| Hotline: 0983.970.780

Công ty Kubota Việt Nam có 'lừa dối' khách hàng?

Thứ Hai 27/08/2018 , 09:45 (GMT+7)

Trao đổi với PV NNVN, đại diện LienVietPostBank khẳng định: “LienVietPostBank chưa được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch- Đầu tư phê duyệt, áp dụng hỗ trợ cho vay theo QĐ68”...

Nghe theo lời giới thiệu của Công ty TNHH Kubota Việt Nam (KVC), nhiều khách hàng mua máy nông nghiệp của hãng Kubota đã rơi vào cảnh khốn đốn khi lựa chọn Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) để vay vốn ưu đãi lãi suất theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
 

Công ty Kubota Việt Nam ra thông báo sai sự thật

Ngày 4/9/2015, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty TNHH Kubota Việt Nam (địa chỉ: Lô B-3A2-CN, Khu Công Nghiệp Mỹ Phước 3, phường Thới Hòa, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương) ký Biên bản ghi nhớ triển khai hợp tác “Chương trình cho vay mua máy nông nghiệp”.

Để triển khai thí điểm, LienVietPostBank cung cấp sản phẩm tín dụng cho các đại lý ủy quyền của Công ty Kubota Việt Nam để mua bán thiết bị nông nghiệp. Các thiết bị máy nông nghiệp này thuộc nhóm sản phẩm theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Sau thời gian thí điểm, ngày 30/8/2016, Công ty Kubota Việt Nam ra thông báo KVC.GN/DL172016 gửi các đại lý chính thức về việc giới thiệu chương trình hợp tác với LienVietPostBank. Trong văn bản này nêu rõ: “Thấu hiểu những khó khăn mà Quý đại lý Kubota Việt Nam đang gặp phải, trong đó có khó khăn về dịch vụ tài chính, chúng tôi đã chủ động ký kết hợp tác với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt triển khai Chương trình hỗ trợ tín dụng mua máy nông nghiệp Kubota trên phạm vi toàn quốc”.

Ngày 18/4/2016, Công ty Kubota Việt Nam tiếp tục có văn bản KVC.GN/DL382017 gửi các đại lý, trong đó khẳng định: “Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch- Đầu tư phê duyệt, áp dụng hỗ trợ cho vay theo QĐ68 (Quyết định 68/2013/QĐ-TTg). Như vậy, chúng ta đã có thêm kênh hỗ trợ tài chính nữa, giúp cho những khách hàng có nhu cầu sử dụng máy Kubota có thêm cơ hội được mua và sử dụng sản phẩm Kubota… Hi vọng quý đại lý tận dụng tốt sự hỗ trợ này để gia tăng doanh số bán hàng trong thời gian tới”.
 

Đại lý và khách hàng “khốn đốn”

Từ các thông báo trên, các đại lý của Kubota Việt Nam đã giới thiệu về chương trình cho vay mua máy nông nghiệp theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ với khách hàng. Nhiều người đã tin đó là sự thật nên đã “chớp” cơ hội để vay vốn của LienVietPostBank đầu tư mua sản phẩm của Kubota.

13-54-26_kubot-2
Nhiều khách hàng khốn đốn vì tin nội dung thông báo số KVC.GN/DL382017 của Công ty TNHH Kubota Việt Nam

Theo Quyết định 68: “Khách hàng vay vốn sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ 3. Thời điểm hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay được tính từ ngày giải ngân”. Chiểu theo quy định trên, thì khách hàng vay vốn của LienVietPostBank để mua máy nông nghiệp Kubota sẽ không phải trả bất cứ khoản tiền nào liên quan đến lãi suất trong vòng 2 năm đầu, mà chỉ phải trả tiền gốc theo kế hoạch trả nợ đã cam kết với ngân hàng.

Tuy nhiên, thông tin giới thiệu của Công ty Kubota Việt Nam hoàn toàn sai sự thật. Trao đổi với PV NNVN, đại diện LienVietPostBank khẳng định: “LienVietPostBank chưa được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch- Đầu tư phê duyệt, áp dụng hỗ trợ cho vay theo QĐ68”.

Và trong suốt 2 năm qua, hàng trăm khách hàng vay vốn của LienVietPostBank để mua máy nông nghiệp Kubota chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ lãi suất nào của nhà nước. Ngoài lo trả tiền gốc khoản vay của ngân hàng, họ phải “cõng” thêm một khoản lãi suất (với lãi suất cho vay thông thường 9%/năm).

Vậy mục đích để Kubota phát đi tin giả này là gì? Có phải là để “gia tăng doanh số bán hàng trong thời gian tới” như chính văn bản thông báo của Kubota Việt Nam viết?
 

Sẽ kiện ra tòa án

Tháng 8/2016, ông Phạm Văn Suốt (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) được đại lý của công ty Kubota Việt Nam giới thiệu mua máy nông nghiệp. Theo đó, khách hàng vay vốn của LienVietPostBank để mua máy Kubota sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và hỗ trợ 50% lãi suất trong năm thứ 3.

Ông Suốt cho biết: Mặc dù không có ý định vay vốn của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, nhưng vì tin lời giới thiệu của nhân viên đại lý Kubota, tôi đã đồng ý vay hơn 500 triệu đồng để mua 1 máy gặt Kubota DC70. Bên đại lý của Kubota hứa sẽ có gói hỗ trợ không phải trả lãi suất cho bên ngân hàng. Và trong biên bản cam kết, nếu có phải trả lãi thì gia đình sẽ hỗ trợ trả lãi 1 tháng đầu tiên, còn từ tháng sau, nếu chưa có hỗ trợ thì bên đại lý Kubota sẽ có trách nhiệm trả lãi cho bên ngân hàng hoàn toàn.

Cũng theo ông Suốt, biên bản này được in thành 3 bản (gia đình ông Suốt, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và đại lý của Kubota) mỗi bên giữ một bản. Nhưng hiện tại bên đại lý của Kubota mới trả được lãi suất quý đầu tiên và còn 2 quý chưa đóng lãi suất cho ngân hàng.

13-54-26_kubot-3
Công ty Kubota Việt Nam tung “tin giả” về việc LienVietPostBank đã được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch- Đầu tư phê duyệt, áp dụng cho vay theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ

"Ngân hàng đánh giấy yêu cầu gia đình tôi phải trả lãi suất (hơn 20 triệu đồng/kỳ đóng lãi suất). Tôi không đồng tình và sự việc cứ nhùng nhằng mãi từ tháng 10/2017 đến nay. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã trừ một phần số tiền tôi trả nợ gốc để tính vào lãi suất vay vốn của tôi. Thậm chí ngân hàng còn đưa sổ đỏ đất nhà tôi vào nợ xấu. Tôi rất buồn vì vừa qua, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt lại tiếp tục đánh giấy về nhà tôi để đòi trả lãi suất kỳ tới", ông Suốt giãi bày.

“Nếu Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và đại lý của Công ty Kubota Việt Nam không kết hợp để giải quyết dứt điểm quyền lợi của tôi, tôi sẽ kiện các bên liên quan ra tòa án kinh tế để làm rõ trắng đen. Một số người vay vốn của ngân hàng này để mua máy nông nghiệp Kubota cũng đang muốn đi kiện cùng tôi”, ông Suốt nói.

Ông Nguyễn Văn Khương (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cũng bức xúc: "Ba anh em tôi (ông Khương cùng ông Nguyễn Văn Dinh và Nguyễn Văn Du) đều vay vốn Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để mua máy Kubota, mỗi người 500 triệu đồng. Lúc đầu ngân hàng hứa sẽ xin Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho chúng tôi theo Quyết định 68. Ngay từ phút đầu tiên khi họ yêu cầu tôi ứng trước tiền lãi suất quý đầu, tôi đã nghi ngờ nên nói rõ với đại lý bán máy Kubota và ngân hàng rằng: “Nếu tôi được nhà nước hỗ trợ lãi suất thì mới vay, còn không thì tôi không vay”.

Nhân viên ngân hàng khẳng định rằng: “Anh yên tâm là được”. Vì vậy tôi mới đóng tạm ứng lãi suất quý đầu tiên. Nhưng đến bây giờ, ngân hàng lại tiếp tục đánh giấy yêu cầu tôi đóng tiền lãi suất đợt 2, tôi đã nói với nhân viên Ngân hàng Bưu điện Liên Việt rằng: “Nếu các anh hợp đồng như thế này thì tôi chuẩn bị thuê luật sư để kiện các anh”.

Anh Khương cho biết, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cho vay theo Quyết định 68 thông qua hệ thống Khuyến nông tỉnh, họ hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua máy nông nghiệp luôn. Khách hàng không phải đóng bất cứ khoản lãi suất nào trong vòng 2 năm đầu. Đằng này, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt lại không làm như vậy mà bắt khách hàng ứng tiền thay cho ngân hàng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất