| Hotline: 0983.970.780

Con nuôi đặc hữu lên ngôi

Thứ Hai 07/09/2020 , 09:00 (GMT+7)

Nhờ lợi thế tự nhiên, Ninh Bình đang tập trung phát triển các loài bản địa đặc hữu như dê, thỏ, gà ri, lợn Tạp Ná, trâu bò, hươu sao và nai...

Những dãy núi có nhiều thảo dược giàu dinh dưỡng tạo ra nguồn thức ăn cho đàn dê, nhờ đó chất lượng thịt dê của Ninh Bình thơm ngon. Ảnh: Trần Quang.

Những dãy núi có nhiều thảo dược giàu dinh dưỡng tạo ra nguồn thức ăn cho đàn dê, nhờ đó chất lượng thịt dê của Ninh Bình thơm ngon. Ảnh: Trần Quang.

Phát triển các nguồn gen quý

Là vùng đất du lịch đang trỗi dậy mạnh mẽ, để chiêu đãi khách thập phương những món ăn “độc và lạ”, tỉnh Ninh Bình chủ trương phát triển chăn nuôi các loài đặc hữu để tạo ra đặc sản.

Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình, chia sẻ, từ năm 2019, bệnh tả lợn Châu Phi trên đàn lợn xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi. Tuy nhiên, nhờ đa dạng hóa vật nuôi, nhất là các loài bản địa thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của địa phương, nên sản lượng thịt hơi năm 2020 của Ninh Bình vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019.

Tại xã Kỳ Phú, Công ty TNHH Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trang Ninh đang thực hiện mô hình chăn nuôi gà sinh sản, gà thương phẩm là giống gà lai giữa gà rừng tai đỏ Cúc Phương với gà ri vàng rơm.

Gà bố (gà rừng tai đỏ) có nguồn gốc hoang dã, chủ yếu sống trong các khu rừng của Vườn Quốc gia Cúc Phương nên rất ít bệnh tật, còn gà mẹ (gà ri) mắn để, nuôi con khéo, thích hợp với phương pháp nuôi chăn thả, chịu đựng tốt với thức ăn nghèo dinh dưỡng.

Sự hỗn giao giữa hai nguồn gen quý hiếm này đã tạo ra giống gà mới, với chất thịt thơm ngon, bởi vậy giá bán luôn cao hơn giá các loại gà khác ngoài thị trường.

Cùng với đó, Công ty Trang Ninh cũng đang sản xuất giống và chăn nuôi lợn Táp Ná, một giống lợn bản địa quý, có giá trị kinh tế cao. Đây là giống lợn phàm ăn, ăn khỏe, kể cả thức ăn nghèo dinh dưỡng. Chúng có thể sinh trưởng trong điều kiện nuôi sơ đẳng nhất và đặc biệt ở chỗ chất lượng thịt thơm ngon, trở thành thịt lợn đặc sản với giá bán đắt.

Phát triển sản phẩm chăn nuôi phục vụ lu lịch

Một cặp nhung hươu giá trị bằng 2 tấn thóc. Nhiều nông dân ở huyện Nho Quan đã làm giàu nhờ nghề nuôi con đặc hữu này. Ảnh: Trần Quang.

Một cặp nhung hươu giá trị bằng 2 tấn thóc. Nhiều nông dân ở huyện Nho Quan đã làm giàu nhờ nghề nuôi con đặc hữu này. Ảnh: Trần Quang.

Tuy không phải là giống vật nuôi lâu đời, nhưng kể từ khi những đàn hươu sao đầu tiên được đưa về vùng núi Nho Quan từ năm 1999, chỉ trong vòng 20 năm, số đầu hươu tại xã Kỳ Phú đã lên tới gần 1.000 con. Nhờ nghề nuôi hươu lấy nhung, nhiều hộ đã trở thành triệu phú, tỷ phú.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, một hộ nuôi hươu ở xã Kỳ Phú chia sẻ: “Cặp nhung hươu có giá trị bằng 2 tấn lúa”. Trang trại nuôi hươu của ông quy mô trên 70 con, trong đó 35 con hươu đực cắt nhung và 20 hươu nái sinh sản, mỗi năm lượng nhung đạt khoảng 25kg, bán được 400 – 500 triệu.

Ngoài ra mỗi năm ông Thủy cũng nhân thêm 18 – 20 con hươu giống, thu nhập khoảng 200 triệu nữa. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông khoảng 700 triệu đồng.

Thay vì nuôi hươu theo kiểu mạnh ai người nấy làm, những người chăn nuôi xã Kỳ Phú đã hợp tác với nhau, đoàn kết cùng phát triển, giúp mô hình thuận lợi hơn. Nhờ đó, cung ứng ra thị trường, nhất là khách du lịch khi đến thăm tỉnh Ninh Bình một lượng lớn đặc sản bổ dưỡng.

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các giống dê khác nhau để đa dạng hóa thực phẩm phục vụ khách du lịch và người dân.

Địa hình núi đá cao, nguồn thức ăn dồi dào chính là điều kiện thuận lợi để nuôi dê núi (dê dé bản địa) đạt chất lượng cao. Tận dụng lợi thế này, HTX chăn nuôi dê Ninh Bình (hoạt động trên địa bàn xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư) đã áp dụng đồng bộ quy trình, kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, cho chuỗi giá trị sản phẩm với số lượng mỗi ngày lên tới 200 kg sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân có cơ hội thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình cũng đã chuyển giao mô hình nuôi dê sinh sản bằng cách hỗ trợ các hộ chăn nuôi dê cái và dê đực Bore (hoặc dê Bách Thảo), tạo ra được đàn dê lai mang những tính trạng tốt nhất của giống dê bản địa và dê ngoại.

Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, cho biết: Đây là hướng đi nâng cao thu nhập bền vững cho người chăn nuôi, đồng thời đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng thịt dê trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận, góp phần bảo vệ và phát triển đàn dê hiện có.

Nhờ có con giống tốt, lại chăm sóc đúng kỹ thuật nên dê nhanh lớn, khối lượng cơ thể cao hơn hẳn dê địa phương (dê cái trưởng thành khoảng 30 - 35 kg/con, dê đực khoảng 50 kg/con, trong khi dê địa phương khoảng 25 - 27 kg/con cái và 30 - 35 kg/con đực).

Không chỉ nuôi dê lấy thịt, đàn dê lấy sữa cũng đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, Công ty cổ phần Giống vật nuôi và cây trồng Đồng Giao đã hoàn thiện công nghệ chọn tạo giống; công nghệ nuôi dưỡng dê hậu bị; công nghệ chăm sóc dê lấy sữa; công nghệ khai thác chế biến bảo quản sữa dê công nghiệp; đào tạo tiếp nhận quy trình công nghệ.

Xây dựng các mô hình chọn tạo giống dê sữa; xây dựng mô hình nuôi dê lấy sữa; xây dựng mô hình khai thác và chế biến sữa dê công nghiệp.

Tại đây đang nuôi trên 1 nghìn con dê, trong đó có vài trăm con dê lấy sữa theo công nghệ Nhật Bản, thức ăn được phối trộn bao gồm cao lương và nhiều loại dược liệu, sau đó ủ chua vì vậy chất lượng sữa cũng như thịt dê đều tốt, thơm, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chú trọng phát triển chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học

Tại buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT với UBND tỉnh Ninh Bình vừa qua, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định: “So với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, quy mô chăn nuôi của tỉnh Ninh Bình chỉ ở mức trung bình, nhưng có tính đặc thù là chăn nuôi rất đa dạng với tất cả các vật nuôi, nhất là gia súc ăn cỏ (dê, thỏ)”.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu làm việc tại Ninh Bình ngày 29/8/2020. Ảnh: Minh Phúc.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu làm việc tại Ninh Bình ngày 29/8/2020. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều sản phẩm chăn nuôi đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý và thương hiệu, bởi vậy đã nói đến dê thì phải nói đến Ninh Bình. Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chính sách rất hữu ích để giúp nông dân phát triển chăn nuôi, điển hình là chính sách hỗ trợ sind hóa đàn bò.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, về một số định hướng, Ninh Bình cần tiếp tục phát triển đa dạng chăn nuôi, không quá nặng chăn nuôi quy mô lớn nhưng phải tập trung theo hướng chăn nuôi loài đặc hữu, đặc sản, gắn với du lịch.

Ngoài dê, thỏ, một số huyện như Gia Viễn, Nho Quan và Yên Mô có lợi thế phát triển chăn nuôi bò vỗ béo. Đây là hướng đi hiệu quả, bởi một con bò trong thời kỳ vỗ béo có thể tăng trọng lượng từ 1,5 đến 1,9kg/ngày. Chúng ta có thể chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, hoặc tận dụng vỏ dứa từ các nông trường để làm thức ăn cho bò rất nhiệu quả.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng mặc dù Ninh Bình có nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên bà con vẫn phát triển theo kiểu tự phát. Do đó, thời gian tới, hệ thống khuyến nông cần lựa chọn các gói kỹ thuật phù hợp liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để chuyển giao cho bà con.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của đia phương thông qua chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), nhất là các sản phẩm OCOP được gắn chứng nhận “5 sao”.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, chia sẻ: Có thời điểm, chúng tôi rất băn khoăn về định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương, đó là sản xuất hàng hóa quy mô lớn hay tập trung theo hướng đặc sản, đặc hữu, đặc trưng?

Rất mừng là ngày 31/7/2020, khi làm việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường định hướng Ninh Bình cần phát triển nền nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Nội dung này chúng tôi đã đưa vào dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2025.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, muốn phát triển nông nghiệp, nhất định phải thu hút doanh nghiệp đầu tư và dẫn dắt chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh phát triển chăn nuôi các loài đặc hữu, đặc sản, tỉnh Ninh Bình cần có cơ chế khuyến khích chăn nuôi quy mô công nghiệp để tạo ra sản phẩm vừa năng suất, vừa chất lượng, ví dụ như gà siêu trứng, vịt siêu thịt.

Đồng thời, phải ứng dụng mô hình nông nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp tuần hoàn gắn với chế biến thì mới nâng hiệu quả kinh tế được.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm