| Hotline: 0983.970.780

Công bố và lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng

Thứ Năm 16/09/2010 , 10:37 (GMT+7)

Từ ngày 15/9, các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng  chính thức được công bố rộng rãi, lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 15/9 đến ngày 31/10.

Việc công bố và lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giúp các cấp ủy Đảng nắm được tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Các dự thảo văn kiện gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

NNVN xin trích đăng một số nội dung dự thảo văn kiện liên quan đến phát triển KT-XH, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Trong dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH TƯ Đảng khóa X trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng với nội dung "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", tại phần III: "Đổi mới mô hình và tăng trưởng cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh CNH-HĐH, phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế"  dự thảo khẳng định mục tiêu: 

* Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn 

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới trên cơ sở tích tụ đất đai, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ hiện đại (nhất là công nghệ sinh học); bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng chuyên môn hóa, khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp sản xuất lớn. Thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ "bốn nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn. Phát triển các hiệp hội nông dân và các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động thiết thực, có hiệu quả. 

Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu. Giữ vững diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và tăng giá trị xuất khẩu gạo. Mở rộng diện tích, áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng các loại rau, màu, cây ăn quả, cây công nghiệp có lợi thế. Phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp với công nghệ tiên tiến. 

Phát triển lâm nghiệp toàn diện, bền vững, trong đó chú trọng cả rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; tăng diện tích trồng rừng và độ che phủ rừng trên cơ sở khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân có thể sống, làm giàu từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; hình thành các tổ hợp trồng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến lâm sản và phát triển các vùng rừng chuyên môn hóa đảm bảo đáp ứng ngày càng nhiều hơn nguyên liệu trong nước cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, giấy. 

Phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản đa dạng theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng gắn với thị trường; coi trọng hình thức nuôi công nghiệp, thâm canh là chủ yếu đối với cá nước ngọt, nước lợ và nước mặn; gắn nuôi trồng với chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ðẩy mạnh việc đánh bắt hải sản xa bờ với ứng dụng công nghệ cao trong các khâu tìm kiếm ngư trường, đánh bắt và hiện đại hóa các cơ sở chế biến thuỷ sản. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở dịch vụ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản. 

Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, có kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và các ngành nghề truyền thống có giá trị kinh tế cao. Thực hiện chương trình đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu nông dân hằng năm, xây dựng xong và sử dụng có hiệu quả trung tâm văn hóa ở tất cả các xã trên phạm vi cả nước. 

Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản bình quân 5 năm đạt 4,4 - 5,1%/năm. Tỷ trọng lao động nông - lâm - thuỷ sản năm 2015 chiếm 35 - 40% lao động xã hội. Thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8 - 2 lần so với năm 2010.

*Phát triển kinh tế - xã hội hài hoà giữa các vùng, đô thị và nông thôn 

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng theo quy hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng; đồng thời tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các vùng để các vùng đều phát triển, từng bước giảm bớt chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống dân cư giữa các vùng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế, lãnh thổ trọng điểm tạo động lực cho nền kinh tế. Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Ðối với vùng đồng bằng: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, hình thành và phát huy vai trò các trung tâm đô thị lớn và các khu công nghiệp, khu kinh tế. Sử dụng quỹ đất tiết kiệm, có hiệu quả cao trên cơ sở phát triển kinh tế theo chiều sâu, tận dụng chiều cao không gian. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh, các khu nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến, thị trường trong nước và xuất khẩu. Giãn bớt sự tập trung quá mức về công nghiệp và đô thị ở vùng đồng bằng sông Hồng; có biện pháp cụ thể để chủ động hạn chế những tác hại do nước biển dâng đối với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Ðối với vùng trung du, miền núi: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tận dụng cơ hội giao thương với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia và các vùng đồng bằng, ven biển; khai thác hợp lý, có hiệu quả tiềm năng thuỷ điện, khoáng sản, phát triển thuỷ lợi kết hợp với thuỷ điện; sử dụng hiệu quả đất nông, lâm nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung, rừng nguyên liệu giấy, gỗ và chăn nuôi đại gia súc. Tiếp tục giao đất, giao rừng, hỗ trợ lương thực để nhân dân trồng và bảo vệ rừng. Nâng cao dân trí, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; có chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, bộ đội, công an, nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, bảo vệ rừng và nguồn nước. 
Ðối với vùng ven biển, biển và hải đảo: Phát triển kinh tế ven biển, biển và hải đảo theo định hướng Chiến lược biển đến năm 2020. Xây dựng hợp lý hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị ven biển gắn với phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, khai thác, chế biến dầu khí, vận tải biển, du lịch biển. Phát triển mạnh kinh tế đảo, khai thác hải sản xa bờ gắn với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giữ vững chủ quyền vùng biển quốc gia. Ðẩy mạnh việc điều tra cơ bản đối với một số loại tài nguyên biển quan trọng.

Phát triển hài hoà giữa thành thị và nông thôn. Phát triển đô thị phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, theo quy hoạch dài hạn, không khép kín theo ranh giới hành chính và xử lý đúng mối quan hệ giữa đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn. Ðẩy mạnh việc đưa công nghiệp và dịch vụ về nông thôn để hạn chế tình trạng nông dân ra các thành phố, đồng thời, không để một khu vực lãnh thổ rộng lớn nào trống vắng đô thị. 

Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị và đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hình thành hệ thống đô thị vừa và nhỏ theo hướng phân bố hợp lý trên các vùng, khắc phục tình trạng tự phát trong phát triển đô thị. Xây dựng đô thị ven biển cần tính đến nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Hỗ trợ quy hoạch, xây dựng, tổ chức tốt hơn các điểm dân cư nông thôn theo hướng sạch, đẹp, văn minh.

(Trích dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH TƯ Đảng khóa X trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng)

Mọi đóng góp xin gửi về baonnvn@hn.vnn.vn

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất