| Hotline: 0983.970.780

Công tác giống cho mục tiêu đạt 250 - 300 triệu đồng/ha

Thứ Năm 22/11/2018 , 13:45 (GMT+7)

Hà Nội sau khi mở rộng đã trở thành một địa phương có diện tích đất nông nghiệp thuộc vào top đầu của miền Bắc. Kể cả với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, trong tương lai gần Hà Nội vẫn còn quỹ đất nông nghiệp rất lớn.

Dồi dào quỹ đất nông nghiệp

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thành phố Hà Nội vẫn có 174.429ha đất nông nghiệp, chiếm 51,93% diện tích đất toàn thành phố; đất phi nông nghiệp là 159.716ha, chiếm 47,55%; đất đô thị 43.573ha, chiếm 12,97%. Vậy phải sử dụng làm sao cho hiệu quả nguồn lực quý này?

09-26-46_dsc_8463
Thu hoạch lúa hàng hóa

Nếu xưa kia nông nghiệp theo truyền thống là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì ngày nay vai trò của giống phải được đặt lên hàng đầu. Bởi thế, song song với việc sử dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của các công ty trong và ngoài nước, từ lâu Hà Nội đã tính đến con đường tự chủ một phần về giống.

Cách đây 10 năm, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội được thành lập trên cơ sở nguyên trạng của Trung tâm Giống cây trồng Hà Tây. Từ năm 2012, với mục tiêu xây dựng Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội thành đơn vị chủ lực trong lĩnh vực cung cấp giống cây trồng chất lượng cao và phát triển sản xuất hàng hóa nông sản an toàn bền vững, thành phố đã đổi tên đơn vị này thành Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội trực thuộc Sở NN-PTNT.

Khác với doanh nghiệp thường chỉ hướng đến mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, Trung tâm Phát triển cây trồng lại có thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mang tính xã hội, công ích như:

- Khảo nghiệm, chọn lọc, duy trì các loại giống cây trồng, phát triển các chủng loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

- Lưu trữ, bảo tồn nguồn gen giống cây trồng.

- Dự trữ giống cây trồng dự phòng thiên tai theo sự phân công của Sở NN-PTNT và UBND thành phố Hà Nội.

- Sản xuất và cung ứng giống cây trồng mới trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, phù hợp các quy định về quản lý giống của Nhà nước.

- Tham gia xây dựng sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành về giống cây trồng và kỹ thuật trồng trọt.

- Đào tạo, tập huấn nông dân sản xuất giống, nông dân vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

- Thực hiện các đề tài, đề án, chương trình, dự án phát triển cây trồng.

- Chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây trồng vào sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận...
 

Quả ngọt ban đầu

Trong 10 năm qua, Trung tâm tiến hành khảo nghiệm, thực nghiệm trên 70 lượt giống cây trồng mới hàng năm, đã đề xuất bổ sung 40 giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với tập quán canh tác và sinh thái của Hà Nội. Xây dựng được nhiều mô hình thực nghiệm sản xuất giống cây trồng tiêu biểu như sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng có mức thu nhập tăng hơn so với lúa thường từ 40 - 45 triệu đồng/ha/vụ, bảo quản cam Canh sau thu hoạch kéo dài thêm được 20 - 25 ngày, kỹ thuật thụ phấn bổ sung trên cây bưởi Diễn trên vùng đồi gò huyện Chương Mỹ đã khắc phục được tình trạng mất mùa...

09-26-46_dsc_9304
Những vùng cây ăn quả đặc sản ở ngoại thành

Tập huấn, huấn luyện cho hơn 220.000 lượt cán bộ, nông dân tham gia sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao. Kết quả, giúp cho việc chăm sóc cây trồng khỏe, hạn chế các loại dịch hại, giảm số lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, tính an toàn đồng thời nâng cao kỹ năng tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng được 157 mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành quy mô 24.485ha; Phát triển trồng mới được 631ha cây ăn quả (bưởi, cam Canh, nhãn, chuối) và 182ha chè; Phát triển chăm sóc thâm canh được 921ha cây ăn quả, 510ha chè an toàn; Đưa cơ giới vào sản xuất và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến cho 100ha chè tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ.

Đã xây dựng được các mô hình điểm sản xuất nông sản theo VietGAP với tổng diện tích 264ha lúa chất lượng cao, 80ha cây ăn quả (bưởi Diễn, cam Canh, nhãn) và 110ha chè an toàn.

Đề án cây ăn quả đã góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, giá thành hạ, nâng cao tính cạnh tranh, không ngừng nâng cao thu nhập cho người sản xuất, tạo ra phong trào phát triển, mở rộng diện tích ở các huyện ngoại thành như bưởi ở Trần Phú, Xuân Mai (Chương Mỹ), cam Canh ở Kim An (Thanh Oai), nhãn muộn ở Đại Thành (Quốc Oai), An Thượng (Hoài Đức). Năng suất trung bình của cây ăn quả đạt 18,8 tấn/ha/năm, tăng hơn so với năm 2010 là 3,78 tấn/ha/năm.

Đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn, qua việc chuyển giao TBKT từ năm 2012 - 2018 đã giúp bà con ở vùng sản xuất chè giảm bớt công chăm sóc, thu hoạch, vận động xây dựng sản xuất theo quy trình VietGAP góp phần tạo sản phẩm chè an toàn cho người tiêu dùng. Năng suất chè của hộ tăng lên từ 6,3 tấn/ha trước đề án lên 7,8 tấn/ha và 8,27 tấn.

Đặc biệt nhất phải kể đến là hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa chất lượng cao vượt hơn hẳn so với lúa thông thường tới 8,9 triệu đồng/ha/vụ. Nếu như diện tích lúa chất lượng cao của toàn thành phố năm 2010 là 19.538ha chiếm 10,4%, đến năm 2017 diện tích lúa chất lượng cao đã đạt 81.228,7ha, chiếm 41,7% diện tích gieo cấy lúa trên địa bàn. Tại một số huyện đã tạo thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, đặc sản tiêu biểu như huyện Đông Anh với giống nếp cái hoa vàng, Thanh Oai với giống Bắc thơm số 7.

Qua việc thực hiện các chương trình, đề án, đã hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa an toàn theo chuỗi đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và hội nhập. Đã tư vấn, xây dựng và duy trì được 12 nhãn hiệu tập thể gồm: Gạo Bồ Nâu cho HTXNN Thanh Văn, gạo thơm Bối Khê cho xã Tam Hưng - huyện Thanh Oai, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, nhãn chín muộn Quốc Oai và Hoài Đức, bưởi đường Quế Dương, cam Canh Kim An…

Trong mục tiêu phát triển cây trồng 2019 - 2020, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hoá chất lượng cao, phấn đấu đạt 250 - 300 triệu đồng/ha canh tác năm, có các mô hình tiêu biểu đạt 800 - 900 triệu đồng/ha canh tác năm, tăng cường xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, phát triển chuỗi hàng hóa nông sản an toàn, chất lượng cao.

Bởi thế cần phải chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý, công nghệ tiên tiến, giống mới hơn nữa để phát triển sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái, cảnh quan xanh, sạch đẹp, bền vững.

 

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất