| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ tưới nhỏ giọt cho hồ tiêu

Thứ Ba 30/12/2014 , 14:19 (GMT+7)

Hồ tiêu là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cần được chăm sóc và tưới nước hàng ngày. 

Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu đối với người trồng tiêu ở Tây Nguyên nói chung và ở Gia Lai nói riêng là nguồn nước và nhân công tưới nước.

Việc lựa chọn phương pháp, công nghệ và kỹ thuật tưới là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng hồ tiêu.

Thực trạng

Từ trước tới nay, để tưới cho tiêu, bà con nông dân trồng tiêu ở Gia Lai cũng như ở các tỉnh Tây Nguyên khác thường áp dụng biện pháp tưới thủ công truyền thống. Kỹ thuật này tương đối đơn giản, sử dụng vòi tưới bằng tay để tưới vào gốc tiêu đến khi đủ nước.

Phương pháp trên có ưu điểm là dễ sử dụng, quen thuộc với hầu hết bà con, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật và giá thành thường thấp. Tuy nhiên, nhược điểm chính của phương pháp này là tốn công chăm sóc (tưới, bón phân), sử dụng nhiều thuốc BVTV, nước, điện trong khi năng suất thường không ổn định.

Từ cuối năm 2009, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và được người quen giới thiệu về công nghệ tưới nhỏ giọt của Netafim, Israel, một số hộ trồng tiêu ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai bắt đầu tiếp cận và áp dụng công nghệ này.

Đây là công nghệ tưới có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là có thể gia tăng năng suất và chất lượng tiêu, giảm nhiều công chăm sóc và có thể kết hợp bón phân, bón thuốc.

Những kết quả đạt được bước đầu từ việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã cho thấy công nghệ này đem lại hiệu quả cao đối với người trồng tiêu.

Hiệu quả tưới nhỏ giọt

Anh Đặng Hùng Phong, một nông dân trồng tiêu ở thôn Ia Sâm, xã Ia-roang, huyện Chư Pưh (Gia Lai) là người đã sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cây hồ tiêu của mình được hơn 3 năm.

Với diện tích 2,2 ha, trước đây khi chưa áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt anh thu được trung bình 8 tấn tiêu/năm, sau khi áp dụng công nghệ này, năng suất hàng năm ổn định trung bình 12 tấn/năm (tăng 50%) tương đương năng suất tăng thêm 1,8 tấn/ha.

Về hiệu quả sử dụng nước, từ nguồn nước giếng khoan, với phương pháp tưới thủ công truyền thống, 4 ngày anh Phong mới tưới xong 1 ha. Đồng thời phải xoay vòng tưới liên tục hàng ngày. Lượng nước tưới trung bình 300 m3/ha/lần tưới, nửa cuối mùa khô thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt nước tưới do lưu lượng giếng không đủ để bơm tưới.

Chuyển sang áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mỗi lần tưới 4 giờ/ha, lưu lượng tưới 60 m3/ha, 2 ngày anh Phong mới tưới 1 lần, mỗi lần vận hành tưới tổng cộng 8 - 9 giờ.

Về bón phân, thuốc BVTV kết hợp với tưới, anh Phong cho biết theo kinh nghiệm của anh, trước đây tưới theo theo phương pháp truyền thống anh phải làm bồn để tưới và bón phân. Ẩm độ đất trong bồn lúc nào cũng cao do tưới nhiều nước trên 1 lần tưới trong mùa khô và mùa mưa nước đọng trong bồn không thoát nhanh được.

Cây tiêu có bộ rễ rất nhạy cảm với ẩm độ, ẩm độ cao là môi trường rất tốt cho nấm bệnh và sâu bệnh hại rễ tiêu phát triển.

Ngoài ra, hiệu quả sử dụng phân bón cũng rất hạn chế. Sau khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, anh Phong lên luống cho hàng tiêu, mùa mưa nước thoát rất nhanh giữ cho luống (hàng tiêu) ráo nước, mùa khô tưới duy trì ẩm độ vừa đủ trong tầng rễ tích cực sâu 30 - 50 cm.

Nhờ vậy thuốc BVTV anh sử dụng cũng giảm đi đáng kể. Nhận thấy rễ tơ (rễ tích cực) của cây tiêu tập trung dày đặc xung quanh ống tưới nhỏ giọt, anh Phong cũng pha loãng với nước và sử dụng qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

Khi áp dụng phương pháp tưới truyền thống trước đây anh Phong bỏ phân 6 lần/năm, khoảng 0,5 kg NPK tổng hợp/trụ tiêu/lần bón, tổng lượng phân bón 5 tấn/ha/năm.

Khi chuyển qua tưới phân hoà tan theo nước tưới, trong mùa khô anh Phong chia nhỏ lượng phân và tưới phân định kỳ theo nước tưới, trong mùa mưa anh kiểm tra thường xuyên ẩm độ đất và khi ẩm độ đất phù hợp để rễ cây ăn phân, anh bơm ngay một lượng phân hoà tan qua hệ thống tưới vào vùng rễ cây.

Lượng phân bón hòa tan sử dụng là 1,2 tấn/ha, tiết kiệm được hơn 40% chi phí phân bón trong khi năng suất tăng hơn 40% so với lúc chưa sử dụng tưới nhỏ giọt.

Anh Phong cho biết, trước kia trung bình một năm vườn tiêu của anh cho thu nhập khoảng gần 800 triệu đồng, tuy nhiên, từ ngày áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tổng thu nhập từ vườn tiêu của anh đã tăng thêm hơn 550 triệu đồng.

Hệ thống tưới nhỏ giọt cho 1 ha

Theo các chuyên gia của Netafim tại Việt Nam, nguồn năng lượng để tưới nhỏ giọt có thể sử dụng điện 1 pha hoặc máy bơm động cơ diesel và cấu tạo của hệ thống tưới nhỏ giọt ứng dụng cho cây hồ tiêu bao gồm:

- Trạm bơm và thiết bị đầu nối: Bao gồm 7 bộ phận chính là máy bơm điện 1 pha công suất 15 m3/giờ tại cột áp 25 m, lọc đĩa 2 inch (khoảng 5 cm), hệ thống châm phân bón, đồng hồ đo lưu lượng nước 2 inch, đồng hồ đo áp lực 0 - 6 bar, van xả khí 1 inch và các phụ kiện lắp đặt hoàn chỉnh bộ điều khiển trung tâm;

- Hệ thống ống chính và ống nhánh: Đường ống chính và ống nhánh sử dụng là loại ống nhựa PVC chịu áp lực 9 bar, dùng keo chuyên dụng để kết nối. Đường ống chính PVC 60 mm. Đường ống nhánh PVC 42 mm. Đường ống chính và ống nhánh khi lắp đặt được chôn sâu 50 cm. Các phụ kiện đường ống và đầu nối các loại được cung cấp đầy đủ để hoàn chỉnh lắp đặt theo thiết kế.

- Hệ thống van khu vực: Sử dụng van điều áp có chức năng điều chỉnh áp lực nước, kết nối với van đóng mở bằng tay. Cụm van khu vực sẽ được lắp đặt nổi trên mặt đất 30 - 50 cm.

- Hệ thống mạng nhỏ giọt: Sử dụng dây nhỏ giọt Dripnet PC 16150 có độ dày 0,38 mm, áp lực hoạt động từ 0,4 - 1,8 bar, tức là dao động trong độ cao từ 4 - 18 m lưu lượng của từng đầu nhỏ giọt vẫn bằng nhau là 1,0 l/giờ.

Đối với nhiều bà con nông dân, nhất là đối với những hộ còn nghèo, chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới nhỏ giọt còn lớn so với thu nhập trong khi thông tin hỗ trợ kỹ thuật đối với bà con còn rất hạn chế.
Do đó, rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cũng như cần phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến kỹ thuật để tăng cao nhận thức của bà con để họ có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng rộng rãi công nghệ tưới nhỏ giọt.

Đầu nhỏ giọt Dripnet PC có khả năng tự làm sạch và chống rễ cây đi vào, phù hợp để sử dụng trong điều kiện địa hình đồi dốc và chôn ống nhỏ giọt dưới đất. Với khoảng cách lỗ nhỏ giọt 0,4 m và lưu lượng 1,0 lít/giờ, dây nhỏ giọt Dripnet PC 16150 có thể chạy dài tối đa 200 m và độ dốc 30 m mà vẫn đảm bảo độ đồng đều trên 94%.

Tính trung bình cho mật độ trồng tiêu hàng cách hàng là 2,2 m, cây cách cây là 2,2 m.

Trên mỗi hàng tiêu lắp song song 1 hàng dây nhỏ giọt cạnh hàng tiêu. Trên ống nhánh PVC khoan lỗ gắn đầu nối khởi thuỷ có gioăng cao su để nối vào một đoạn ống PE 16 mm dẫn nước từ ống nhánh nằm dưới đất lên trên đầu luống sau đó sẽ được gắn đầu nối đưa ra ống nhỏ giọt chạy dọc hàng tiêu.

Đầu nối cho dây nhỏ giọt: Dây nhỏ giọt được nối với ống nhánh qua ống PE 16 mm và các đầu nối chuyên dụng.

Lời kết

Gia Lai là tỉnh có diện tích và sản lượng hồ tiêu phát triển rất nhanh trong vài năm gần đây và là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất khu vực Tây Nguyên.

Diện tích hồ tiêu đầu tiên tập trung tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh và hiện nay đã phát triển rất nhanh sang các huyện mới như Chư Prông, Chư Pah, Đak Đoa. Hiện nay, diện tích sử dụng tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã từng bước nhân rộng được hơn 250 ha.

Với chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây tiêu bình quân 37 - 55 triệu đ/ha tuỳ theo quy mô, địa hình và kích thước của vườn tiêu, chỉ sau một năm sử dụng, người trồng tiêu đã có thể thu hồi được tiền đầu tư hệ thống tưới qua việc tăng được năng suất, giảm chi phí nhân công tưới nước bón phân, giảm chi phí tiền điện hay tiền dầu chạy máy bơm tưới, giảm chi phí đầu tư phân bón, giảm chi phí thuốc BVTV.

Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây tiêu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc tăng thu nhập người trồng tiêu cũng như tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới và có nhiều triển vọng mở rộng việc áp dụng công nghệ này.

(Cty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh)

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.