| Hotline: 0983.970.780

Cơn xáo động trên chính trường Anh

Thứ Ba 18/12/2018 , 10:30 (GMT+7)

Sự bế tắc trong quá trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy chính trường Anh vào tình trạng bất ổn. Nước Anh thậm chí bị đặt trước khả năng có thể rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.

Không trưng cầu Brexit lần 2

AFP hôm qua cho biết, Thủ tướng Theresa May sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội, trong đó cảnh báo về những nguy cơ Anh có thể hứng chịu nếu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về việc rời EU (Brexit). Theo đó, bà May cảnh báo các nghị sĩ về những “thiệt hại không thể khắc phục” đối với nền chính trị nếu họ ủng hộ cho một cuộc trưng cầu dân ý mới, nhằm lật ngược kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. 

Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với sức ép từ nhiều phía liên quan thỏa thuận Brexit

“Chúng ta không thể phá vỡ niềm tin của nhân dân Anh bằng việc tìm cách mở một cuộc trưng cầu mới. Nó chỉ gây thiệt hại không thể khắc phục đối với sự toàn vẹn của nền chính trị Anh”- Thủ tướng Theresa May tuyên bố. 

Theo bà May, một cuộc trưng cầu dân ý mới sẽ là sự phản bội đối với niềm tin của hàng triệu người vào nền dân chủ Anh. Nó vì vậy sẽ khiến nước Anh chia rẽ hơn trong bối cảnh đang rất cần sự đoàn kết. 

AFP trong khi đó nói, bà May đang đứng trước áp lực thực sự của những yêu cầu tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về Brexit. Những người ủng hộ ý tưởng này cho rằng, phản ứng của Thủ tướng Anh là dấu hiệu cho thấy, đã có những suy nghĩ rất nghiêm túc về một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2. Nghị sĩ Margaret Beckett của Công đảng đối lập cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 có thể dẫn tới kết quả khác bởi “bây giờ chúng ta đã biết rõ hơn Brexit là cái gì”, theo AFP. Trong số những người ủng hộ tổ chức lại trưng cầu dân ý có cả cựu Thủ tướng John Major và Tony Blair. 
 

Chia tay không lời từ biệt?

Theo kế hoạch ban đầu, dự thảo về thỏa thuận Brexit với EU sẽ được Thủ tướng Theresa May đưa ra quốc hội để bỏ phiếu hôm 10/12 vừa qua. Tuy nhiên gần phút chót, bà May đã quyết định hủy kế hoạch này do lo ngại không nhận được đủ sự ủng hộ. 

Giới phân tích đánh giá, Thủ tướng Anh đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thỏa thuận với EU chỉ có thể thông qua nếu nhận được tối thiểu 320 phiếu ủng hộ. Tuy nhiên nhìn vào kết quả cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 12/12 do đảng Bảo thủ tiến hành, bà May khó lòng có thể giành chiến thắng. 

Theo kết quả bỏ phiếu, bà May chỉ nhận được 200 phiếu ủng hộ so với 117 phiếu chống. Dù “sống sót” nhưng kết quả trên của Thủ tướng Anh bị đánh giá là quá xấu. Khá nhiều nghị sĩ tuyên bố, với con số 117 phiếu chống (tương đương khoảng 37%), Thủ tướng Theresa May nên từ chức thay vì tiếp tục tại vị. Việc không thuyết phục được chính đảng của mình ủng hộ dự thảo Brexit là một thất bại, đẩy bà May vào tình cảnh khó khăn hơn. 

Theo Reuters, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ vốn không ủng hộ Brexit, một số khác thì phản đối thỏa thuận hiện nay do Chính phủ bà May đang đàm phán với EU. Trong khi đó, sau cuộc gặp gần nhất của Thủ tướng Theresa May với giới lãnh đạo EU, các vướng mắc then chốt giữa đôi bên gần như không được giải quyết. Lãnh đạo EU cảnh báo sẽ không có đàm phán lại, cho dù kết quả bỏ phiếu ở quốc hội Anh ra sao. 

Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên ngay từ lúc này, đã có những động thái chuẩn bị cho khả năng một cuộc chia tay giữa đôi bên xảy ra mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Hạ viện Pháp hôm 10/12 đã thông qua dự luật cho phép Chính phủ có quyền đưa ra những phản ứng trong trường hợp xảy ra Brexit không thỏa thuận. Những phân tích cho thấy, nước Anh khi đó có thể rơi vào tình cảnh hỗn loạn nặng nề về chính trị.

(Theo AFP, Reuters, Chinadaily)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.