| Hotline: 0983.970.780

Còn non bước chân là… trôi làng

Thứ Ba 17/09/2019 , 09:05 (GMT+7)

Anh Mai Trung 44 tuổi, ở thôn Kinh Trừng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), ngồi xổm sát vách nhà, phía trước mặt là khoảng sâu hoắm do đất vườn bị sụt xuống.

13-26-24__1_nh_nh_mi_trung
Sạt lở nghiêm trọng tại nhà anh Trung.

Chỉ tay ra bờ sông Gianh, anh bảo: “Nếu thêm trận mưa lớn và nước sông cuộn đổ về là trôi hết chỗ sụt lở này. Khi đó trụ cầu thang nhà tôi sẽ bị xé ra khỏi móng. Nói đúng là chỉ còn non bước chân là trôi mất nhà, mất làng luôn”.
 

Chênh vênh... mép sông

Anh Trung cho hay, khi hai vợ chồng lấy nhau rồi được bố mẹ chừa cho phần đất rộng hơn 500m2 để làm nhà. Dành dụm và vay mượn, hai vợ chồng đổ được cái nhà 2 tầng bề thế và yên tâm làm ăn. Nhà có xưởng mộc, tay nghề cao nên khách đặt hàng làm không hết việc. Chị Mai (vợ anh Trung) cứ mừng thầm, khách mua càng ngày càng nhiều thì dành dụm thêm ít năm cũng trang trải hết nợ nần.

13-26-24__2_st_lo_den_tru_nh
Sạt lở vào tận trụ chân cầu thang nhà dân.

Sáng hôm trước, sau cơn lũ lớn, anh Trung thấy một đường nứt nhỏ nhưng chạy dài sát mép tường nhà nên cũng lo lo. Đến chiều, vết nứt rộng nhét đủ bàn tay và chạy xa hơn đến hết xóm.

Buổi tối, cả nhà đi lễ. Khi về lại nhà mới choáng váng, cả vạt đất rộng chục mét vuông đã bị sụt xuống hơn 5m và chỉ cao hơn mặt sông Gianh chưa tới mét. Phần mái hiên bị vặn sập xuống. Anh vội gọi điện báo chính quyền xã. Lực lượng phòng chống thiên tai địa phương có mặt để hỗ trợ gia đình di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn.

13-26-24__4_lo_duong_gio_thong
Sụt lở tạo hàm ếch dưới đường bê tông.

Đêm đó, cả nhà thức trắng. Lâu lâu lại nghe đất lở ùm ầm và tiếng đất rung như có bom nổ. Sáng ra, cả xóm đều hoảng hốt, triền đất vườn mất hết chỉ còn lại những hố sâu hoắm. Hố sụt lở sát với chân móng nhà, tạo vách dựng đứng. Đứng trên nền nhà nhìn xuống sông, người yếu bóng vía hoa cả mắt.

Cả một đoạn bờ sông dài hơn 100m bị sạt lở, kéo theo mái hiên cùng nhiều vật dụng của các hộ gia đình. Điểm sạt lở tạo thành một bờ hoắm ngay sát chân tường nhà ông Mai Tân, băng qua sân nhà anh Mai Lượng, làm sập mái hiên nhà anh Mai Trung rồi lan sang hai bên, ảnh hưởng 8 hộ gia đình. Nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh bên mép sông không còn ai dám ở.

Vợ chồng ông Mai Tân (70 tuổi) con cái ra ở riêng hết. Công trình phụ nhà ông ngay mép nước. Ngồi trong nhà nhìn ra sông, ông nhớ lại, khi lập gia đình thì hai vợ chồng sống trên đò, làm nghề chài lưới mưu sinh. Sau này mới làm được nhà ở. Sát nhà, ông trồng rặng tre để đan lát.

13-26-24__3_nh_ong_tm
Sạt lở sát nách nhà ông Tân.

Rặng tre cách bờ sông Gianh trên 30m. Bây giờ, đã mất hút đâu đó dưới đáy sông. Ông chậm rãi: “Tui ở đây là gần 40 năm rồi. Trước thì cũng có sạt lở, nhưng ít lắm. Mấy năm gần đây sạt lở dữ nên cứ lo ngay ngáy. Nếu có mưa gió thì không dám ngủ trong nhà mô”.

Chị Mai Hoa xung phong lấy con đò nhỏ chở chúng tôi đi dọc bờ sông Gianh. Từ sông nhìn lên, mà lo thắt ruột. Cách cụm dân cư một quãng không xa, chị Hoa cho biết trước đây làng trồng tre. Những dãy tre xanh ràng chặt lấy nhau chắn gió, chắn sóng. Bây giờ sạt lở làm các bụi tre lớn bị tụt xuống sông nằm nghiêng ngả theo con nước.

13-26-24__6_chuyen_do_dc
Bà con di chuyển đồ đạc.

“Nếu có mưa lớn, nước xiết là dãy tre trôi theo nước ra biển hết. Mất tre, nước ăn dần vào đất canh tác nữa”- ngơi tay chèo, chị Hoa thảng thốt. Năm ngoái, chị cũng vay mượn để xây căn nhà cho con cái có chỗ chắc chắn khi mưa bão về. Nhà làm xong nhưng chưa tô trát. “Bây chừ, sụt lở khiếp như vầy, không biết có an cư được không. Tôi tính không tô trát vữa vì sợ di dời thì lại mất của”, chị thở dài.

Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Tuyên Hóa đứng bên móng trạm bơm cho hay: “Vị trí này là dời lần thứ 2 rồi. Năm ngoái sạt lở đã ăn mất cả trạm bơm lẫn đoạn kênh đầu mối. Con đường bê tông nếu dời tiếp cũng là lần thứ 3 đó. Từ ba năm trở lại đây, việc sụt lở xảy ra với tốc độ chóng mặt”.
 

Sụt lở ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con. Con đường bê tông liên thôn Đồng Lâm - Phúc Tùng (xã Đức Hóa) chạy cách bờ sông Gianh vài chục mét. Vậy mà sạt lở đã ăn hết phần đất và khoét sâu vào gần 1/3 con đường, kéo dài hàng chục mét. Chính quyền phải cắm biển cảnh báo cấm ô tô qua lại. Sát đó là những khối bê tông, tường nhà, vết tích còn sót lại của một trạm bơm lớn.

Làm sao để dân an cư?

Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết, xóm Kinh Trừng có 86 hộ, 336 khẩu, chủ yếu sinh sống dọc bờ sông Gianh. “Họ là người sông nước, quen cuộc sống trên bến, dưới thuyền nên chỉ muốn ở gần sông để làm nghề, buôn bán thuận tiện, ông Trường nói. Thế nhưng, bờ sông cứ mỗi năm lở thêm một ít, người dân Kinh Trừng lo lắng rồi đây sẽ không còn đất để ở.

“Hiện nay đã chật lắm rồi, nhà cửa cứ sát nhau mà con cái thì nhiều, lở thêm nữa thì không biết đi đâu”, trưởng thôn Phạm Ngọc Thuận lo lắng. Theo ông Nguyễn Tri Phương, trước tình hình sạt lở bờ sông Gianh, huyện đã được hỗ trợ kinh phí làm dự án kè bờ sông, cho cả xóm Kinh Trừng và thôn Đức Phú 2.

Người dân đã được làm thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chỉ xây được gần 200m ở phía đầu làng rồi dừng lại. “Lúc đó, theo chủ trương chung phải giảm chi phí đầu tư công nên công trình dừng lại và đến nay đã gần 4 năm rồi”, ông Phương bấm đốt ngón tay.

Theo ông Mai Tân thì ngày trước đến ở đây, ông xây nhà cách bờ sông hơn 30m, bây giờ bờ sông đã vào tận móng nhà. Lở mạnh nhất là từ khi xây kè ở phía đầu làng, phía dưới chưa xây nên nước sông tập trung xoáy vào đoạn này.

“Hồi trước giải phóng mặt bằng toàn tuyến, chúng tôi nhận tiền đền bù hết rồi, họ đưa máy móc, phương tiện đến phá hết cây cối dọc bờ sông để làm kè nhưng nay dừng lại nên nước xói mạnh hơn”, ông Tân bộc bạch.

Thấy bờ sông trước nhà sụt lở quá nhanh, anh Trần Nam Trưng kêu hai thuyền hút cát từ nơi khác để đưa về xả cát xuống với hy vọng làm cạn chỗ sâu, đỡ bị sạt lở. Xả cát đã mấy hôm, anh Trưng thấy không yên lòng. “Làm thế này như dã tràng xe cát. Nhưng làm cho yên tâm chứ không làm thì cứ nằm lo nơm nớp như có ai đang rình rập mình để mà ném suống sông vậy”, anh Trưng chia sẻ.

13-26-24__5_hut_ct_x
Anh Trưng xả cát để hy vọng lấp hố sâu trước nhà.

Ông Võ Đức Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết, trước mắt phải di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là các hộ có nhà bị ảnh hưởng trực tiếp. Giải pháp hiện nay là bố trí các gia đình đến ở nhờ nhà bà con, anh em. Còn lâu dài phải báo cáo cấp trên xin hướng giải quyết, không thể để người dân sống bên mép sông nguy hiểm lắm.

Giải pháp tốt nhất là tiếp tục dự án xây kè chống xói lở để bà con yên tâm sinh sống. Đó cũng là nguyện vọng của bà con, nhưng nguồn vốn quá lớn nên xã cũng chỉ biết đề nghị lên các cấp xem xét.

13-26-24__7_lng_chenh_venh
Làng chênh vênh bên mép sông.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.