| Hotline: 0983.970.780

Con ngựa hoang trên núi Mường Khương

Chủ Nhật 10/09/2017 , 09:29 (GMT+7)

Ấn tương đầu tiên khi gặp Pờ Sảo Mìn đến học Trường bồi dưỡng những người viết văn Quảng Bá, năm 1973, anh như con ngựa hoang.

Không phải ngựa hoang của đồng bằng, mà là con ngựa hoang trên sườn núi Mường Khương. Từ khuôn mặt, cho đến dáng đi, cách nói năng, còn nguyên chất hoang dại. Cho dù trước khi về học viết văn, anh đã từng có thâm niên ăn cơm tây, học nghề bên Tiệp Khắc bảy năm trời.

09-10-17_trng_32
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn

Lớp học bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa 6 năm ấy, tuy chỉ có gần ba mươi người, nhưng đủ các anh tài. Nào Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Tô Ngọc Hiến…Với Pờ Sảo Mìn, anh hồn nhiên khoe là người dân tộc Pa Dí mới tập làm thơ. Dân tộc anh chỉ có hai nghìn người, sống ở vùng núi cao Mường Khương (Lào Cai). Cơ duyên được về Hà Nội học thế này, anh nói, nhờ công của nhà văn Ma Văn Kháng giới thiệu.

Khi ấy, Ma Văn Kháng còn làm báo trên Lào Cai, nhưng đã là nhà văn có nhiều truyện ngắn viết về miền núi gây xôn xao bạn đọc. Khóa học, nhiều anh em mới chập chững bước vào con đường viết văn. Nhưng với Pờ Sảo Mìn, tôi thấy anh còn bỡ ngỡ, ngơ ngác hơn cả. Tôi nhớ, đến lớp học, Pờ Sảo Mìn còn vác cả cây đàn ghi-ta gỗ. Thi thoảng giờ giải lao, bốc lên, anh lại đem cây đàn ra, tay gảy đàn, ngửa mặt hát những bài dân ca Tiệp thật đắm say. Cũng có khi là một bài hát dân ca của dân tộc anh, nói về những chàng trai du mục cưỡi ngựa lang thang các triền núi. Âm điệu vừa ngút ngát, vừa nặng nhọc. Ngày ấy, nhiều người nghĩ, Pờ Sảo Mìn có năng khiếu ca hát hơn là làm văn chương.

Bế giảng khóa học, Pờ Sảo Mìn nộp chùm thơ mới viết. Rồi Pờ Sảo Mìn mặc áo kẻ ca-rô màu đỏ, tóc túa lên như bờm ngựa, đứng giữa lớp học, sang sảng đọc bài thơ “Cây hai nghìn lá” của mình. Tôi và một số anh em phải bất ngờ. Hình tượng và ngôn ngữ thơ có nét gì riêng. “Dân tộc tôi chỉ có hai ngàn người/ Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng/ Muốn hiểu mình qua bao chịu đựng/ Thì cây ơi! Ta sẽ hát đời mình”. Những câu thơ khỏe khoắn, ngang tàng rất đáng yêu: “Con trai cởi trần trong mặt trời nắng cháy. Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày”.

Người ta thường chưng cất rượu từ gạo, ngô, khoai, sắn, chứ có ai ép đá xanh thành rượu? Chỉ có cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ thì mới có hình tượng đẹp lung linh đến thế. Mường Khương, mảnh đất chôn rau cắt rốn của anh, ở cái nơi toàn đá, cây ngô cây lúa len lỏi đá mà trỗi dậy. Sự sống vượt lên trên đất đá khô cằn, thì mới thêm ý nghĩa. Hình tượng “ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày”, vừa khắc nghiệt, vừa dữ dằn và cũng vừa mộng mơ. Đó là phẩm chất của những người con “hai ngàn người” bất chấp thiên nhiên khắc nghiệt, bất chấp điều kiện sống khốn khó, họ vẫn lạc quan vươn lên sống, vươn lên làm con người.

Để “Núi cao, núi thấp tựa bên nhau/Trập trùng. Trập trùng”. Để rồi khẳng định niềm tin “Gió reo hát qua hai ngàn chiếc lá”. Đọc xong bài thơ, Pờ Sảo Mìn như ngẩn người, rũ rượi. Khuôn mặt anh chợt ánh lên niềm khoái cảm triền miên. Ngay khi ấy, tôi tin rằng Pờ Sảo Mìn sẽ sống chết với thơ, sẽ viết được thơ, sẽ viết hay hơn và sẽ vững vàng đi trên con đường sáng tạo văn chương của mình.

Bế giảng khóa học, hầu hết mọi người lại trở về với công việc và mảnh đất của chính mình. Pờ Sảo Mìn lại tàu xe ngược về huyện Mường Khương. Rồi sau đấy anh xuống Lào Cai, làm việc ở Hội văn nghệ tỉnh. Chắc hẳn công việc chữ nghĩa văn thơ phù hợp với anh hơn là công việc chế tạo máy móc mà anh học bên Tiệp. Chính ở môi trường văn nghệ này, Pờ Sảo Mìn được tung hoành đi khắp các huyện, các bản làng.

Càng đi nhiều, anh càng tự hào về dân tộc Pa Dí có hai ngàn người quen sống trên các mỏm đá cheo leo ở quê anh. Con trai người Pa Dí/ Mẹ sinh ra trên đỉnh đá tai mèo? Uống nước nguồn trong veo... Con trai người Pa Dí/ Đã lên yên không bao giờ ngã ngựa. Cái chất phóng khoáng, ngang tàng của người dân tộc anh Con trai người Pa Dí/ Không hận thù ghét bỏ với ai/ Đi chín phương là chín phương bè bạn/ Đến mười phương là mười miền thương nhớ. Cái vẻ đẹp cường tráng, cái nhịp điệu sống hồn nhiên và đầy thi vị của con người sống giữa bát ngát mây trời. Đêm đêm hát lượn ngày ngày bắt chim. Cái phong thái Uống sương mù và ăn sỏi đá, rõ là tính cách của người trên núi cao. Cuộc sống vừa khắc nghiệt, nhưng lại vô cùng khoáng đãng, lãng mạn.

Không tự ti, mà ngược lại, anh có đầy niềm kiêu hãnh về mảnh đất và con người trên rừng núi chon von của mình: “Dân tộc tôi chỉ có hai nghìn người. Biết gọi gió gọi mưa gọi nắng”.

Thơ anh như tiếng nói sảng khoái của những người vừa cuốc rẫy, tra ngô trên nương, đi săn bắn trong rừng sâu trở về bản. Có lẽ phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, với công việc lao động mưu sinh khó nhọc, có khi phải chống trả với thú dữ, nên thơ Pờ Sảo Mìn cất lên tiếng nói cộng đồng của dân tộc nhỏ nhoi hai ngàn người của anh: “Tôi- một cánh chim rừng/ Trong đông đúc một bầy chim bay/ Tôi- một cánh chim rừng/ Không đồng hành lẻ loi đơn chiếc”. Tính cộng đồng thể hiện thái độ sống gắn kết với nhau: “Một con bay cả đàn tung cánh/ Một con đậu cả đàn dừng bay” ( Tôi, một cánh chim rừng)

Thơ Pờ Sảo Mìn hay ở phần mô tả. Mô tả trực diện. Nói trực diện. Âu cũng là nếp sống thẳng thắn, cương trực của người dân tộc quê anh. Đôi khi cũng có chút suy tư, chiêm nghiệm về lối sống của vũ trụ quanh mình. “Là loài người đi trên mặt đất/ Là loài chim bay dưới gầm trời/ Là loài cá bơi dưới đại dương/ Là quặng quý ẩn sâu lòng đất”. Anh lý giải đủ thứ, để rồi kết luận: “Rất có thể không hề biết nhau” (Không đề)

Đương nhiên trong thế giới sinh tồn, mỗi con người, mỗi cỏ cây, mỗi đồ vật đều có lý do về sự tồn tại riêng của chính nó. Trái tim đa cảm của nhà thơ vẫn thấp thỏm lo “sống tốt chẳng ăn ai/ sống xấu để làm gì” . Hình như sau chặng đường dài đối mặt với cuộc sống, anh mới thấm thía và chiêm nghiệm ra những triết lý sống giản dị của mình. Để rồi, nhắn gửi mọi người, rằng: “Rễ cây quá ngắn/ Rễ người lại quá dài” (Nhắn gửi)

Trong con mắt bạn bè, Pờ Sảo Mìn luôn là hình ảnh quấy nhộn, ồn ào và có phần văng mạng. Cái tính cách văng mạng, có gì gần với phẩm chất cực đoan, hết mình của người nghệ sỹ. Pờ Sảo Mìn từng trải qua nhiều môi trường sống. Thời trẻ thơ, anh từng là người dắt ngựa. Ngày ấy, miền núi cao hiểm trở, phương tiện di chuyển đắc dụng nhất, là cưỡi ngựa. Cậu bé mồ côi Pờ Sảo Mìn được ưu ái đưa về cơ quan huyện làm chân cắt cỏ, xúc ngô cho ngựa ăn.

Khi cán bộ đi công tác bản xa, cậu bé Pờ Sảo Mìn là người được đi dắt ngựa, cho ngựa cõng cán bộ băng qua những con đường chênh vênh hiểm trở bên sườn núi, mép vực sâu. Chính cái chất cần lao, mạo hiểm và có phần tinh quái của nghề dắt ngựa, đã ám vào con người tinh thần của Pờ Sảo Mìn khi nào không hay. Anh có thể trần lưng vác đá, cầy cuốc, đốn cây rừng, nhưng cũng có thể ngả lưng trên tảng đá nhọn sắc ngắm những đám mây sơn cước vần vũ trôi trên nền trời âm u và rực sáng.

Pờ Sảo Mìn có thể lầm lũi đi bộ cả ngày trời bằng đôi chân trần tứa máu và anh có thể say sưa nhảy múa thâu đêm trên thảm cỏ xanh non, thổi sáo thổi khèn cho người con gái mà anh yêu đắm đuối. Và anh uống rượu. Uống rượu như uống nước suối ngọt mát quê anh. Cái thứ rượu được “chưng cất, được ép ra từ đá xanh”. Tôi không rõ tuổi thơ Pờ Sảo Mìn có biết tự chế súng kíp để đi săn và để tự phòng thân như bao chàng trai Pa Dí quê anh không? Chứ Pờ Sảo Mìn kể rằng, anh là một tay thiện xạ. Chả biết anh có từng tham gia tiễu phỉ không, chứ cho bắn chết con hươu con nai trên rừng, thì chắc là không làm nổi rồi. Bởi trái tim thi sỹ vốn mềm yếu.

Vậy mà có dạo, bạn bè kháo rằng Pờ Sảo Mìn dính líu đến phi vụ buôn tài liệu, buôn vũ khí, hay buôn thuốc phiện nào đó. Để rồi anh phải về vườn khi tuổi còn trẻ. Gặp nhau, hỏi chuyện, Pờ Sảo Mìn ngửa mặt cười trừ. Anh nói, không đâu, không đâu, chuyện cũ qua rồi, bỏ đi nhé. Tôi cũng không có ý soi mói chuyện riêng của mỗi người. Vì tôi tin phẩm chất nhà thơ là phẩm chất của mỗi câu thơ anh viết ra.

Pờ Sảo Mìn rót rượu ra bát, cười khà khà, bảo uống đi, uống cho quên sự đời. Rồi anh khoe, chính cái đận không may đó, anh trở về bản nhỏ của anh giữa trập trùng rừng núi Mường Khương và trần lưng cuốc núi, đào hốc trồng được một ngàn cây thông. Rừng thông đã cao lưng trời. Mỗi cây thông bây giờ bổ rẻ giá mười triệu. Vậy là có món tiền kha khá rồi nhé. Có tiền cho vợ làm nhà, cho con về xuôi học đại học. Con gái con trai đều có bằng đại học cả rồi. Rồi Pờ Sảo Mìn lại nhét mấy tập thơ vào túi vải thổ cẩm, rót đầy can rượu, xách đi đây đó thăm bẹn bè. Những câu thơ lại viết trên chặng đường phiêu du “Dân tộc tôi chỉ có hai ngàn người…”

09-10-17_trng_35

Tôi chưa rõ dân tộc Pa Dí nay phát triển ra sao, hay vẫn chỉ có hai ngàn người? Nhưng nhờ những câu thơ của Pờ Sảo Mìn, mà đông đảo mọi người biết đến dân tộc ít người này. Pờ Sảo Mìn đã làm vẻ vang cho dân tộc nhỏ nhoi của anh. Anh tự ví mình như người nghệ sỹ lang bang. Lang bang để cất lên tiếng nói riêng của dân tộc mình. Lang bang từ mỏm đất nhỏ bé của anh, rồi anh đi dọc chiều dài đất nước. Cái con ngựa hoang này vẫn thèm đi. Đi để mở rộng tầm nhìn đất nước. Đi để mở tấm lòng mình với bè bạn. Đi để nhìn lại mảnh đất cô liêu ngủ trong mây mù và củi lửa mùa đông sưởi ấm ngôi nhà gỗ đầy ám khói của anh.

Chính tôi chợt bần thần, khi gặp nét cô liêu trên khuôn mặt anh giữa đám đông. Cái nét đơn côi dù chỉ thoáng qua, nhưng không dấu được. Tôi lại thấy có cái gì rất thơ của anh trong khoảng khắc ấy. Tôi còn nhớ một buổi về dự hội nghị rất đông tại một hội trường lớn ở Thủ đô, sau phút ồn ào bên bát rượu núi với bạn bè, Pờ Sảo Mìn như co mình, anh lui lại góc khuất và thoáng hiện nỗi buồn dữ dội. Một tối khác liên hoan thơ quốc tế tại Nhà hát sang trọng tại Hà Nội, Pờ Sảo Mìn kéo tôi bỏ về giữa chừng. Anh kiếm quán chè chén xập xệ góc phố, cầm điếu cầy ám muội rít liền mấy mồi thuốc lào rõ dài. Anh lặng yên không nói.

Tôi nhận ra nỗi buồn lẻ loi của anh trước đám đông quần áo mũ mão sang trọng, lòe loẹt vừa diễn ra trên sân khấu nhà hát. Tôi chợt liên tưởng đến con ngựa hoang rất đẹp, rất phóng khoáng đang sải vó trên cao nguyên bao la. Rồi có lúc con ngựa hoang tự ngẩn ngơ trước nẻo đường xa lạ. Tôi tiếc là những câu thơ viết về nỗi buồn hoang vắng kia chưa xuất thần nhiều trên những trang thơ của anh. Có phải anh lảng tránh, hay dấu mình, hay chưa viết được? Nhưng tôi tin, nó sẽ xuất hiện ở một thời điểm nào đó. Vì sau cái vẻ ồn ào và tung hoành, là trái tim nhạy cảm của con người đã từng trải nhiều thăng trầm. Nhớ về anh, tôi lại liên tưởng tới con ngựa hoang dại ở triền núi Mường Khương. Một vẻ đẹp không lẫn được.

(Kiến thức gia đình số 35)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm