| Hotline: 0983.970.780

Công trình nước sạch ở Trường Xuân chờ vốn

Thứ Hai 19/11/2012 , 11:58 (GMT+7)

Hơn một năm nay, công trình đầu mối (gồm nhà máy xử lý và hệ thống ống dẫn) nước sạch được xây dựng ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh, Quảng Bình) nằm đắp chiếu chờ vốn giai đoạn 2.

Công trình trị giá gần 23 tỉ đồng phải nằm đợi giai đoạn 2

Hơn một năm nay, công trình đầu mối (gồm nhà máy xử lý và hệ thống ống dẫn) nước sạch được xây dựng ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh, Quảng Bình) nằm đắp chiếu chờ vốn giai đoạn 2. Nếu không có vốn cho giai đoạn 2 thì công trình trị giá gần 23 tỉ đồng này sẽ nằm đắp chiếu đợi... trời mưa.

Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Bình vào tháng 10/2008, dự án nước sạch này có tổng mức đầu tư gần 23 tỉ đồng, với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Mục đích của dự án nằm trong hợp phần cấp nước sinh hoạt cho 38 ngàn hộ dân thuộc Dự án hồ chứa nước Rào Đá.

Theo ông Lê Hữu Kiển, Trưởng BQL các công trình xây dựng huyện Quảng Ninh, đây là công trình đầu mối lấy nước từ hồ chứa Rào Đá. Công trình bao gồm xử lý nước đầu nguồn với công suất 4.000 m3/ngày đêm; nhà hóa chất, nhà điều hành; mạng lưới đường ống phân phối nước (ống ganh và ống nhựa) với tổng chiều dài trên 7,5 km...

Công trình này được xây dựng hoàn thành vào năm 2010, tuy nhiên, vì đây là công trình thuộc giai đoạn 1 nên chưa thể sử dụng được cho mục đích đưa nước sạch về với người dân trong vùng hưởng lợi. Sau một thời gian, BQL các công trình xây dựng huyện đã đề xuất UBND huyện Quảng Ninh trích một ít ngân sách để sửa chữa lại tuyến ống dẫn nước và tháp nước của công trình nước giếng khoan tại các xã An Ninh, Tân Ninh được xây dựng mấy năm trước đã bị hư hỏng không sử dụng được.

Sau khi sửa chữa, BQL lắp đặt hệ thống đấu nối và đưa được nước từ hệ thống nước Rào Đá lên bể chứa để một số hộ dân ở các thôn có nước dùng. Mỗi tháng, công trình nước cho chạy máy bơm nước vài lần cho bà con. Tuy nhiên, tiền điện, tiền bảo vệ công trình mà BQL phải bỏ ra gần 10 triệu đồng/tháng. Lãnh đạo BQL cũng đã báo cáo UBND huyện duy trì việc vận hành nhỏ giọt này đến cuối năm nay và sẽ dừng lại vì không đủ kinh phí.

Cũng theo ông Lê Hữu Kiển, để dự án này được sử dụng và mang lại hiệu quả phục vụ nước sạch sinh hoạt cho người dân thì phải thực hiện ngay giai đoạn 2. Ở giai đoạn 2 sẽ xây dựng hệ thống ống dẫn nước từ nhà máy về các xã, các vùng dân cư. Hệ thống đường ống xây lắp khá phức tạp vì phải đi qua địa hình nhiều đồi núi, sau đó vượt sông Long Đại, sông Kiến Giang và chia ra thành nhiều tuyến về các vùng. “Chúng tôi đã có dự toán cho giai đoạn 2 với tổng kinh phí khoảng 100 tỉ đồng", ông Kiển cho biết.

Được biết, nguồn kinh phí này có phương án bố trí thông qua nguồn viện trợ từ chính phủ Italia và hiện đang chờ ký hiệp định cam kết. Một lãnh đạo huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Công trình này nhằm tranh thủ vốn cho giai đoạn 1. Kinh phí ở giai đoạn 2 lớn như vậy là vượt ra khỏi tầm của ngân sách địa phương và sự đóng góp của người dân. Chính vì vậy, giai đoạn 2 của dự án kéo dài đến đâu thì công trình thuộc giai đoạn 1 đắp chiếu nằm chờ đến đó. Vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc đã bỏ ra gần 23 tỉ đồng nhưng người dân phải chờ đợi chưa biết đến lúc nào có nước sinh hoạt".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.