| Hotline: 0983.970.780

Công phu kỳ dị của truyền nhân “ma hút”

Thứ Sáu 25/02/2011 , 10:07 (GMT+7)

Có những mảnh đạn hàng chục năm trong người ông có thể hút ra bằng ống tre theo đúng lối đạn vào...

“Ma hút” Vi Văn Cán với chiếc ống tre kỳ bí
Có những mảnh đạn hàng chục năm trong người ông có thể hút ra bằng ống tre theo đúng lối đạn vào. Lúc hút, lưỡi ông liên tục liếm vào ngọn dao nung đỏ rực khiến bất cứ ai chứng kiến cũng phải lắc đầu kinh hãi. Nhưng chính cách chữa bệnh có phần kỳ quái ấy trở thành cứu cánh cho cộng đồng dân tộc sống ở thượng nguồn dòng sông Mã.

Truyền kỳ “ma hút” cứu người

Nhà lương y Vi Văn Cán rất dễ tìm bởi giữa đại ngàn Tây Bắc chỉ duy nhất ông được xem là truyền nhân của “ma hút”. Đó là một ngôi nhà sàn nằm bên dòng sông Mã ở bản Pa Công xã Huổi Một (huyện Sông Mã, Sơn La) mà suốt ngày lửa đỏ. Chính từ bếp lửa ấy không biết đã có bao nhiêu người được ông cứu nhờ công phu kỳ lạ đến hoang đường của mình.

So với những lang y kỳ cựu ở Tây Bắc thì Vi Văn Cán còn khá trẻ. Mới chỉ ngoài năm mươi nhưng ông đã có gần 30 năm theo nghề. Và chỉ riêng chuyện ông đến với nghề cũng đã ly kỳ lắm rồi.

Dân tộc Xinh Mun ở thượng nguồn sông Mã từ xưa nay tự hào vì họ có một “ma hút” cực kỳ nổi tiếng. Đó là ông Lường Văn Hối, bố vợ của lang y Lương Văn Cán bây giờ. Dân bản bảo rằng, họ có thể leo đồi thua người Mông, đi rừng thua người Mường nhưng họ có một người mà các dân tộc khác mỗi khi gặp nạn đều phải tìm đến là cụ Hối. Đông đến mức những người được chữa bệnh xong cứ đinh ninh cụ Hối đích thị là truyền nhân của “ma hút” mà họ vẫn thường nghe kể trong dân gian. Tương truyền, “ma hút” có thật nhưng ở tận bên Lào. Cụ Hối học được nghề là do tình cờ khi bị bắt đi làm lính cho Pháp sang đánh ở Sầm Nưa. Trong một lần bị thương, giặc Pháp bỏ cụ lại và may mắn được một thầy lang cũng là người Xinh Mun đã chữa trị các vết thương. Thấy Lường Văn Hối là một người hiền lành thật thà nên thầy lang này nhận làm đệ tử, truyền nghề với mong muốn sau này sẽ dùng nó để chữa bệnh cứu người. Từ cách hút các dị vật trong người bằng ống tre, làm bùa ngải, và các bài chú “khấn ma” để đặc trị các bệnh tai ương hiểm nghèo đều được thầy lang này truyền lại hết cho chàng thanh niên người Việt. Trở về với thôn bản, ông Hối vẫn hàng ngày lên nương, phát rẫy, sống một cuộc sống đạm bạc, nghèo khó. Tuy nhiên, mỗi khi dân bản có ai bị thương tích là ông lại phát huy tài nghệ cứu chữa, nhất là những ca chữa hóc xương và hút đạn súng kíp.

Bao đời nay, súng kíp là loại vũ khí phổ biến của người dân Tây Bắc để săn bắn thú rừng nhưng lại thường xuyên gây tai họa cho người. Những lần có người bị “tên rơi đạn lạc” dân bản vùng này lại tìm đến cụ Hối. Tiếng lành đồn xa, khắp nơi nghe thấy đều tìm đến nhờ cứu chữa. Nhiều người xa hàng mấy trăm cây số hay kể cả người bên Lào cũng tìm sang. Có ngày một mình cụ hút cho cả chục người, công việc làm không xuể nên mới tìm thêm người để truyền nghề nhưng chẳng dễ dàng chút nào. Chỉ có duy nhất một người có thể theo đuổi được. Đó là thầy lang Vi Văn Cán bây giờ.

“Lúc đó tôi còn là một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, bố chết không biết khóc, mẹ chết cũng không biết khóc đâu. Sống dựa vào người chú suốt ngày uống rượu vào là đánh, không cho đi học, không cho đi chơi mà suốt ngày phải lên nương rẫy cày như một con trâu rừng vậy. Lớn hơn một chút được vợ tôi bây giờ là Lường Thị Lẻ thương nên cụ Hối mới cho vào “thử việc” với một số anh em trong gia đình”, thầy lang Cán kể.

Có 3 người được ông lựa chọn, trong đó có con rể Vi Văn Cán. Trước khi học, ông căn dặn các học trò phải kiêng khem nhiều thứ, không được ăn thịt chim, thịt khỉ, ăn những chất tanh như cá, ba ba… Và điều quan trọng nhất, trong suốt những năm tháng theo học, không được gần gũi phụ nữ, nếu không sẽ không thành nghề. Vào mỗi buổi tối, “ma hút” truyền lại cho học trò các bài niệm chú khấn ma bằng tiếng Xinh Mun, hướng dẫn từng câu, từng chữ một. Các bài niệm chú thường rất dài, và ông bắt học trò phải thuộc lòng. Ban ngày, những lúc rảnh rỗi, ông truyền thủ pháp chữa bệnh, cũng như các thủ thuật tiếp nhận linh khí của trời đất. Có đợt, trong suốt một tháng, ông bắt cả ba người ra ngồi thiền ngay đầu nguồn những con suối.

Ông yêu cầu, nếu như có bất cứ một vật lạ nào theo dòng nước trôi xuống, họ phải đưa miệng hứng lấy nó. Không những thế, trong thuật hút còn có một công đoạn được xem là tuyệt đỉnh khi mà người học phải dùng lưỡi liếm ngọn dao nung lửa đỏ rực. Đây là khâu khó nhất mà người học ngoài sự gan dạ còn phải có duyên với nghề. Toàn bộ thuật hút có 4 bài và tất cả đều phải học vào lúc nửa đêm, nếu học sai một câu xem như mất hết tác dụng. Dù đã được cụ Hối gả con gái cho nhưng Vi Văn Cán phải ngủ ở một cái chòi riêng dành hết thời gian và tâm trí để luyện thuật hút. 3-4 năm trời như thế, đến lúc học xong thì đột nhiên cụ Hối qua đời. Từ đó Vi Văn Cán thay bố vợ trở thành “ma hút” duy nhất giữa đại ngàn Tây Bắc.

Cứu người làm phúc mong gì trả ơn

Ngay khi vừa thạo nghề thì lang Cán đã gặp ca khó. Một người đàn ông dân tộc Mông ở Chiềng Khương đi săn dính liền một lúc hàng trăm viên đạn súng kíp vào người. Lúc bạn cùng đi săn khiêng đến nhà lang tìm lang Cán cả người nạn nhân phủ một màu máu và vết thủng lỗ chỗ. Đỏ lửa nung dao, lấy “dụng cụ y tế” là chiếc ống tre dài chừng 40cm lang Cán bắt tay ngay vào hút. Lưỡi dao nung đỏ chuyển thành màu xám bạc, lang Cán liếm lưỡi vào đấy rồi thổi vào từng vết thương nạn nhân. Khi da thịt bắt đầu ấm thì hút. Ròng rã suốt một ngày trời như thế, thầy lang người Xinh Mun này hút ra khỏi người nạn nhân tròn 120 viên đạn súng kíp. Sau lần ấy, nhà lang Cán chẳng khác nào bệnh viện. Dân bản đi săn dính đạn phải đến đã đành, người hóc xương cũng gõ cửa nhà “ma hút”. Thậm chí còn đông hơn cả thời cụ Hối.

Ngay hôm tôi đến, thằng Sáng con ông Sang ở bản Kéo trong lúc ăn cơm bị hóc xương gà. Suốt mấy ngày liền làm mọi cách mà không khỏi nên bố nó đành cõng sang nhà lang Cán. Chỉ một lúc chiếc xương được hút ra, ở cổ chỉ hơi rướm máu. Con lành bệnh, ông Sáng thú thật: Nhà tao chẳng còn một xu nào nên không có gì tạ lễ. Lang Cán cười phẩy tay: Đưa nó về đi, để tao lễ thay cho. Cố gắng nấu cho nó bát cháo.

Cách hút dị vật, đạn dược trong người của lang Cán cũng độc nhất vô nhị. Nếu trúng đạn thì thường hút ra theo vết sẹo đạn găm vào. Nhưng nếu bị hóc xương phải lựa nơi nào da mỏng nhất, gần vị trí hóc nhất rồi đặt ống tre vào đấy hút mà không cần dao kéo, mổ xẻ gì. Về khả năng liếm dao nung đỏ trong lúc chữa bệnh thì ông bảo rằng phải làm như thế người bệnh mới giữ được làn da ấm, tiêu chí bắt buộc trong mỗi lần thực hiện hút dị vật ra khỏi người. Việc phả hơi nóng từ con dao vào người bệnh nhân sẽ giúp họ cầm máu và bớt đau. Mỗi lần như thế miệng ông liên tục phải cầu khấn…

Bệnh nhân đông đến mức có thời điểm ngôi nhà sàn ấy chẳng khác nào bệnh viện. Dù vậy, chủ nhân của nó vẫn cứ nghèo. Bà Lẻ vợ ông Cán bảo rằng: Ai đến cũng bảo chẳng thể ngờ nhà thầy Cán lại nghèo đến thế này. Đôi lúc cúng thấy tủi thân nhưng biết làm sao được. Làm “ma hút” quan trọng nhất là cứu được người thôi.

Danh tiếng truyền nhân “ma hút” dần vượt khỏi núi rừng Tây Bắc. Đến mức rất nhiều người tận bên Lào, Campuchia, nhưng xứ sở nổi tiếng với các thầy bùa, thầy ngải cũng tìm sang nhờ chữa bệnh.

Một thương binh ở tận Hải Phòng nghe danh lang y Cán bèn tìm đến. Chứng kiến dụng cụ chỉ là chiếc ống tre và con dao rạ ngày ngày đi rừng người thương binh này nằng nặc đòi bỏ về. Gia đình phải động viên mãi người thương binh này mới đồng ý… thử. Đạn dính tận xương hàng chục năm trời, không ai nghĩ có thể hút ra bằng ống tre. Trừ ông Cán. Mất đúng nửa ngày, hai viên đạn được hút ra còn vết thương chỉ rỉ vài giọt máu khiến một người từng vào sinh ra tử cũng phải toát mồ hôi. Đến nỗi sau này đi chụp phim ở các bệnh viện, các bác sĩ cũng lắc đầu nguầy nguậy vì chẳng dám tin.

Thực hư công phu ma hút rành rành đến mức ở bệnh viện huyện sông Mã mấy lần có ca mổ khó phải cho người lên tận nhà lang Cán chở ông xuống để hút đạn ở những vùng nguy hiểm ra khỏi người rồi mới dám mổ. Hay mới chỉ năm trước thôi. Một bác sĩ người Thái công tác tại bệnh viện huyện bị hóc xương cá. Biết lang Cán qua những lần bệnh viện nhờ xuống “tiếp sức” nên bác sĩ này phải đến nhờ hút xương ra khỏi cổ. Sau khi thành công vị bác sĩ này lại tỏ ra ngại gặp lang y Cán. Có lẽ là do nghĩ rằng mình đường đường là bác sĩ lại phải gõ cửa nhà của một thầy lang.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.