Nhiều lãnh đạo TP Hà Nội và các đơn vị liên quan sẽ tham gia lễ khởi công.
Phố sách Hà Nội chuẩn bị khởi công
Phố sách 19/12 dài gần 200 m, nằm cạnh TAND TP Hà Nội, nối giữa hai phố Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt.
Theo đề án đã được phê duyệt, khi xây dựng phố sách ở phố 19/12, Hà Nội sẽ cân nhắc thiết kế các hộp sách gắn tường, đáp ứng các tiêu chí: Phù hợp với cảnh quan đô thị, có không gian văn hóa, diện tích dành cho độc giả.
Cũng theo đề án, phố sách Hà Nội sẽ hoạt động liên tục từ 8-22h hằng ngày với khoảng 20 gian hàng sách. Ngoài ra, phố cũng dành không gian để tổ chức các cuộc tọa đàm, giao lưu, giới thiệu sách. Dự kiến khai trương phố sách sẽ diễn ra vào vào Ngày sách Việt Nam 21/4/2017.
Trả lời câu hỏi về việc xác định tiêu chí chọn đơn vị tham gia phố sách để quản lý chặt chẽ nguồn cung, nội dung ấn phẩm được giới thiệu, bà Trần Thị Mai Dung, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản - Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cho biết các đơn vị tham gia phải là các nhà xuất bản, các công ty sách có thương hiệu, uy tín, xuất bản nhiều sách hay được bạn đọc quan tâm.
“Các đơn vị phải cam kết thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu ấn phẩm mới... tại phố sách. Họ phải bảo đảm được về mặt tài chính, bởi phương thức vận hành được thực hiện theo hướng xã hội hóa, ngân sách thành phố chỉ bảo đảm về cơ sở hạ tầng, các công trình chung. Khi chính thức đi vào hoạt động, sẽ có quy chế quản lý các hoạt động tại phố sách Hà Nội", bà Dung nói.
Việc thành phố Hà Nội chọn phố 19/12 làm phố sách, ông Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Tôi từng gửi thư cho Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất một số vấn đề mà chủ yếu là văn hoá. Trong đó, tôi có nói tới việc biến phố 19/12 thành một phố sách”.
Theo ông Dương Trung Quốc, đây là con phố có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, gắn với lịch sử ngày Toàn quốc kháng chiến. Trước đó, con phố này đã là nơi kinh doanh sầm uất với tên gọi trong dân gian là chợ Âm phủ. Từng có ý kiến đề xuất việc xây dựng trung tâm thương mại trên con phố này nhưng đã không được sự ủng hộ của dư luận. Song từ khi trở thành phố 19/12, ở đây hoàn toàn chỉ thực hiện chức năng một điểm trông giữ xe.
“Chính vì thế bây giờ biến con phố này thành phố sách là rất lý tưởng”, ông Dương Trung Quốc bình luận.
GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam, vui mừng trước sự kiện Hà Nội có phố sách 19/12. Ông nói rằng cá nhân mình dù được tặng nhiều sách nhưng ông vẫn thích tự mình đi mua sách ngoài phố để được hòa mình vào không khí của chung mọi người. Các cửa hàng sách trên phố Đinh Lê, phố Nguyễn Xí là điểm ông thường xuyên dừng chân.
GS.TS Đỗ Quang Hưng cho rằng: “Phố sách 19/12 tạo thêm một điểm văn hóa cho người dân thủ đô trong khi chúng ta nói nhiều đến văn hóa đọc, đây là việc làm đáng khích lệ”.
Cũng từng có những ý kiến cho rằng việc xây dựng một phố sách mới ở phố 19/12 là không cần thiết mà chỉ cần nâng cấp hoàn thiện khu vực phố Nguyễn Xí và Đinh Lễ, vốn đã quen thuộc với người yêu sách ở thủ đô, để trở thành phố sách, song phố sách không phải chỉ là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán sách mà còn phải là nơi tổ chức sinh hoạt, hội thảo, trưng bày về sách, nơi trao đổi tiếp xúc giữa tác giả và công chúng.
Vì thế, ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng việc có một đường sách cố định ở thủ đô Hà Nội không chỉ mang mục đích kinh doanh mà có ý nghĩa văn hóa to lớn. Phố sách, ngoài mục đích kinh doanh, mua bán thông thường còn là nơi giao lưu - trao đổi giữa những người làm sách với nhau và những người làm sách - tác giả với công chúng - độc giả.
Vị Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhấn mạnh: “Ở đường sách, tất cả mọi người đều có cơ hội trao đổi tâm tư, tình cảm, ý kiến của mình về sách, về xuất bản. Các tác giả, đơn vị xuất bản có thể chọn đường sách để giới thiệu tác phẩm đến với công chúng. Ngược lại, công chúng cũng có thể coi đây là không gian để tìm hiểu về quy trình xuất bản, về tác phẩm. Mức tác động và ảnh hưởng của đường sách đối với xã hội và người dân là rất lớn”.
Các hoạt động chính sẽ diễn ra tại phố sách Hoạt động phát hành sách và văn hóa phẩm (sách: 85 - 90%; văn hóa phẩm: 10 - 15%), đảm bảo cung cấp đầy đủ các thể loại sách phục vụ bạn đọc: Sách thiếu nhi, văn học, văn hóa xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số… Hoạt động phát triển văn hóa đọc: Các cuộc giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách, ký tặng sách... sẽ được tổ chức thường xuyên hoặc vào những ngày cuối tuần, những ngày lễ (tại quảng trường tổ chức sự kiện hoặc tại các gian hàng sách). Triển lãm sách theo chuyên đề gắn với những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn (ngày Sách Việt Nam, ngày Sách và bản quyền thế giới, ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày Quốc tế Phụ nữ, khai giảng năm học mới...). Xây dựng mô hình Cây Sách công cộng để bạn đọc có thể tự trao đổi sách; phủ sóng Wifi để giới thiệu, quảng bá cho các hoạt động tại phố sách và hỗ trợ cho hoạt động phát hành sách điện tử. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp với không gian của phố sách. |