Tiêu Quảng Trị được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ có giá trị thương mại cao hơn |
Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Quảng Trị cho biết hạt tiêu Quảng Trị là đặc sản nổi tiếng của Việt Nam từ thế kỷ XV. Nhà bác học Lê Quý Đôn từ thế kỷ 18 từng nhắc đến trong tác phẩm “Phủ Biên tạp lục” từ nhiều thế kỹ trước rất các thương gia nước ngoài đến Quảng Trị mua hạt tiêu mang về nước, xem tiêu như “vàng đen”của Quảng Trị. Hiện tại tiêu Quảng Trị có chất lượng nổi tiếng cả nước, hạt tiêu chắc, cay và thơm, dung trọng của loại tiêu đen trung bình cũng đạt 650 đến 700gam/lít, cao nhất nước. Khoa học chứng minh, hạt tiêu chứa một số khoáng chất rất quan trọng với cơ thể người như crom, canxi, đồng, sắt… và giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa; bên cạnh đó còn có hàm lượng vitamin K cao và nhiều loại vitamin khác giúp giảm tác hại của các gốc hóa học tự do trên cơ thể…
Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 2.300 ha tiêu, tập trung chủ yếu ở 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa, năng suất bình quân đạt 1 tấn tiêu khô/ha. Các địa phương đang phát triển vườn tiêu mới, dự kiến đến năm 2020 tỉnh sẽ có diện tích đạt 2.700 ha tiêu, đến năm 2025 đạt 3.000 ha, năng suất đạt 1,5 đến 2 tấn/ha. Đối với việc trồng hồ tiêu, nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh đang từng bước áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tuân thủ quy trình kỹ thuật, sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm . Xây dựng mối liên kết với Hiệp Hội Hồ tiêu Việt Nam nhằm thiết lập kênh thông tin thị trường về vật tư phân bón và sản phẩm hồ tiêu để giúp người dân chủ động hơn trong đầu tư sản xuất cũng như xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hồ tiêu ra thị trường trong và ngoài nước...
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị ( thứ hai, phải qua) trao chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý” tiêu Quảng Trị cho ông Trần Ngọc Lân, GĐ Sở KH-CN( thứ ba, phải qua) |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tỉnh ủy- HĐND- UBND xác định cây tiêu có vị trí quan trọng hàng đầu trong các loại cây chủ lực, truyền thống của tỉnh, nằm trong nhóm 6 cây, 2 con là những sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh.
Nhằm không ngừng nâng tầm cho đặc sản hạt tiêu, tỉnh đã đề nghị và nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Pháp để tiến hành xây dựng “chỉ dẫn địa lý”cho sản phẩm tiêu Quảng Trị. Ngoài việc chứng minh cho chất lượng sản phẩm cây tiêu của một vùng, việc làm trên còn có ý nghĩa lớn, khẳng định chất lượng của một trong những mặt hàng nông sản hàng đầu không những của Quảng Trị mà còn của Việt Nam trên thị trường trong nước và trên thế giới. Qua đó khuyến khích người dân ý thức hơn nữa trong sản xuất và quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng tiêu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu và hình thành các vùng cây đặc sản truyền thống có quy mô lớn.
Tỉnh Quảng Trị quyết tâm liên kết trồng tiêu sạch, xem đây là một hướng đi đúng, đảm bảo tính bền vững cho một sản phẩm đặc biệt. Mùa thu hoạch tiêu trước, Quảng Trị đã xuất trực tiếp sang thị trường Hoa Kỳ được 24 tấn tiêu khô với giá cao hơn nhiều so với bán cho các tư thương trong nước. Hiện Quảng Trị đang xuất hồ tiêu qua thị trường Hoa Kỳ và Pháp và được đối tác đánh giá cao.
Có 9 sản phẩm khác được trao nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tỉnh Quảng Trị”. |
Trước đó, tháng 7/2017, trong chương trình “Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ” được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, Đoàn Quảng Trị do ông Nguyễn Văn Hùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã mang theo một ít sản phẩm hạt tiêu của Quảng Trị để giới thiệu với các đối tác là tổ chức Roots of Peace và tập đoàn Noble House Spice. Bà HeiDi Kuhn, Giám đốc tổ chức Roots of Peace liền nếm thử mùi vị hạt tiêu và cho rằng đây là loại tiêu tốt nhất thế giới.
Nằm trong khuôn khổ buổi lễ, có 9 sản phẩm cũng là đặc sản của Quảng Trị được cấp nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gồm: nước mắm Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng); nước mắm Cửa Việt (Gio Linh); nước mắm Cồn Cỏ (huyện đảo Cồn Cỏ); cao dược liệu Định Sơn (Cam Lộ); khoai môn (Vĩnh Linh); rượu men lá Ba Nang (Đakrông); đậu đen xanh lòng (Triệu Phong); rau sạch (TP.Đông Hà) và chuối Tân Long (Hướng Hóa).