| Hotline: 0983.970.780

Công an huyện Thanh Sơn vẫn lảng tránh

Thứ Ba 16/07/2019 , 08:35 (GMT+7)

Điều mà người dân cần làm sáng tỏ là vì sao 5,4 ha đất vừa đất công vừa đất của dân bỗng chuyển thành đất của ông Gia một cách trái pháp luật? Vì sao ông Gia lại được cấp sổ đỏ trái pháp luật? Vì sao hồ sơ cấp sổ đỏ cho ông bỗng nhiên biến mất?

Báo NNVN đã đăng bài: “Công an huyện Thanh Sơn bao che tham nhũng?”, phản ánh hai việc: Thứ nhất, từ năm 2005 đến năm 2012, dù điện lực huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) phát không công tơ và miễn tiền công lắp cho các hộ dân sử dụng điện, nhưng ông Đinh Việt Hùng, tổ trưởng tổ điện xã Tất Thắng, vẫn thu của dân mỗi hộ 510 ngàn đồng (trong đó 410 ngàn tiền công tơ và 100 ngàn đồng tiền công lắp), chưa kể nhiều hộ kinh doanh, SX phải nộp từ 1 - 3 triệu đồng.

Rất nhiều khuất tất trong bản kết luận của Công an huyện Thanh Sơn.

Việc làm của ông Hùng có dấu hiệu tham ô. Số tiền thu được rất lớn, ước tính cả trăm triệu. Nhưng khi bị phát giác, CA huyện Thanh Sơn chỉ thu hồi 42 triệu đồng. Số tiền đó được trả lại cho dân nhưng chỉ trả mỗi hộ non một nửa, còn lại không biết vào túi ai? Và ông Hùng không hề bị xử lí hình sự, chỉ bị Đảng ủy xã Tất Thắng khiển trách về mặt đảng.

Thứ hai, khu đất 5,4ha trong đó đất công 4,6ha và 0,8ha là đất của dân) năm 2016 bỗng biến thành đất của ông Đinh Xuân Gia rồi ngay sau đó ông Gia đã bán cho ông Phạm Lương Tâm mà không qua đấu giá, vi phạm quy định của luật đất đai năm 2013.

Sau khi báo đăng, CA huyện Thanh Sơn đã có công văn số 304/CAH (KT-MT) do Thượng tá Phạm Thế Anh, Phó Trưởng CA huyện ký, trả lời các công dân xã Tất Thắng. Theo CA huyện, thì theo quy định tại Luật Điện lực, các cá nhân, tổ chức lắp công tơ điện trước ngày 1/7/2005 đều phải trả tiền và công lắp công tơ. Như vậy, việc ông Hùng thu tiền là đúng?

Lập luận đó hoàn toàn sai. Ông Hùng thu tiền của dân là từ năm 2005 đến tận năm 2012, trong suốt 5 năm trời, chứ đâu phải thu từ trước ngày 1/7/2005, với số tiền rất lớn. Nếu ông Hùng thu đúng, thì căn cứ nào để CA huyện thu lại 42 triệu của ông ta, để rồi chỉ trả cho dân 1 nửa, nửa còn lại đến nay vẫn không biết vào túi ai?

Và thời gian đó không chỉ có xã Tất Thắng, mà cả một số xã khác như xã Thắng Sơn, xã Cự Đồng, người dân cũng mất tiền oan như vậy. Việc của cơ quan công an là phải điều tra đến cùng, thu hồi hết số tiền tham ô đó về để trả đủ cho dân, và khởi tố những kẻ tham nhũng để điều tra, xử lí, chứ không thể bao che như vậy.

Theo ông Đinh Ngọc Ánh (khu 4 xã Tất Thắng), người đứng đơn tố cáo, thì trả lời về việc tại sao không khởi tố, ông Nguyễn Văn Hải, đội phó đội CA kinh tế và ma túy, CA huyện Thanh Sơn, cho rằng việc làm của ông Hùng “đã hết thời hiệu”. Thật không tin nổi một câu trả lời rất vô trách nhiệm. Suốt từ năm 2013 đến nay, người dân liên tục có đơn tố cáo việc làm của ông Hùng. Đã xử lí đâu mà hết thời hiệu?

Việc thứ hai, CA huyện Thanh Sơn cho rằng việc chuyển nhựng đất đai giữa ông Đinh Xuân Gia và ông Phạm Lương Tâm là việc của hai hộ gia đình, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan CA. Điều đó là đúng. Nhưng điều mà người dân cần làm sáng tỏ là vì sao 5,4 ha đất vừa đất công vừa đất của dân bỗng chuyển thành đất của ông Gia một cách trái pháp luật? Vì sao ông Gia lại được cấp sổ đỏ trái pháp luật? Vì sao hồ sơ cấp sổ đỏ cho ông bỗng nhiên biến mất? Đó không phải là việc của công an thì là việc của ai?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.