của quốc gia, so với kinh tế, so với tinh thần hiếu học của người Việt.

Cô nghĩ, du học ào ạt cũng là giải pháp thời đoạn của người dân, rồi sẽ tốt lên, như y yế, như mọi lĩnh vực khác. Rồi sẽ du học tại chỗ, sẽ có người nước khác đến Việt Nam du học (trường Quốc tế), hay học tiếng Việt chẳng hạn.

Để xã hội văn minh lên, nhiều cơ hội cho con cái chúng ta học xong thì làm ở công ty của nước ngoài hoặc làm việc với người nước ngoài.

Vấn đề của cháu là kinh tế mình mảnh, liệu cơm gắp mắm, nói thật cho con nó hiểu và nó cố gắng. Đã đến lúc nói hết với con, bởi vì cháu còn đứa con trai nhỏ còn phải gánh đường dài nữa.

Mọi việc khác hy vọng vào may mắn, phúc đức và sự đền bù của chính đứa con từng cố gắng suốt 18 năm của nó từ bé đến giờ. Cô nghĩ nó sẽ ổn và sẽ giỏi. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.