| Hotline: 0983.970.780

Copa America - Cái nôi của bóng đá Nam Mỹ: Bài 2 - Gian khó trong thời đại kim tiền

Thứ Tư 12/06/2019 , 06:45 (GMT+7)

Từ chỗ được người hâm mộ đón nhận, Copa America ngày càng trở nên giống SEA Games của Đông Nam Á, ở cả quy mô tổ chức lẫn điều hành.

Vấn đề “đầu tiên”

Tại Copa America 2019, tổng tiền thưởng cho các đội tham dự là 21,5 triệu USD, ngang bằng với con số cách đây 3 năm và chỉ bằng 1/10 so với Euro 2016.

3162713424
Những ngôi sao hàng đầu Nam Mỹ như Messi, Neymar luôn bị đồn là không dự Copa America.

Điều đáng nói, cách chia tiền của Copa America cũng khiến nhiều đội bất mãn khi đội vô địch nhận 6,5 triệu, á quân nhận 3,5 triệu, nghĩa là chiếm luôn một nửa tổng số tiền.

Những đội thấp cổ bé họng như Bolivia đứng trước nguy cơ không có xu nào, nếu họ không thể giành quyền vào tứ kết. Đó là thứ không tưởng ở châu Âu, khi mỗi đội tuyển chỉ cần dự giải cũng đút túi gần 10 triệu USD.

Không chỉ ít tiền, các đội dự Copa America còn không được đảm bảo hầu bao tham dự. Kể từ khi LĐBĐ Nam Mỹ dính vào vụ scandal rung chuyển FIFA hồi năm 2015, những tài khoản của họ bị đóng băng để điều tra, tới mức mà nước chủ nhà Chile và LĐBĐ Nam Mỹ đùn đẩy nhau việc thanh toán tiền thưởng cho 10 đội dự Copa America 2015.

Nhiều năm trôi qua nhưng những vấn đề vẫn còn nguyên với xứ sở từng sản sinh ra vô vàn tài năng bóng đá thế giới. Thay vì có ngân sách cứng, giống như châu Âu hay châu Á, lãnh đạo LĐBĐ Nam Mỹ phải chạy vạy, năn nỉ các nhà tài trợ.

Có được tổng tiền thưởng 21,5 triệu USD, với bóng đá Nam Mỹ lúc này, đã là thành công. Ở giải đấu cách đây 3 năm, thậm chí các quốc gia Nam Mỹ không tự dàn xếp được với nhau và phải mang giải đấu sang Mỹ để san sẻ bớt gánh nặng tổ chức.

Ngay chính người hâm mộ Nam Mỹ cũng dần bỏ rơi giải đấu của họ. Tại Copa America 2016 diễn ra ở Mỹ, chỉ những trận cầu đinh hoặc có Brazil hoặc Argentina tham dự, khán giả mới kéo đến được khoảng nửa sân. Trong khi các trận còn lại, chỉ chứng kiến một lượng thưa thớt, chưa đủ lấp một góc khán đài, dù giá vé vào sân trung bình chỉ khoảng 10-20 USD.

“Không chỉ Copa America mà cả Copa Libertadores (giải đấu số một cấp CLB ở Nam Mỹ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn đề kinh tế”, Chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ, Alejandro Dominguez thừa nhận.

Cũng theo vị lãnh đạo 47 tuổi, những nhà tài trợ lâu năm cho khu vực này như Coca Cola, KIA và Santander đang quay lưng với các giải đấu. Họ không còn rót tiền ồ ạt mà chỉ lựa chọn một phần giải đấu để tài trợ - điều khác xa so với Euro 2016, nơi các tập đoàn kinh tế phải đấu thầu để giành quyền tài trợ.

Copa America nói riêng và bóng đá Nam Mỹ nói chung đang rơi vào vòng luẩn quẩn: thiếu tiền, thiếu tài năng, thiếu sự quan tâm. Tất cả khiến nền bóng đá khu vực này ngày càng tụt lùi. Ngay cả những quốc gia châu Á giàu có như Nhật Bản, Trung Quốc giờ cũng không thiết tha dự Copa America. Họ hoàn toàn có thể mời những đội tuyển hàng đầu về đất nước họ giao hữu một trận, thay vì bôn ba nửa vòng Trái đất để dự giải đấu trong sự thờ ơ của người hâm mộ.

Từ chỗ thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và khó khăn tài chính, Copa America dần bị truyền thông và người hâm mộ bỏ rơi. Điều này dẫn tới hệ lụy là chính những cầu thủ cũng không xem đây là nơi để họ tranh tài ở cấp độ cao nhất.

Brazil và Argentina từng nhiều lần cử đội hình hai, hoặc cầu thủ trẻ tham dự để tránh mất hòa khí, điều họ không bao giờ làm với những giải đấu phụ đúng nghĩa nhưng có nhiều tiền như Confederations Cup trước đây.
 

Mỏ vàng suy kiệt

Lý do lớn nhất để Copa America duy trì trong khoảng chục năm trở lại đây là nó luôn sản sinh ra những cầu thủ tài năng.

Ronaldo, Ronaldinho, Neymar, Lionel Messi… và nhiều ngôi sao khác từng coi đây là môi trường để trui rèn bản thân, trước khi nhận những cuộc gọi mời từ phía bên kia Đại Tây Dương.

Lứa cầu thủ ngôi sao có thể chẳng mặn mà với Copa America, nhưng cầu thủ trẻ thì ngược lại. Họ từng coi đây là một World Cup thu nhỏ, để gây tiếng vang trên thế giới.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch đầu tư của châu Âu khiến Nam Mỹ mất “mỏ vàng” Copa America. Thay vì chờ cầu thủ đủ tuổi lên tuyển (trên 18 tuổi), các siêu CLB giàu có như Man City, PSG hay Real Madrid giờ ném tiền vào những lứa tuổi thấp hơn nhiều.

4162713536
Luis Suarez và Neymar không dự Copa America 2019 vì chấn thương.

Họ sẵn sàng mời những chú nhóc mới hơn 10 tuổi sang châu Âu, như trường hợp của Messi, Vinicius Junior… để thử việc, dù điều này bị FIFA cấm.

Sở dĩ họ làm vậy bởi chi phí cho một chú nhóc rẻ hơn nhiều so với một cầu thủ trưởng thành. Bên cạnh đó, họ cũng khiến các đối thủ suy yếu vì không thể mua một cầu thủ tiềm năng.

Chủ tịch CLB Botafogo (Brazil) - Luiz Pereira – cám cảnh với thực trạng hiện tại.

Ông nói: “Nhiều nước Nam Mỹ giờ bỏ bê đào tạo trẻ. Công tác đào tạo chỉ diễn ra ở một số thành phố lớn. Kinh tế Nam Mỹ những năm gần đây không mấy sáng sủa khiến các CLB gặp khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ.

Không có tiền, họ không thể đầu tư cho đào tạo trẻ, và hệ quả là những cầu thủ 18-20 tuổi lên đội tuyển ngày càng ít. Theo chỗ tôi biết, các CLB Nam Mỹ giờ không còn khả năng duy trì việc bán cầu thủ với giá cao”.

Xem thêm
Giải pháp livestream góp phần lan tỏa văn hóa đọc

Giải pháp livestream được nhiều công ty kinh doanh sách chọn lựa để lan tỏa văn hóa đọc trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.