| Hotline: 0983.970.780

Công lý bất biến không nằm ở ai, mà nằm trong lòng thiên hạ

Thứ Ba 28/04/2020 , 15:04 (GMT+7)

Công lý cần nghiêm minh về luật, nhân ái về tình, trong sáng về đạo. Công lý soi chiếu theo một người, thì công lý sẽ khó thuyết phục muôn người.  

Các mẫu phác thảo do Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra. 

Các mẫu phác thảo do Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra. 

Tòa án Nhân dân Tối cao đang tổ chức lấy ý kiến của Tòa án Nhân dân các cấp về việc xây dựng biểu tượng công lý. Nhân vật được chọn lựa làm biểu tượng công lý là vua Lý Thái Tông. Địa điểm dự kiến đặt biểu tượng công lý là trụ sở các tòa án. Mục đích bồi đắp tư tưởng phụng sự cho ngành tòa án là đáng ủng hộ, nhưng kế hoạch triển khai lại hơi khiên cưỡng và nao núng.

Đại đa số quốc gia trên thế giới đều lấy Nữ Thần Công Lý (Lady of Justice) làm biểu tượng cho luật pháp. Dù xuất phát từ thần thoại La Mã, nhưng Nữ Thần Công Lý đã phổ cập sâu rộng khắp hành tinh và đã được mặc định cho tiêu chuẩn công bằng và lẽ phải. Việt Nam muốn có biểu tượng công lý cho riêng mình, giữa bối cảnh hội nhập quốc tế, là một ý tưởng đột phá dễ gây tranh cãi.

Vua Lý Thái Tông (1000-1054) trong giai đoạn trị vì đã ban hành bộ “Hình thư”, được xem là bộ luật thành văn chính thức đầu tiên của nước ta. Đồng thời, vua Lý Thái Tông chú trọng thiết lập hệ thống xử án bài bản và cổ súy lối sống khuôn phép. Từ nền tảng của vua Lý Thái Tông, vương triều nhà Lý có một vị Khai Hoàng Vương được truyền tụng về tài xử án phân minh chính trực. Sau này, Khai Hoàng Vương nối ngôi trở thành vua Lý Thánh Tông (1023-1072) được sử gia Ngô Sỹ Liên ca tụng: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm”.

Phẩm giá và công lao của vua Lý Thái Tông rất xứng đáng được truyền tụng. Thế nhưng, câu chuyện của vua Lý Thái Tông chỉ cần được giảng dạy ở các trường luật hoặc những buổi chuyên đề của ngành tòa án. Còn muốn vua Lý Thái Tông hiện diện như một biểu tượng công lý, hoàn toàn không đơn giản.

Biểu tượng vua Lý Thái Tông được Tòa án Nhân dân tối cao đưa ra phác thảo, có nét hao hao vua Lý Thái Tổ, chỉ thêm chi tiết cầm sách, cầm gươm hoặc cầm cái cân. Biểu tượng công lý không thể là người thật việc thật. Bởi lẽ, khái niệm công lý luôn cao hơn đời thường, và giới hạn công lý luôn mở rộng theo từng thời đại. Giá trị luật pháp hôm nay càng khác xa giá trị luật pháp phong kiến.

Sở dĩ nhân loại chấp nhận biểu tượng Nữ Thần Công Lý vì ba yếu tố có sức ảnh hưởng đến nhận thức của nhân loại, thứ nhất là tay phải cầm cái cân thể hiện cho sự rạch ròi đúng sai, thứ hai là tay trái cầm gương thể hiện sự uy nghiêm, thứ ba là tấm vải bịt mắt thể hiện công lý không phân biệt người nọ người kia và cũng không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.

Nếu chọn người thật việc thật để làm biểu tượng công lý, có lẽ Trung Quốc đã làm trước Việt Nam. Vì lịch sử Trung Quốc có nhân vật Bao Chửng sống ở thế kỷ thứ 7 dưới đời nhà Tống, nổi danh xử án như thần. Người Trung Quốc tôn thờ Bao Chửng là Bao Thanh Thiên, nhưng người Trung Quốc cũng nhận ra hạn chế của cái luật “do vua ban ra” mà Bao Thanh Thiên thi hành, dù có “thượng phương bảo kiếm” cũng thua “kim bài miễn tử”. Vì vậy, qua nhiều thế hệ có khát vọng vươn đến công lý đích thực, người Trung Quốc đã “sáng tạo” thêm cho Bao Thanh Thiên một vầng trăng khuyết ở giữa trán, nhằm nhìn thấu những điều ẩn khuất trong cái luật “do vua ban ra”.

Từ khi có ngành tòa án đến nay, chúng ta cũng đã trưng dụng Nữ Thần Công Lý làm biểu tượng. Bây giờ, thay thế bằng biểu tượng vua Lý Thái Tông thiết nghĩ cần cân nhắc kĩ lưỡng. Công lý bất biến không nằm ở ai, mà nằm trong lòng thiên hạ. Công lý tuân thủ ba nguyên tắc, về luật thì nghiêm minh, về tình thì nhân ái, về đạo thì trong sáng. Cho nên, công lý soi chiếu theo một người, thì công lý sẽ khó thuyết phục muôn người. 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất