| Hotline: 0983.970.780

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN

Cốt lõi đổi mới nông, lâm trường là siết chặt quản lý đất đai

Thứ Sáu 14/03/2014 , 09:52 (GMT+7)

Nguyên nhân chính là vì đất đai đang là nguồn gốc khiến các nông, lâm trường lâm vào thế khó như hiện nay.

Dự kiến hôm nay (14/3), Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới hoạt động nông, lâm trường quốc doanh sẽ được ban hành. Ông Phạm Quốc Doanh (ảnh), Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trao đổi với NNVN, cho rằng, cốt lõi vẫn là siết chặt quản lý đất đai, bởi đất đai chính là nguồn gốc khiến các nông, lâm trường lâm vào thế khó như hiện nay.

dsc-64451517139

Ông Doanh cho biết, trước hết phải khẳng định nông, lâm trường quốc doanh đã có đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển KT-XH trên nhiều địa bàn nông thôn, miền núi. Nhiều nông, lâm trường quốc doanh đã trở thành nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng; tạo điều kiện để hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tạo thuận lợi cho xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản.

Nhiều nông, lâm trường quốc doanh đã tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các tụ điểm văn hóa, trung tâm thị trấn, thị tứ trên địa bàn. Qua đó đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, góp phần tích cực giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay cùng với việc đổi mới DNNN, nông, lâm trường quốc doanh phải có bước đổi mới căn bản, sớm khắc phục những tồn tại yếu kém trong hơn 10 năm sắp xếp đổi mới vừa qua, để thực sự là loại hình tổ chức sản xuất có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại và sự nghiệp xây dựng NTM.

Nhiều nông, lâm trường đã “rỗng ruột”

Thưa ông, thực tế là không ít đất đai của các nông lâm trường hiện chỉ còn nằm trên giấy. Là một người nắm rõ thực trạng của nông, lâm trường ở nước ta hiện nay, ông nghĩ sao?

Trước hết xin nói về nông trường. Nông trường hiện nay thực chất đang tồn tại hai loại hình, một là nó đang hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng nội dung của Luật DN.

Hình thức còn lại thì vẫn đang là DNNN, nhưng “ruột” của nó là không còn hoạt động kinh doanh theo mô hình DNNN nữa. Bởi vì ngoài “cái vỏ” là đất đai họ vẫn quản lý, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng bên trong đó thì đã giao khoán hết cho các hộ dân, dân tự sản xuất kinh doanh, còn ông nông trường chỉ đứng ra thu khoán. Gọi là thu khoán để cho nó chữ nghĩa thôi, thực ra là “phát canh thu tô”.

Còn đối với lâm trường, nay gọi là các Cty lâm nghiệp, khi sắp xếp lâm trường quốc doanh thì có 2 loại, một loại chuyển sang DN (148 Cty), còn lại là chuyển sang Ban quản lý (91 BQL) để hoạt động theo đơn vị sự nghiệp.

Nhưng có một cái khó nhất đối với các Cty lâm nghiệp khi chuyển từ lâm trường quốc doanh sang, đó là trong suốt 10 năm qua, hầu hết họ đều không “sống” được. Gần như số tồn tại được (sản xuất kinh doanh theo Luật DN) chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì những ông này nói là sản xuất kinh doanh theo Luật DN, nhưng thực chất là rừng tự nhiên ấy ông không được tự chủ hoàn toàn để sản xuất kinh doanh, vì nếu có được khai thác cây đứng, thì phải phụ thuộc vào phương án điều tiết.

Phương án này do Chính phủ, Bộ, giao cho các tỉnh, rồi tỉnh lại giao cho các công ty. Các công ty đấu thầu, thu cho Nhà nước, rồi Nhà nước lại cân đối chi cho DN. Vậy nên công ty lâm nghiệp này rất bí, còn nếu không có cây đứng nữa là gần như không có gì để chi phí.

Phải đổi mới hình thức quản lý sử dụng đất

Rõ ràng việc đổi mới nông, lâm trường quốc doanh là tất yếu. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là đổi mới thế nào, bởi đã từ nhiều năm nay, chúng ta hô hào đổi mới mà vẫn chưa thực hiện được, thưa ông?

Hơn 10 năm nay, đã rất nhiều giải pháp được đưa ra, song việc đổi mới nông lâm trường quốc doanh vẫn chưa có tiến triển. Việc chuyển đổi sang mô hình các công ty nông, lâm nghiệp thực chất vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”.

Tuy nhiên, lần này, với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và các bộ, ngành, thì đã xác định đổi mới quản lý sử dụng đất là một trong những khâu then chốt để quyết định cho việc đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thành công.

img-0856151724187
Phần lớn diện tích đất đai của các nông, lâm trường đã biến thành nhà ở

Bên cạnh đó, các vấn đề về lao động, tài chính, cơ sở hạ tầng… sẽ được làm từng bước. Xác định cốt lõi nhất là quản lý đất đai, cộng với cốt lõi trong đổi mới DNNN là cổ phần hóa (CPH), kết hợp 2 giải pháp lại, chắc chắn sẽ thành công.

Như vậy sẽ tiến hành CPH các nông lâm trường, thưa ông?

Ngày xưa nhiều người rất sợ CPH, bởi hầu hết các nông lâm trường quản lý nhiều đất đai, sợ rằng khó có thể thu hút vốn từ bên ngoài bằng đất đai được. Tuy nhiên, Nhà nước đã định hướng lại, sau khi có Nghị định 59 về CPH DNNN và Nghị định 189 sửa đổi bổ sung cho Nghị định 59, thì bây giờ hoàn toàn yên tâm. Các công ty nông, lâm nghiệp thực sự là DN theo Luật DN thì CPH, còn đất đai Nhà nước sẽ cho DN thuê lại.

Với các công ty nông, lâm nghiệp nhưng không sản xuất kinh doanh, thì kiên quyết chuyển hết đất đai về giao cho địa phương. Nếu DN còn hoạt động thì phải thu hẹp lại nhiệm vụ, chỉ còn làm dịch vụ là chính (vật tư, giống, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, chế biến…) nhưng vẫn phải chuyển sang cổ phẩn, chứ không phải chăm chăm giữ lại cái mác DNNN.

Như vậy về cơ bản, về hình thức sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp là CPH. Còn lại một số công ty lâm nghiệp đang quản lý rừng tự nhiên, có thể chuyển thành DN công ích và mở rộng thêm một số ngành nghề kinh doanh để DN này sống được.

Tôi nói đơn giản thế này, ở Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN, các đơn vị hiện đang quản lý điều hành tập trung về đất đai, lao động, sản xuất và hạch toán kinh tế rất tốt. Như vậy, chúng ta chỉ cần định lại giá trị của vườn cây để CPH, còn đất đai do Nhà nước quản lý, Nhà nước sẽ cho thuê lại.

Nếu không tỉnh táo sẽ rất nguy hiểm

Có một thực tế là hiện nay, đất đai ở một số nông, lâm trường đã giao khoán hết cho cá nhân, trong đó không ít quan chức địa phương cũng có phần. Như vậy có gặp trở ngại trong vấn đề siết chặt quản lý đất, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, vấn đề quản lý đất vẫn là then chốt. Vậy thì quản lý như thế nào? Trong 10 năm vừa qua, các nông lâm trường, các địa phương đã tổ chức rà soát, nhưng làm chưa đạt được kết quả mong đợi.

“Có một loại hình DN nữa đã xuất hiện trong thời gian vừa qua mà có hiệu quả, cần phải khuyến khích, đó là loại hình công ty TNHH hai thành viên.
Cụ thể, các nông, lâm trường hiện nay có thể họ kết hợp với 1 DN có tiềm lực tài chính, thị trường, công nghệ… để thành lập DN mới gọi là công ty TNHH hai thành viên.
Ví dụ như Chính phủ đã cho Cty Lam Sơn kết hợp với Nông trường Sao Vàng thành Cty TNHH Lam Sơn – Sao Vàng. Và gần đây nhất, Thủ tướng đã cho thành lập Cty TNHH hai thành viên là Vinamilk và Nông trường Thống Nhất ở Thanh Hóa để phát triển chăn nuôi bò”, ông Phạm Quốc Doanh.

Lẽ ra đến nay phải cơ bản làm xong việc rà soát hiện trạng đất và quy hoạch sử dụng đất để xem nên giữ lại bao nhiêu đất cho các DN phục vụ sản xuất kinh doanh, còn bao nhiêu phải chuyển về cho địa phương quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm quản lý sử dụng đất. Nhưng thực sự mới chỉ rà soát trên sổ sách, chưa có tính thực địa.

Tôi cho rằng, phần đất phải chuyển giao cho địa phương là khó khăn nhất. Đây sẽ là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt giữa các giám đốc DN với chính quyền địa phương.

Chắc chắn sẽ có rất nhiều DN nói rằng đất (đã giao khoán - PV) DN đang quản lý và điều hành. Điều này cần phải có sự vào cuộc rất kiên quyết của địa phương và của Bộ, ngành với các tập đoàn, công ty, tổng công ty thì mới có thể làm được.

Trong quá trình chuyển giao đất cho địa phương, các đối tượng nhận giao khoán đất, các đối tượng tranh chấp, các đối tượng vi phạm pháp luật đất đai… rất nhiều, nếu xử lý không khéo sẽ xảy ra rắc rối, khiếu kiện, mà xử lý khiếu kiện còn mệt mỏi hơn.

Cho nên, nguyên tắc quản lý là phải rà soát lại tất cả các đối tượng để xem đối tượng nào sẽ được giao đất, còn đối tượng nào sẽ phải chuyển sang thuê đất, chứ không phải là “hợp thức hóa” tất cả. Bởi vì hiện nay nhiều cá nhân đang nhận khoán đất đang hy vọng khi chuyển giao đất cho địa phương là để hợp thức hóa lại hoàn toàn.

Điều này sẽ dẫn đến hai kịch bản: một là đối với những người đang sử dụng đất đúng đối tượng thì rất tốt, nhưng không loại trừ rất nhiều trường hợp giao đất không đúng đối tượng, kể cả cán bộ lãnh đạo. Vô hình chung chúng ta đã hợp thức hóa những việc làm không đúng, vi phạm pháp luật. Điều này không tỉnh táo sẽ rất nguy hiểm.

Xác định đối tượng giao đất cũng là vấn đề rất khó, thưa ông?

Đúng! Chúng tôi đang rà soát xem đối tượng nào sẽ được giao? Những nông dân, công nhân còn làm cho nông trường, thì đúng như Luật Đất đai họ sẽ được giao đất mà không thu tiền sử dụng đất, nhưng theo diện tích thống nhất để có sự công bằng.

Còn trên mức bình quân thì phải chuyển sang thuê như những người từ nơi khác đến để tránh tình trạng mất công bằng. Tương tự như thế, những đối tượng không phải là đối tượng được giao thì phải thuê hết. Đấy là một nguyên tắc bất di bất dịch.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm