| Hotline: 0983.970.780

Công ty giống nhiều đến mức không bình thường

Thứ Sáu 06/04/2012 , 10:51 (GMT+7)

Liên quan đến tình trạng “lạm phát” các công ty giống nhỏ và siêu nhỏ hiện nay, TS Phạm Đồng Quảng - Cục phó Cục Trồng trọt đã có cuộc trao đổi với NNVN.

TS Phạm Đồng Quảng - Cục phó Cục Trồng trọt
Liên quan đến tình trạng “lạm phát” các công ty giống nhỏ và siêu nhỏ hiện nay, TS Phạm Đồng Quảng - Cục phó Cục Trồng trọt đã có cuộc trao đổi với NNVN.

Ông nhận định thế nào về tình hình hỗn loạn bởi có quá nhiều công ty giống hiện nay?

Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh giống năm 2005 theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh giống theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không yêu cầu phải có giấy phép hoặc xác định vốn pháp định trong khi thị trường giống lúa rất lớn và ngày càng tăng trưởng, nên đây là một lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả. Việc có nhiều công ty giống với quy mô, năng lực tài chính chênh lệch như hiện nay là điều khó tránh khỏi, nhất là ở giai đoạn đầu của quá trình thị trường hóa ngành giống. Tuy nhiên, tình hình không đến mức hỗn loạn. Theo tôi so với các vật tư nông nghiệp khác thì kiểm soát thị trường giống lúa là khá hơn, đã góp phần đưa năng suất, sản lượng lúa của ta liên tục tăng.

Là một người từng làm khảo kiểm nghiệm, ông thấy chất lượng của các công ty giống nhỏ và siêu nhỏ thế nào? Chúng có những chiêu thức lách cơ quan chức năng và qua mặt người tiêu dùng ra sao?

Một khi có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì sự cạnh tranh quyết liệt và gây khó khăn cho công tác quản lý. Tuy nhiên, nhiều đến mức một tỉnh diện tích lúa nhỏ mà có tới hơn 30 công ty giống lúa là điều không bình thường. Bên cạnh nhiều công ty giống nhỏ nhưng vẫn làm ăn tốt, tuân thủ pháp luật thì cũng có công ty với các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng sự quản lý của nhà nước và hiểu biết của nông dân ở một số nơi còn hạn chế.

Các chiêu thức như Báo NNVN nêu là có thật như đặt tên gọi, bao bì, mẫu mã rất “hoành tráng” để đánh vào tâm lý nông dân hoặc dùng tên, biểu tượng, mẫu mã na ná công ty khác có thương hiệu; tình trạng không tổ chức sản xuất mà cuối vụ đi “hớt tay trên” của công ty khác; sản xuất ít, mua giống ít khi bán thì lượng giống nhiều hoặc phối hợp với nông dân khử lẫn trên ruộng thương phẩm rồi cũng kiểm định, kiểm nghiệm thành cấp giống xác nhận… Đúng là do làm giống lúa thuần không quá khó và xu hướng cải cách hành chính, giao nhiều quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp trong quản lý chất lượng giống nên đang xuất hiện sự lạm dụng. Với cách làm giống tùy tiện, điều tôi đáng lo ngại nhất là sự giảm sút chất lượng di truyền (đúng giống, độ thuần, sức đề kháng với sâu bệnh, điều kiện bất lợi…) của giống, cái đó bằng mắt nông dân khó nhận biết được, chứ không phải tỷ lệ nẩy mầm, mặc dù đây là chỉ tiêu mà nông dân hay quan tâm trước tiên.

Ông có thể thống kê cả nước hiện có khoảng bao nhiêu công ty giống không? Nguyên nhân của việc quá nhiều công ty giống này là do đâu?

Theo thống kê chưa đầy đủ, số đơn vị sản xuất, kinh doanh giống lúa trên cả nước là không dưới 450 đơn vị, bao gồm cả các tổ hợp tác sản xuất giống lúa. Nguyên nhân là thị trường giống lúa rất lớn, mỗi năm cần tới 500-600 nghìn tấn giống cho trên 7,5 triệu ha lúa và chủ trương thị trường hóa, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia như tôi nói ở trên. Tuy nhiên, tình trạng có quá nhiều công ty giống chỉ có ở một số tỉnh nên cũng cần xem lại việc đăng ký và kiểm tra, quản lý của các cơ quan quản lý địa phương.

Theo ông, việc cấp giấy phép cho thành lập công ty giống hiện nay có quá giản đơn không, việc kinh doanh giống có nên là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện không bởi nó ảnh hưởng tới cả vạn, cả triệu nông dân?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm; thủ tục đăng ký kinh doanh rất đơn giản, không những đối với giống cây trồng mà tất cả các lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện khác. Hiện nay có ý kiến đề nghị nên quy định sản xuất, kinh doanh giống, phân bón… phải có giấy phép có đủ điều kiện và quy định mức vốn pháp định. Quả thực, Trung Quốc và một số nước có quy định sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chính (ví dụ lúa…) phải có điều kiện và Trung Quốc từ năm 2000 đến nay đã 2 lần tăng mức vốn pháp định, nên nhiều công ty giống của họ phải sáp nhập mới đủ năng lực theo quy định. Tuy nhiên, nước ta theo quy định bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải quy định trong luật, pháp lệnh, nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chứ không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Vì vậy, cần tiếp tục đánh giá thực tế, thảo luận thêm về sự cần thiết trước khi đề xuất lên cấp trên quyết định.

Định hướng của Cục trong thời gian tới, để quản lý tốt ngành giống phải làm những gì?

Theo tôi về phía cơ quan quản lý thì luôn muốn có ít doanh nghiệp, vì doanh nghiệp lớn có tiềm lực về vốn, nguồn nhân lực tay nghề cao, cơ sở vật chất cho sản xuất, chế biến, bảo quản được đầu tư tốt, có hệ thống quản lý chất lượng tốt, thì việc quản lý sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đó là cả một quá trình liên quan đến quy luật cạnh tranh khốc liệt và quy định quản lý của nhà nước dẫn đến sự phá sản, tích tụ, hợp nhất giữa các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó để từng bước quản lý tốt hơn ngành giống Cục Trồng trọt có một số biện pháp sau đây:

- Triển khai, tổ chức thực hiện Thông tư 45/2011/TT-BNNPTNT về các quy chuẩn kỹ thuật giống cây trồng và Thông tư 79/2011/TT-BNNPTNT về chứng nhận giống cây trồng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

- Tăng cường việc kiểm tra, thanh tra. Trong năm 2012 Cục phối hợp với các Sở tiến hành 2 cuộc kiểm tra về việc chấp hành quy định sản xuất, sử dụng giống lúa cấp siêu nguyên chủng và thí điểm kiểm tra lấy mẫu giống lúa trên thị trường 20 tỉnh, thành phố, đặc biệt sẽ tập trung vào những tỉnh có nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; sẽ kiểm tra theo hướng truy xuất nguồn gốc, thông qua hồ sơ lô giống.

- Mặc dù Pháp lệnh giống cây trồng chưa thể sửa đổi, bổ sung trong một vài năm tới; tuy nhiên theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Cục sẽ nghiên cứu, đề xuất Bộ sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật điều kiện đảm bảo chất lượng giống cây trồng theo hướng cụ thể điều kiện về con người, cơ sở vật chất, hệ thống quản lý chất lượng… Các doanh nghiệp căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật để bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp, nếu không đảm bảo thì phải dừng sản xuất, kinh doanh hoặc phải liên kết, sát nhập để đủ điều kiện hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.