| Hotline: 0983.970.780

Con thứ ba

Chủ Nhật 03/11/2019 , 10:20 (GMT+7)

Tiếng sụt sịt khiến Đức tỉnh giấc giữa đêm. Quờ tay sang bên cạnh, hơi ấm từ chỗ vợ nằm không còn. Thay vào đó là một khoảng không lặng ngắt.

Hình mang tính minh họa.

Lập gia đình khi cả hai xấp xỉ 30, Đức và Tuyền “sản xuất” trẻ con nhanh thuộc hàng số hiếm. Khi chị Chip chưa kịp cai sữa, Tuyền đã bầu lần thứ hai. Chưa đầy một tuổi rưỡi, Chip đi học. Đó cũng là lúc vợ chồng Đức đón cu Bon.

Bụng của Tuyền, vốn chưa hết bèo nhèo sau lần sinh nở đầu tiên, lại có thêm mấy vết rạn mới. Tặc lưỡi, thôi thì nhanh gọn hai năm hai đứa cho xong nhiệm vụ, Tuyền bỏ ngoài tai mọi dị nghị chốn công sở về chuyện bầu bí liên tục để gắng vun vén gia đình.

Đức cũng bỏ thói quen cầu lông sau giờ làm từ khi có cu Bon. Anh tranh thủ chạy Grab kiếm thêm thu nhập. Hôm nào cũng 9, 10h tối mới về nhà. Cuộc sống gia đình vất vả, nhưng nhờ bà nội và bà ngoại thay phiên trông cháu, khó khăn cũng dần lùi về sau.

Bon 2 tuổi, vừa đi nhà trẻ, Tuyền thấy như trút được gánh nặng. Cô xin về làm ở một công ty gần nhà để tiện đưa đón. Thu nhập thấp hơn một chút nhưng bù lại công việc đỡ áp lực.

Tuyền có thêm thời gian dành cho bản thân như hồi còn son rỗi: sáng dậy sớm tập yoga; chiều vừa nghe nhạc, vừa cơm nước và trông con. Cô thấy vừa lòng với cuộc sống hiện tại, định bụng là vài năm nữa tiết kiệm tiết mua nhà nữa là ổn.

Thế rồi một lần Đức đi đám cưới về muộn, cả hai không dùng biện pháp phòng vệ. Cầm chiếc que thử thai hằn hai vạch sắc nét, Tuyền bần thần cả tối. Mặc hai chị em Chip nghịch nước trong nhà tắm, cô chẳng buồn nhúc nhích. Nghĩ về những đêm lọ mọ bế con, nghĩ về những dị nghị ở công ty mới khi vừa vào làm đã bầu, nghĩ về những niềm vui tưởng chừng đã mất, vừa được khai quật lại, hai hàng nước mắt Tuyền chảy dài.

“Anh tính thế nào”, Tuyền hỏi sau khi thấy dậy và nói về cái thai trong bụng. “Còn như nào nữa, đẻ thôi”, Đức nói với vẻ bông đùa. “Thật?”, Tuyền vặn lại. “Không lẽ em nghĩ bỏ”, Đức vừa dụi mắt vừa như không tin vào tai mình.

Tuyền không trả lời. Cô im lặng ôm gối, ngồi dựa vào tường. Phải rất lâu sau, cô mới lên tiếng: “Anh biết đấy, em mới sang bên này. Nhà mình vừa ổn định được một chút. Giờ mà đẻ nữa thì lại mất vài năm bỉm sữa. Rồi còn chuyện mua nhà. Không lẽ nhà mình cứ mãi sống trọ ở khu tập thể này à”. Đức nghe, và thấy thật khó phản bác lời vợ. Là một người đi lên bằng hai bàn tay trắng, anh hiểu nếu thêm một đứa nữa, vất vả phải nhân đôi, chứ không phải gấp rưỡi bây giờ.

Đêm đó, hai vợ chồng gần như không ngủ. Sáng sau, Đức xin nghỉ buổi sáng để chở vợ đi khám. Kết quả thai 6 tuần, đã có noãn hoàng, và phát triển bình thường. “Nếu chị muốn giải quyết thì nên làm trước 3 tháng”, lời cô y tá dặn với như một nhát dao cứa vào lòng hai vợ chồng. Một suy nghĩ tăm tối từng vụt qua đầu họ, là giá như cái thai có vấn đề gì đó, đằng này…

Là con một, Đức vẫn hằng ao ước nhà có đông anh chị em để chơi đùa lúc nhỏ. Nhìn cu Bon lớn và chơi với chị, Đức như thấy mình được bù đắp những ngày tháng “thiệt thòi” thời thơ ấu. Anh nghĩ quanh, và thấy thật buồn cười, rằng hình như mình đang trở thành người thuyết phục vợ giữ lại đứa thứ ba - điều mà những cô gái trẻ người non dạ thường làm với người tình. Tặc lưỡi, Đức gọi cho mẹ vợ nhờ khuyên Tuyền giữ lại đứa bé. “Bố mẹ giờ già rồi, cũng không giúp được vợ chồng con. Quyết định là ở hai vợ chồng. Như nào bố mẹ cũng theo”, lời mẹ vợ càng khiến Đức thấy lạc lõng.

Tối đó, Đức không đi làm thêm như thường lệ. Anh lang thang lên Hàng Mã, và như thấy ánh mắt ngời sáng của Chip, của Bon khi nhận quà Trung thu. Anh đi dọc con đường quanh hồ Tây, nơi khi xưa hai vợ chồng hẹn hò, và nhớ lại câu chuyện “ngôi nhà và những đứa trẻ” thường kể với Tuyền. Gần 11h, Đức mới về. Tuyền chưa ngủ. Cơm canh vẫn còn trên bàn, nhưng Đức chẳng buồn ăn.

Lại một đêm nữa Đức ngập trong mộng mị. Anh thấy mình đang chạy theo một đứa trẻ nhưng không tài nào bắt kịp. Giật mình tỉnh giấc, Đức thấy Tuyền ngồi thu lu bên cạnh, tay ôm gối. “Em không ngủ được”, cô vừa nói, vừa lấy tay khẽ chấm nước mắt.

Tiếng kẽo kẹt của cánh cửa tủ làm Đức choàng tỉnh. Ngước mắt lên thấy Tuyền đang lôi túi quần áo cũ của Chip, Bon ra ướm. Thấy chồng dậy, cô khẽ cười: “Anh ra phụ em tìm quần áo cho con đi. May đợt trước mới chỉ cho một ít”. Như bừng tỉnh, Đức chạy lại ôm xiết vợ và thì thầm: “Anh sẽ bỏ thuốc để tiền mua sữa cho con”.

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm