| Hotline: 0983.970.780

Công chức "đi đầu" trong cản trở nhà báo

Thứ Ba 18/10/2011 , 09:30 (GMT+7)

Đây là kết quả sau 9 tháng tiến hành khảo sát trên 384 nhà báo đang công tác trực tiếp tại các cơ quan báo chí ba miền Bắc- Trung- Nam.

PV Anh Bình (báo Nông nghiệp Việt Nam), đại diện cho những nhà báo từng bị cản trở trong lúc tác nghiệp phát biểu tại hội thảo

Đó là kết quả công bố tại Hội thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu và đóng góp thực hiện khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển thuộc Liên hiệp Các hội khoa học- kỹ thuật VN tổ chức ngày hôm qua, 18/10.

Đây là kết quả sau 9 tháng tiến hành khảo sát trên 384 nhà báo đang công tác trực tiếp tại các cơ quan báo chí ba miền Bắc- Trung- Nam.

Công chức cũng “đầu gấu” (!?)

Có mặt tại Hội thảo, nhiều đại biểu mới vỡ lẽ: có ít nhất 12 hành vi thường xuyên cản trở nhà báo tác nghiệp. Đặc biệt từ trước đến nay, đối tượng “hành hung, cản trở” nhà báo tác nghiệp nhiều nhất là giới công chức đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tiếp theo là DN và đối tượng xã hội (lưu manh, côn đồ).

Trong kết quả nghiên cứu, có trên 80% nhà báo được hỏi cho biết từng bị cản trở trong thực tế; đa số nói lý do là không muốn nhà báo tiếp cận (hoặc công bố) thông tin. Trong số các đối tượng cản trở nhà báo, đứng đầu là nhóm cán bộ, nhân viên trong cơ quan Nhà nước.

Trong số nhiều nguyên nhân được nhắc tới ngoài lý do xuất phát từ kỹ năng, đạo đức nhà báo còn có lý do chế tài hành chính nêu trong Nghị định của Chính phủ không được áp dụng, chế tài hình sự mà cơ quan tư pháp áp dụng cho các vụ việc tấn công nhà báo không phù hợp.

 Theo ông Võ Minh Châu, PV báo Tiền Phong tại Hà Tĩnh thì việc hành hung là tất yếu bởi xã hội luôn tồn tại hai thế lực: thiện- ác. Từ kinh nghiệm sau 5 lần bị vây hãm, 1 lần bị đánh, ông Châu đóng góp: "Nếu tòa soạn thấu hiểu và quyết liệt bảo vệ thì anh em sẽ được nhờ. Tôi từng nói với anh em rằng, bây giờ sợ nhất là hình tượng bóng đen nấp sau những con dấu đỏ”.

Ông Võ Minh Châu nói tiếp: "Có một lực lượng đang tìm cách chiến đấu với nhân dân. Nhà báo lại bảo vệ nhân dân thì chắc chắn là có kẻ không ưa rồi. Nhưng tôi nghĩ, nếu như được cơ quan quản lý cao nhất ủng hộ thì không có đối tượng nào thắng được".

Là nạn nhân trực tiếp bị 8 tên côn đồ hành hung, PV Đặng Huỳnh Lộc, (báo Pháp luật TP.HCM) nhớ như in cái ngày anh bị thu giữ máy ảnh khi viết về vụ doanh nghiệp mua đất của nông dân ở Long An. Từ vụ này, anh Lộc đóng góp kinh nghiệm: "Trong khi chờ hành lang pháp lý, các PV nên tự bảo vệ mình bằng cách chịu khó đầu tư, sử dụng các thiết bị hiện đại, ít bị phát hiện".

Đại diện cho nhóm phóng viên miền Trung, PV Anh Bình (báo Nông nghiệp Việt Nam thường trú tại Hà Tĩnh) đã kể lại việc anh bị hành hung, vu khống ngay trước mặt cơ quan công quyền nhưng vụ việc sau đó cũng chìm vào im lặng. Hay một trường hợp khác, PV Anh Bình cùng đồng nghiệp đi điều tra tiêu cực, 3 ngày sau khi bài báo đăng lên, các anh nhận được cú điện thoại yêu cầu phải gỡ ngay bài xuống, nếu không sẽ bị “xử lý”. Khi yêu cầu này không được đáp ứng, đồng nghiệp của anh bị đã bị chém. 

Sau vụ việc mặc dù dư luận đã lên tiếng, rồi Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản đề nghị tích cực điều tra, làm rõ, tuy nhiên đến này vẫn không thấy cơ quan chức năng xử lý hay tìm ra đối tượng gây án. Hay gần đây nhất, PV Anh Bình cũng bị hai vị công an đến tận nhà “hỏi thăm” sau khi hoàn thành một bài điều tra về gỗ lậu chở về xuôi.

"Nên có một cơ chế dành cho phát ngôn để bảo vệ nhà báo. Chứ không chúng tôi sẽ trở nên bất lực khi dám đứng lên đấu tranh chống lại các tệ nạn xã hội" - PV Anh Bình đề nghị.

Cản trở sẽ là một tội

Theo thống kê của của Hội Nhà báo Việt Nam, từ 2006 đến hết quý 1 năm 2010, có 18 vụ cản trở, hành hung phóng viên, trong đó số vụ cản trở là 5, số vụ hành hung là 13,  nhưng chỉ có 4 vụ được khởi tố. Đáng chú ý là các vụ cản trở, hành hung xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp nhưng vẫn tấn công.

Đại diện cho nhóm chuyên gia, ông Trần Nhật Minh đề xuất, nên xây dựng một tội riêng về cản trở, hành hung PV khi tác nghiệp trên cơ sở giống như tội cản trở, chống người thi hành công vụ (bổ sung vào Bộ luật Hình sự).

Đồng thời xây dựng một thông tư hướng dẫn, làm rõ Nghị định 02/2011, do Bộ Thông tin - Truyền thông hoặc cơ quan chức năng tương đương ban hành làm rõ những hành vi cản trở nhà báo đã được nhận diện; nâng cao tính khả dụng của “đường dây nóng” và cơ chế phản hồi nhanh, mạnh mẽ trước những hành vi xâm phạm quyền tác nghiệp của nhà báo.

 Mặt khác, các nhà báo, toà soạn báo cũng được đề nghị có cơ chế tự trau dồi, nâng cao, chia sẻ các kỹ năng tác nghiệp, hỗ trợ bảo vệ nhau trước các hành vi cản trở báo chí. Cũng theo ông Minh, tất cả kiến nghị trên sẽ được gửi đến tất cả cơ quan quản lý truyền thông. Hy vọng đây sẽ là những quy phạm bảo vệ nhà báo được tác nghiệp an toàn hơn. 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất