| Hotline: 0983.970.780

Con rối của DN TĂCN

Thứ Năm 05/08/2010 , 12:30 (GMT+7)

Người chăn nuôi không thể thấy giá TĂCN cao quá thì...nghỉ nuôi dăm ba hôm để phản đối DN chế biến giống như công nhân thấy lương thấp thì nghỉ làm bãi công...

Nói về vị thế và tình cảnh của người chăn nuôi giai đoạn hiện nay, ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam ví von rằng, họ giống như những con rối mà các DN TĂCN muốn giật dây lúc nào cũng được. Trong khi đó, “bà đỡ” duy nhất có thể giúp được họ là cơ quan quản lí nhà nước thì tiếng nói của họ kêu mãi không thấu.

>> Chăn nuôi khốn khó tứ bề
>> Muốn tự SX thức ăn, nhưng khó

“Người chăn nuôi không thể thấy giá TĂCN cao quá thì...nghỉ nuôi dăm ba hôm để phản đối DN chế biến giống như công nhân thấy lương thấp thì nghỉ làm bãi công. Vì vậy họ không có cách nào khác là lại phải chấp nhận giá mà DN TĂCN đề ra” – ông Trần Công Xuân.

Những tưởng, với tình hình dịch cúm gia cầm yên ắng cả năm nay, người chăn nuôi gia cầm sẽ khấm khá hơn người nuôi lợn. Thế nhưng theo như ông Xuân tiết lộ thì dù dịch dã tạm lắng cũng không làm cho ngành chăn nuôi gia cầm sáng sủa hơn. Dự báo năm nay, nếu cố gắng phấn đấu thì mức tăng trưởng chăn nuôi gia cầm dự báo chỉ đạt cao nhất 7-9% (so với mức tăng trưởng năm 2009, trong điều kiện dịch CGC ảnh hưởng mạnh vẫn đạt trên 13%). Nguyên nhân của sự sụt giảm nghiêm trọng này, theo ông Xuân chủ yếu là do giá TĂCN vẫn tăng cao nhưng giá thịt gia cầm nhiều loại thì vẫn giảm mạnh. Cụ thể từ tháng 3/2010 đến nay, giá thức ăn đã tăng thêm ít nhất 500 đồng/kg. Tới thời điểm này, giá thức ăn cho gà thịt đã đội lên mức 9 - 9.200đ/kg.

Trong khi đó, giá thịt gà công nghiệp nhiều loại đến nay chỉ còn 23-24 nghìn đồng/kg, giảm từ 2-3 nghìn đồng/kg so với thời điểm trước tháng 3 năm 2010. Với tình hình đó, ông Xuân cho rằng người chăn nuôi hiện nay sẽ luôn phải chạy theo sự giật dây của các DN chế biến TĂCN, khi mà giá của mặt hàng này đến nay vẫn do vài đại gia TĂCN nâng lên hạ xuống dễ như trở bàn tay.

Có cách nào giúp người chăn nuôi thoát khỏi sự lệ thuộc này không thưa ông?

Báo NNVN phản ánh hướng đi của những trang trại chăn nuôi lớn muốn tự làm TĂCN tôi rất tâm đắc. Về phía Hiệp hội, tôi cũng đã nói tới xu hướng tất yếu này từ lâu rồi. Bởi tôi làm trong ngành TĂCN mấy chục năm tôi biết rõ họ lãi như múc nước. Đến “anh” DN cỡ nhỏ cũng lãi cả chục tỉ đồng mỗi năm chứ chẳng bao giờ lỗ như họ rêu rao. Ở nhiều nước chăn nuôi phát triển, chủ trang trại đều chủ động được TĂCN, chứ không bị lệ thuộc và chạy theo giá TĂCN của DN chế biến như con rối giống người chăn nuôi Việt Nam.

Tuy nhiên, để làm được điều đó là rất khó vì người chăn nuôi nước ta thiếu vốn, và thiếu kỹ thuật trong SX TĂCN...Vì vậy, cách duy nhất để quản lí giá TĂCN sát với biến động giá đầu ra của sản phẩm chăn nuôi nhằm giúp người chăn nuôi có lãi ổn định chỉ có nhà nước mới làm được. Tuy nhiên, vai trò “bà đỡ” của cơ quan quản lí lại hình như chưa làm nổi, khiến giá TĂCN vẫn gần như bị thả lỏng.

Ở các nước, người chăn nuôi tự làm TĂCN bằng cách nào thưa ông?

Các ông chủ chăn nuôi lớn thường góp vốn với nhau theo kiểu thành lập một Cty cổ phần để thành lập một NMSX TĂCN và tự phục vụ cho trang trại của họ. Đương nhiên, về công nghệ SX TĂCN thì họ có đủ trình độ tiên tiến để SX thức ăn đủ sức cạnh so với các DN chế biến thương mại. Nguồn lợi nhuận thu được từ chăn nuôi, họ sẽ tự trích ra để tái đầu tư cho NM chế biến thức ăn. Vì vậy, không chỉ nông dân cũng được lợi khi bán nguyên liệu TĂCN cho họ với giá cao, mà họ cũng chủ động giá đầu vào và đầu ra trong chăn nuôi nên không phải phụ thuộc vào DN chế biến TĂCN.

Với những trang trại không đủ sức tự làm được TĂCN, thì cũng không đến nỗi phải chạy theo sự tăng giá bấp bênh như ở Việt Nam vì nhà nước họ có cơ chế rất thuận lợi cho người chăn nuôi bớt rủi ro.

Cụ thể cách nhà nước quản lí thế nào, khác gì với nước ta không thưa ông?

Nhà nước có các công cụ và cơ chế ràng buộc, bắt DNSX TĂCN phải ký kết hợp đồng cam kết đảm bảo chất lượng, khung giá cả với các chủ trang trại trong quá trình cung ứng TĂCN trong một thời gian nhất định nào đó. Vì vậy, DN không thể tự tăng giá TĂCN liên tục, hoặc phải có sự đồng thuận của người chăn nuôi. Nếu không thì nhà nước sẽ can thiệp bắt bồi thường thiệt hại.

Nước ta cũng có quy định TĂCN là mặt hàng phải quản lí tăng giá. Nhưng hình như lâu nay cơ quan quản lí hoặc chưa theo sát, hoặc chưa đủ khả năng quản lí nên giá TĂCN gần như bị thả nổi.

Có ý kiến cho rằng, các Hiệp hội Chăn nuôi ở Việt Nam, trong đó có Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm của ông không bảo vệ được người chăn nuôi trong việc thương lượng giữ giá TĂCN?

Ở nước ngoài, các Hiệp hội ngành nghề nông nghiệp có vai trò và tiếng nói rất có trọng lượng trong việc bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi. Họ được nhà nước giúp đỡ cả kinh phí và cơ chế quyền lợi. Ở Việt Nam, trong khi ngành chế biến TĂCN có một hiệp hội rất mạnh và quyền lực thì người chăn nuôi gần như...chẳng có hiệp hội nào. Chỉ mỗi Hội Chăn nuôi gia súc lớn thì không hoạt động gì. Còn Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm chúng tôi thì hoạt động lay lắt nói cũng chẳng ai nghe. Ngay như kinh phí hoạt động của hội cũng chẳng được hỗ trợ xu nào, mà nói thật Hiệp hội có những 250 hội viên mà cả năm nay có mấy ai đóng hội phí đâu? Vì nuôi là lỗ thì lấy gì đóng?

Xem thêm
10 năm không được áp thuế GTGT, doanh nghiệp phân bón 'thiệt đơn thiệt kép'

Việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT kéo dài từ 2015 khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước thiệt hại lớn, giá thành tăng, lợi nhuận giảm, vị thế cạnh tranh yếu.

Nắng nóng kéo dài cộng mùa vụ liên tục, cây lúa đối mặt nhiều bất lợi

Plastimula 1SL là giải pháp hỗ trợ cây lúa vượt qua ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài trong giai đoạn đầu vụ hè thu.

Aquavina đồng hành cùng người nuôi tôm ĐBSCL

Aquavina đặt nền móng cho sự thành công của người nuôi tôm tại ĐBSCL bằng việc cung cấp các sản phẩm thuốc thú y thủy sản chất lượng cao.

Bình luận mới nhất