| Hotline: 0983.970.780

Công dân số một trên đảo

Thứ Ba 23/10/2012 , 11:51 (GMT+7)

Vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển - Nguyễn Thị Cảnh, những công dân số một ở đảo Trần, có quê gốc huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

Đến bây giờ mạng Bách khoa toàn thư mở Wikipedia vẫn còn ghi thế này: “Đảo Trần ở khơi xa, nằm về phía Nam của đảo Vĩnh Thực và phía Đông Bắc của quần đảo Cô Tô. Trên đảo có hải đăng cao 18m. Đảo không có dân địa phương, cư dân duy nhất trên đảo là bộ đội hải quân và biên phòng thuộc Đồn 6” về hòn đảo rộng khoảng 4km2, lúp xúp cây bụi và lốc nhốc đá cằn. Cái chỉ dẫn đó đã lỗi thời khi cách đây sáu năm, lịch sử đảo Trần sang trang mới khi đón hộ dân đầu tiên lên lập nghiệp.

>> Thẳm xa đảo Trần

1. Vợ chồng anh Hoàng Văn Hiển - Nguyễn Thị Cảnh, những công dân số một ở đảo Trần, có quê gốc huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Trước đó, chị Cảnh từng lênh đênh theo bố mẹ chèo thuyền ra đảo bán hàng tạp hóa. Các anh bộ đội trên đảo gợi ý rằng nếu vợ chồng chị trong đất liền làm ăn khó khăn thì ra đảo mà sống. Ngỡ một câu nói bông đùa nào ngờ đâu năm 2006, để lại đứa con đầu 4 tuổi ở nhà cho ông bà ngoại, vợ chồng chị khăn gói ra đảo với đôi bàn tay trắng.

Vốn chẳng có một xu, lúc đầu chị Cảnh lấy chịu hàng của mẹ để bán, phần lời dành dụm, gốc trả lần hồi còn anh đi câu quanh đảo trên một chiếc thuyền thúng ọp ẹp. Họ vào rừng đốn gỗ, dựng một ngôi nhà vách thưng bằng cót ép, mái thấp lè tè ở vụng Tây nơi mùa đông luôn thét gào gió bấc. Ngày làm, tối đốt đèn măng sông mà nghe côn trùng rỉ rả, lắm buổi hổ mang bò vào tận gầm giường.

Đất đảo khô cằn, chị Cảnh phạt cỏ trồng keo, 5-6 năm nó vẫn chỉ cao chừng 2m. Đất đảo khô cằn, rau cải chị cắm xuống, tưới tắm mãi cũng chỉ ngẳng rồi già đi. Những tháng mùa khô, đảo nồng khê vị muối. Những tháng mùa khô, dậy từ ba bốn giờ sáng, chị đi xuyên đảo tìm giếng bộ đội chắt từng ca từ vũng nước còn nhỏ hơn cái chậu rửa mặt về lắng cặn mà ăn. Những tháng mùa khô, vợ chồng chị toàn phải tắm nước mặn rồi chia nhau ca nước ngọt hiếm hoi chưa đủ để tráng ướt người.



Gia đình đầu tiên trên đảo

Năm 2008, anh chị xây nhà. Họ vớt cát biển để đóng 3.000 viên gạch. Đóng gạch bằng cát biển thật kỳ công, phải chờ mưa rào mấy lượt xối cho nhạt muối, cát ấy mới tạm dùng được. Chửa vượt mặt đứa con thứ hai, chị Cảnh vẫn sấp ngửa tối ngày dưới bãi nhặt sỏi, xúc cát. Ơn giời, lộc đảo, bảy năm ở Trần họ không phải chịu một trận ốm đau nặng bao giờ.

Đảo xa, hai ba tháng chị mới về quê nhìn thấy mặt con một buổi. Nỗi nhớ nhà vùi lấp vào vô vàn công việc. Nỗi nhớ con như những đợt sóng cồn quanh năm, suốt tháng dồn vào vụng Tây. Sóng xô bờ sóng tan còn nỗi nhớ càng ghìm càng duềnh lên như con nước.

2. Hoàng Nguyễn Việt Anh đứa con thứ hai sinh trên đất liền, 40 ngày, còn đỏ hỏn, khóc oe oe đã theo mẹ dong thuyền ra đảo. Thằng bé khó nuôi, một ông thầy phải đặt cho nó cái tên là Phú để xua hết điềm gở.

Phú cũng là ước mơ làm giàu cháy bỏng của anh chị. Nắng gió đảo xa dũa rèn, cu cậu ngày càng rắn rỏi. Nó tròn trùng trục, đen lẳn như khúc gỗ lim, mối mọt khó mà xông được. Cảm hay ốm cũng chỉ lá ngải, lá trầu, củ địa liền giã nhỏ là cu cậu khỏi ngay không mấy khi phải đụng đến một viên thuốc tây, một liều kháng sinh. Thằng bé được các chú bộ đội trên Trần nhận đỡ đầu, là đứa con chung của cả đảo. Quý đến nỗi họ hứa sẽ giúp đỡ, hướng nghiệp cho nó vào lực lượng biên phòng. Đứa con chung ấy quện hơi bộ đội.

Thấy các chú chào điều lệnh nó cũng bắt chước giơ bàn tay xiu xíu lên đầu. Nom cảnh đó ai cũng phải bật cười nắc nẻ. Thấy các chú trườn bò tập bắn cu cậu cũng tự tìm cho mình một cái cành cây có cái chạc giả làm súng, lom khom người, miệng kêu “pằng pằng” không ngớt. Đồ chơi của Phú chỉ nghèo nàn hai thứ là quả bóng với khẩu súng giả mà nó chơi cả ngày, cả tháng không biết chán. Lúc thằng bé vào bờ một tuần thăm ông bà, một góc đảo bặt im tiếng con thơ. Các chú nhớ, các chú mong, các chú vơ vẩn qua nhà hỏi thăm mãi. Khi nó về, tiếng cười cũng về theo, giòn tan, ấm sáng cả Trần. Mới đây, chị Cảnh mải đi làm, thằng Phú trèo lên vách núi chơi trò trốn tìm bị ngã rách đầu. Sáng vào quân y băng bó chiều nó lại ra đá bóng, hét hò ầm ầm.

Gia đình anh Hiển được sự bao bọc của tất cả các lực lượng đóng trên đảo. Tết, bé Phú túi quần túi áo đầy phồng kẹo, má lúc nào cũng đỏ ửng bồ quân vì các chú nhéo yêu. Tết, anh chị có bốn thứ quà của biên phòng, hải quân, hải đăng, bộ đội đỏ (bộ binh). Tết, mỗi ngày cả nhà đi ăn cỗ ở một đơn vị đến khi làm cỗ tại gia đã sang mồng bốn, mồng năm. Năm 2012, thương cho cảnh nhà cửa còn tạm bợ, biên phòng tỉnh Quảng Ninh quên góp được 80 triệu đồng giúp anh chị sửa sang. Chị Cảnh rưng rưng bảo nếu không có mái nhà bộ đội mới cho có lẽ cơn bão vừa qua đã kéo sập nhà bởi mái cũ mục ải hết. Bộ đội còn xây chuồng gà, chuồng lợn, tặng anh chị một đôi lợn con ùn ịt đòi cám luôn mồm.

Từ một hộ gia đình nòng cốt là Hiển-Cảnh, tỉnh Quảng Ninh đang có đề án vận động 10 hộ dân ra đảo để thành lập thôn Trần vào năm 2013. Những năm tiếp theo tỉnh sẽ vận động thêm 40 hộ ra để thành lập xã Trần. Nòng cốt của đội ngũ dân sự này sẽ là vợ con của những quân nhân đang chốt trạm trên đảo.

Lúc tôi ra thăm, anh Hiển đang ngụp lặn ngoài vụng Tây cùng mấy cậu lính trẻ nhặt đá hộc xây ụ cho tàu thuyền vào. Chị Cảnh tâm sự với tôi về hướng mở dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, số vốn để làm ụ đà, mua sơn, mua chổi, sắm máy móc ít nhất cũng phải 50 triệu… Tháng 9 vừa rồi chị đón nhận niềm vui được nhập khẩu vào xã Thanh Lân. Làm thủ tục chuyển khẩu mà không phải ra xã, chỉ gửi giấy tờ vào rồi giấy tờ lại được cán bộ gửi theo thuyền ra đảo nên chị thú thực đến giờ chưa hề biết đến cái cổng trụ sở UBND xã. Chuyện làm thủ tục vay vốn làm ăn tới đây cũng thế, cán bộ xã giúp hết, khi nào được chị chỉ việc vào mà ký là xong.

Sục xem từ chuồng lợn, chuồng gà, luống rau đến cả nhà xí, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lân Nguyễn Duy Phong bảo với cô Bí thư đoàn xã đi cùng bổ sung ngay gia đình anh chị vào danh sách hỗ trợ xây nhà vệ sinh đợt này. Cả buổi chiều lui cui, ngắm nghía từ âu tàu đến bãi vụng, anh Phong nhận xét ở đảo Trần hướng phát triển kinh tế không có gì thuận bằng nuôi trồng các loại hải sản như sá sùng, hải sâm, ốc biển. Chúng ăn ở tầng đáy nên không phải làm lồng bè, không sợ đầu sóng, ngọn gió đe dọa, giống vốn lại rẻ tiền, đầu tư kiểu vết dầu loang rất tiện.

3. Vợ chồng anh chị cứ nằng nặc đòi mổ gà đãi cơm, khi biết chúng tôi đã có hẹn dùng bữa với bộ đội, anh Hiển chạy với theo cố góp cho bằng được 3 cân mực tươi vừa đánh. Ngoái nhìn cảnh anh chị nô đùa cùng đứa con trên bãi biển đầy nắng gió, tôi chợt nghĩ mỗi tấc đất nơi đây đều thấm máu, mồ hôi của biết bao thế hệ tiền nhân và hiện tại. Khẳng định chủ quyền, biên cương của Tổ quốc nào đâu chỉ bằng pháo hạm, tàu to, máy bay siêu hiện đại mà còn bằng lý luận muôn đời chính nghĩa, dân là dân tôi, đất là đất tôi, nước là nước tôi.

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…