| Hotline: 0983.970.780

Cơn sốt bán vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu: Nhổ cây ăn trái, trồng... cột xi măng

Thứ Hai 28/06/2010 , 15:48 (GMT+7)

Tình trạng này đang diễn ra rầm rộ tại miệt vườn sinh thái Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) từng nổi danh một thời...

Biển bán đất treo khắp vườn Lái Thiêu
Tình trạng này đang diễn ra rầm rộ tại miệt vườn sinh thái Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) từng nổi danh một thời. Ở đây người ta không còn trồng thêm cây ăn trái mà ồ ạt phân lô, bán nền để trồng… cột xi măng!

Suốt dọc đường ĐT 745 chạy vào khu du lịch vườn sinh thái Lái Thiêu, chúng tôi bắt gặp nhan nhản các biển báo quảng cáo bán đất thổ cư, đất vườn đủ loại, với đủ kích cỡ. Đối lập với hình ảnh này là những vườn măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ…héo rũ, lụi tàn đập thẳng vào mắt người đi đường. Dò theo số máy 09….tại một biển quảng cáo bán đất, chúng tôi tiếp cận được một “cò” tên Huy. Lập tức chỉ 5 phút sau anh này xuất hiện và “nổ” banh trời về những miếng đất vườn “đắc địa” tại vùng đất Lái Thiêu chỉ cách TPHCM chưa đầy 20 cây số.

Khi được yêu cầu dắt đi xem mảnh đất còn vườn trái cây sinh thái, Huy đưa chúng tôi đến nhà chủ đất tên Linh (ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An) nằm ngay chính giữa vườn sinh thái Lái Thiêu. Huy đon đả cho biết: “Đất ở đây rộng chừng 1.000 m2, trong đó có 400 m2 thổ cư, còn đầy đủ vườn cây ăn trái, ao nuôi cá với giá bán 2,5 triệu đồng/m2”. Dù biết giá bán được đẩy “trên trời” nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ đến xem. Thật đúng như “cò” Huy nói, đất ở đây còn nguyên vườn măng cụt, sầu riêng và ao thả cá nhưng tuyệt nhiên không có một trái nào trên cây, ao cũng phẳng lặng như tờ! Biết ý, Huy rào trước: “Đất để xây dựng kinh doanh nên chẳng ai ngó ngàng chăm sóc. Nếu anh thích mua về cho ít phân, nước, thuốc tăng trưởng vào là nó lại ra đầy trái hà!”.

Do chủ nhà đi vắng, Huy tiếp tục đưa chúng tôi đến vườn cây khác tại ấp Bình Hoà, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An nằm cặp sát đường ĐT 745. Khi thấy khách đến mua, một phụ nữ tên Vân không giấu giếm nói: “Nếu anh mua để kinh doanh thì được chứ trồng cây trái chẳng ăn thua đâu”. Chỉ tay về phía bên kia đường nơi có một dãy nhà hàng, karaoke chị này tiếp: “Trước nó là vườn măng cụt, còn giờ thì họ phân lô bán hết rồi. Giá đất giờ vài triệu một mét vuông, anh bảo làm sao nông dân không đua nhau bán đất được chứ?!”.

Tiếp tục cùng một “cò” đất khác tên Minh đi khảo giá đất mới thấy tình trạng “băm nát” vườn cây để bán đất diễn ra ở tất cả các xã nằm trong khu miệt vườn Lái Thiêu gồm An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm, Lái Thiêu và Vĩnh Phú. Tại khu vườn du lịch sinh thái Thanh Vy (ấp Bình Hoà, xã Bình Nhâm), khách mới chỉ ngấp nghè ngoài cửa ngõ, lập tức có ngay hai thanh niên hộc tốc chạy tới chào mời hết sức nhiệt tình. Tưởng sẽ được hưởng chút trái cây đúng chất Lái Thiêu, ai dè chủ quán từ chối cho chúng tôi đi thăm vườn vì “mùa này trái cây ít lắm” (dù măng cụt đang bán nhan nhản khắp nơi)! Vậy là chúng tôi đành phải thưởng thức một loạt trái cây mà như lời bà chủ là măng cụt miền Tây, chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai), thậm chí bòn bon nhập của ông bạn nước…Thái Lan với giá “cắt cổ” cao hơn ngoài chợ 4 đến 5 lần!

Tương tự, vườn sinh thái của một ông chủ tên Thái gần đó cũng trong tình trạng héo rũ, không trái, cành trơ trụi, phía dưới là mấy tấm lều rách tả tơi dựng tạm bợ, vài bộ bàn ghế nhựa đen kịt để liêu xiêu khắp nơi. Giải thích cho tình trạng đìu hiu này, chủ vườn ca thán do nước thải của các NM, XN chảy về các kênh và sông Sài Gòn, cộng với hồ Dầu Tiếng năm nào cũng đưa nước về vài lần gây ngập lênh láng khiến nhà vườn có cố giữ cũng chẳng chịu nổi.

Bán đất vì không chịu nổi... khu công nghiệp?

Theo UBND huyện Thuận An, tình trạng này diễn ra kể từ ngày có các KCN đóng trên địa bàn có xu hướng “phình” rộng. Nguồn nước ô nhiễm từ KCN đã khiến năng suất vườn cây giảm mạnh, canh tác không hiệu quả khiến nông dân bỏ đất, bỏ vườn, nhiều người bán đất kinh doanh hoặc làm công nhân khiến tình trạng “sốt” đất liên tục diễn ra. Đặc biệt, khi vườn này bán (để đầu cơ) thì vườn kế bên cũng không thể tồn tại vì không thể đắp đê bao khiến triều cường thường xuyên tấn công và huỷ diệt tất cả các vườn trái cây.

Theo tìm hiểu của NNVN, thực ra cách đây khoảng 10 năm, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có quyết định phê duyệt, quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Khu du lịch vườn cây Lái Thiêu tại ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, huyện Thuận An với tổng số vốn dự toán 11,6 tỷ đồng. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh này cũng có ý tưởng xây dựng Đề án phục hồi vườn cây Lái Thiêu và cũng đã có dự tính tổ chức Lễ hội mùa trái chín tại đây. Tuy nhiên, tất cả các ý tưởng ấy vẫn chỉ nằm trên giấy. Và hậu quả là trên 1.320 ha vườn trái cây sinh thái Lái Thiêu nổi danh một thời đang ồ ạt bị nông dân bán đất cho người ta trồng… cột xi măng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất