| Hotline: 0983.970.780

Covid-19, ảnh hưởng và bài học chính sách

Thứ Hai 27/04/2020 , 06:01 (GMT+7)

Blog của tạp chí khoa học triết học ứng dụng (trụ sở tại Aberdeen, Anh) tuần vừa qua có đăng bài viết của 11 nhà nghiên cứu triết học ở châu Âu và Mỹ.

Quảng trường Trafalgar ở London (Anh) vắng bóng người do lệnh cấm ra khỏi nhà của Chính phủ.

Quảng trường Trafalgar ở London (Anh) vắng bóng người do lệnh cấm ra khỏi nhà của Chính phủ.

Trong đó đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau về mối liên quan giữa dịch bệnh Covid-19, triết học ứng dụng và chính sách công. Báo Nông Nghiệp Việt Nam xin trích đăng một số ý kiến nổi bật trong bài viết đó.

Diana Popesco (giảng viên, Đại học King's College, London, Anh): Khủng hoảng Covid-19 và việc cho tiền người dân

 

Với Tây Ban Nha, Thủ hiến của Scotland và Giáo hoàng ủng hộ ý tưởng phát tiền cho tất cả người dân (UBI - chính phủ sẽ phát một khoản tiền cố định cho tất cả người dân bất kể hoàn cảnh cá nhân và thu nhập) để đối phó với tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, đã đến lúc chúng ta nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Tôi xin nêu 3 điểm.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng hiện nay xác thực lập luận của Philippe van Parijs rằng việc làm là một nguồn lực khan hiếm.

Dựa trên quan điểm này, UBI được xem là một nguồn thuế được gánh bởi những người may mắn tìm được việc làm, tiền được lấy từ đó và dùng để chia cho tất cả mọi người. Tính thiết thực của UBI càng được củng cố bởi sự gia tăng thất nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, UBI là cần thiết đối với sự thay đổi cơ cấu nền lao động, ví dụ như sự tự động hoá của công việc (phù hợp với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư).

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra một sự gián đoạn bất ngờ, làm đóng băng thị trường lao động và xác định lại khái niệm về cách chúng ta nhìn nhận một công việc thiết yếu.

Điều này củng cố trường hợp bổ sung mạng lưới an sinh xã hội hiện có để bao gồm cả UBI, tương tự như cơ sở để mở rộng các biện pháp phúc lợi xã hội sau Thế Chiến thứ 2 năm 1945.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng hiện nay biến lợi thế kinh tế về tính phổ quát của UBI thành một lợi thế về mặt đạo đức, ít nhất là trong bối cảnh châu Âu.

Do các nước EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng có xu hướng quan liêu kém hiệu quả, chính sách hiện nay của EU (toàn khối sẽ có một quỹ chung để phân cho chính phủ các nước chống dịch) sẽ làm tăng bất bình đẳng trong EU do khả năng quản lý không đồng đều.

Do đó, EU nên bỏ qua các cơ quan ở tầm quốc gia và trực tiếp tài trợ cho công dân của mình vì tính công bằng của UBI và khả năng thoát khỏi hệ thống quan liêu của nó.

Lisa Herzog (giáo sư, Đại học Groningen, Hà Lan): Khủng hoảng và những lao động bấp bênh

 

Cuộc khủng hoảng Corona đánh vào các cá nhân và gia đình rất khác nhau, và một trong những điểm khác biệt này là sự bấp bênh về kinh tế: bạn có thể chắc chắn rằng bạn sẽ vẫn có một công việc và thu nhập trong những tuần tới?

Đối với một số sinh viên tốt nghiệp gần đây hoặc những người mới tìm kiếm được việc làm thì đây là điều không may mắn.

Trong các cuộc suy thoái trước đây, quãng thời gian này đã được chứng minh là có sự phân nhánh chặt chẽ, đặc biệt là theo độ tuổi và ảnh hưởng mọi người trong suốt quãng đời còn lại.

Với cuộc khủng hoảng hiện tại, tác động này có khả năng sâu sắc hơn nhiều so với suy thoái bình thường, những câu hỏi này trở nên cấp bách hơn.

Nhưng cũng có những người có công việc bấp bênh từ cách cấu trúc thị trường lao động. Chẳng hạn, họ là lao động tự do hay công việc của họ không được đảm bảo.

Các hợp đồng của họ là vĩnh viễn hay tạm thời, với một lời hứa không chính thức để gia hạn, nhưng có thể bị phá vỡ do cuộc khủng hoảng như hiện tại?

Các quốc gia khác nhau đã có những chính sách khác nhau đối phó với vấn đề này, và cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 làm phơi bày sự thực tàn khốc của một số vấn đề.

Trong quá trình tái thiết nền kinh tế sau đại dịch, các loại hình lao động bấp bênh như trên cần phải được giải quyết.

Chắc chắn không có gì là ngẫu nhiên khi những quốc gia có phúc lợi lao động tốt hơn, chẳng hạn như Đan Mạch và Đức, hiện cũng đang thực hiện nhiều bước hơn các quốc gia khác để bảo vệ người lao động, chủ doanh nghiệp nhỏ và dự phòng cho các tình huống kinh tế bấp bênh (chưa lường trước được).

Khi tôi viết về việc đánh giá lại công việc trong cuộc khủng hoảng vài ngày trước, một nhà bình luận đã hỏi tôi liệu tôi có tranh luận về một phong trào lao động mới không. Câu trả lời là nên như vậy. Chúng ta cần nó từ rất lâu rồi và chúng ta cần nó nhiều hơn sau cuộc khủng hoảng.

Một phong trào như vậy nên tập trung vào quyền của nhân viên, hỗ trợ cho các công ty hoạt động theo hình thức trao quyền điều hành cho nhân viên, chẳng hạn như hợp tác xã. Các tổ chức như vậy có khả năng kiên cường hơn trong các cuộc khủng hoảng, cùng nhau đoàn kết thay vì chỉ đơn giản là cắt giảm công việc.

Trong số tất cả những lợi thế khác, xu thế dân chủ hoá ở nơi làm việc cũng là một cách làm cho các hệ thống kinh tế trở nên vững chắc hơn đối với các cuộc khủng hoảng - và đó là một khoản đầu tư đáng giá!

Anh Le (nghiên cứu sinh, giảng viên, Đại học Manchester, Anh): Nguyên tắc phòng ngừa hấp dẫn người làm chính sách

 

Đột phá công nghệ và thành tựu khoa học không ngừng có lẽ đã cho chúng ta một cảm giác sai lầm về độ an toàn của xã hội hiện đại.

Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần từ các nhà khoa học rằng một đại dịch tương tự như chúng ta đang thấy bây giờ chỉ là vấn đề thời gian, các nước châu Âu và Hoa Kỳ đã bị nó che lấp.

Ở Anh, được dự đoán là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các quan chức chính phủ và các nhà hoạch định chính sách đã nhiều lần lập luận rằng cách chống dịch của mình được thực hiện theo các bằng chứng khoa học có sẵn tại thời điểm đó.

Chẳng hạn, khi Vương quốc Anh chuyển từ chiến lược giảm thiểu sang khống chế diện rộng sự lây lan của virus, nó được cho là dựa trên một bài báo được xuất bản bởi một nhóm các nhà dịch tễ học.

Nhưng câu trả lời này có đủ không? Khi đối mặt với một mối đe dọa không thể đảo ngược và thảm khốc tương tự như đại dịch Covid-19, liệu sự thiếu hiểu biết khoa học có phải là cơ sở cho phản ứng hạn chế hoặc không hành động? Nếu không, nên làm gì thay thế?

Nguyên tắc phòng ngừa đưa ra một giải pháp khi chúng ta phải đối mặt với sự thiếu hiểu biết kiến thức liên quan đến một mối đe dọa bất kì.

Nguyên tắc này là một chiến lược tránh rủi ro, theo đó, sự thiếu chắc chắn về mặt khoa học liên quan đến mối đe dọa sẽ không được dùng làm lập luận để trì hoãn các nỗ lực đối phó hoặc giảm thiểu tác động của mối đe dọa nói trên.

Là một nguyên tắc đạo đức, phòng ngừa dựa vào quan điểm giảm thiểu hệ quả tiêu cực. Ở đây, mục đích là giảm tác hại thay vì tối đa hóa hệ quả tốt; điều đúng đắn cần làm là giảm thiểu tác hại lớn nhất.

Nguyên tắc phòng ngừa hấp dẫn các nhà hoạch định chính sách bởi vì nó đưa ra một giải pháp cho việc ra quyết định khi không biết nhiều về mối đe dọa. Nhiều quốc gia đã áp dụng nguyên tắc này trong việc đối phó với đại dịch hiện nay.

Ví dụ, Việt Nam và New Zealand đã nhanh chóng tiến hành cách ly các trường hợp nghi ngờ và thậm chí cách ly toàn bộ đường phố/khu phố vào thời điểm nhiều thứ còn chưa chắc chắn về đại dịch. Đến thời điểm này, Việt Nam không có trường hợp tử vong và chỉ có 270 người nhiễm dù nằm cạnh Trung Quốc là nơi khởi phát dịch.

Tương tự, New Zealand đã báo cáo số trường hợp giảm mặc dù lo ngại trước đó rằng đại dịch sẽ đánh gục hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ.

Rõ ràng là nguyên tắc phòng ngừa có thể cung cấp những hướng dẫn vô giá cho các nhà hoạch định chính sách trong một thế giới nơi sự chắc chắn đang ngày càng khó nắm bắt.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.