| Hotline: 0983.970.780

C.P Việt Nam: Trọng tâm là chất lượng sản phẩm

Thứ Bảy 21/02/2015 , 10:12 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước thay đổi lớn khi hàng loạt các cam kết thương mại liên quan đến việc xóa bỏ bảo hộ sẽ đạt được thỏa thuận trong thời gian tới.

Là doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg (ảnh), TGĐ Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV) chia sẻ về những thách thức mới mà CPV phải vượt qua.

nh-1-qung-co-cp-so-tet-t-mui152836381

Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg chia sẻ: “Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một thành viên trong khối Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sắp được thành lập vào cuối năm 2015 và Hiệp định TPP sẽ được áp dụng trong tương lai gần. Vì vậy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng, thị trường sẽ mở rộng cũng như có nhiều nhà sản xuất hơn.

Hoạt động kinh doanh phải thích ứng kịp thời với thị trường đang thay đổi nhanh chóng này. Chăn nuôi và sản xuất phải nghĩ đến vấn đề an toàn và chất lượng sản phẩm nhiều hơn để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Điều mà CPV xem là thách thức mới và là cơ hội của công ty chính là xây dựng lòng tin về chất lượng sản phẩm.

Làm sao để sản phẩm có sự khác biệt với đối thủ để người tiêu dùng tin tưởng. Công ty luôn theo đuổi chiến lược phát triển về sản xuất thực phẩm chất lượng cao và an toàn đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, khi thị trường mở rộng và có sự cạnh tranh nhiều hơn sẽ dẫn đến công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định tiêu chuẩn, qui trình nghiêm ngặt nhiều hơn.

Vì vậy các chính sách sẽ ngày càng được sửa đổi tốt hơn, minh bạch hơn và đem đến cơ hội tốt cho doanh nghiệp ngay cả khi có sự cạnh tranh khốc liệt”.

Những vấn đề nóng như kinh tế khó khăn, ATVSTP, dịch bệnh…, ông thấy ảnh hưởng thế nào đến công việc kinh doanh của công ty?

Vấn đề kinh tế khó khăn, theo tôi, không đáng lo lắm. Kinh tế Việt Nam dự đoán tiếp tục phát triển.

Theo nhiều tổ chức hàng đầu như World Bank và ADB, dự đoán GDP thực tế của Việt Nam từ 2014-2016 sẽ ở mức 5,5% - 5,8%/năm, cao hơn năm 2012 và 2013. Tình hình kinh tế chung của Việt Nam tốt hơn dĩ nhiên sẽ dẫn đến sức mua của người dân tăng cao hơn, và điều này đem lại kết quả tốt cho các công ty ở Việt Nam.

Về vấn đề ATVSTP được xem là tín hiệu vui khi người tiêu dùng Việt Nam quay sang quan tâm đến an toàn vệ sinh trong thực phẩm tiêu dùng, làm cho các công ty phải tự điều chỉnh, đáp ứng và cạnh tranh về chất lượng sản phẩm nhiều hơn là giá cả. Tôi cho rằng, một khi dịch bệnh nổ ra thì công ty chúng tôi cũng bị ảnh hưởng gián tiếp do người tiêu dùng sợ dùng các sản phẩm, điều này khiến cho nhu cầu mua các mặt hàng trên giảm xuống trong một khoảng thời gian.

Tuy nhiên, do việc chăn nuôi và sản xuất sản phẩm của công ty phải qua tiêu chí kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh để chắc chắn rằng sản phẩm sản xuất an toàn và có chất lượng tốt, từ đó người tiêu dùng có thể tin tưởng vào chất lượng và thương hiệu của chúng tôi.

Việt Nam đang đàm phán TPP, khi có hiệu lực, mức thuế suất nhập khẩu từ các quốc gia khác sẽ bằng 0%. Quan điểm của ông thế nào trước thực tế này?

Chúng tôi không nghĩ rằng khi tham gia TPP sẽ làm cho sự cạnh tranh tại Việt Nam khốc liệt hơn. Việt Nam cũng là một cơ sở sản xuất hàng hóa quan trọng của thế giới, do vậy tham gia TPP sẽ đem đến rất nhiều lợi ích cho Việt Nam, như xuất khẩu hàng hóa đi các nước trong TPP dễ dàng hơn.

Ngoài ra, còn là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp ở các nước tham gia TPP vào đầu tư tại Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu đi các nước khác.

CPV có khả năng tạo dựng vai trò hùng mạnh, bền vững trên thị trường. Nhưng các doanh nghiệp khác cũng đang có động thái như đầu tư theo hệ thống chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn.

Ông có bao giờ nghĩ họ là những đối thủ đáng gờm? CPV chuẩn bị cho chiến lược cạnh tranh và phát triển trong thời gian tới là gì?

Việt Nam hiện là thị trường lớn và đang trong giai đoạn thay đổi. Việc có nhiều công ty vào đầu tư là có lợi cho nhân dân Việt Nam vì qua đây thị trường có thêm nguồn thực phẩm chất lượng cao, an toàn.

Đồng thời các công ty vào đầu tư tại Việt Nam, kể cả các công ty của chính người Việt Nam cũng phải thay đổi, điều chỉnh và phát triển, chú trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng nhiều hơn. Để cạnh tranh và phát triển trong thời gian tới, CPV sẽ phải chú trọng nhiều hơn về chất lượng sản phẩm.

Trên thị trường đang có những ý kiến cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm quá nhiều trong giá thành. Liệu có cách nào để giảm chi phí như một cách chia sẻ với nông dân mà hai bên vẫn có lợi, thưa ông?

Quan điểm cho rằng chi phí TĂCN chiếm tỉ lệ cao trong giá thành chăn nuôi rồi cố gắng giảm giá bán TĂCN để người chăn nuôi có lợi nhuận, có lẽ là không đúng.

Trong ngành kinh doanh TĂCN, hơn 90% giá thành thức ăn được cấu thành từ giá nguyên liệu, do đó, giá thành thực sự trong chăn nuôi chính là giá thành nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất TĂCN.

Hiện một số loại nguyên liệu ở Việt Nam không có hoặc sản xuất không đáp ứng nhu cầu nên phải nhập khẩu như: bã đậu, ngô... Một số nguyên liệu vẫn phải đóng thuế VAT thêm như bã đậu, làm tăng giá thành sản xuất TĂCN.

Cách đây không lâu, chính phủ Việt Nam đã bỏ thuế VAT cho TĂCN, giúp cho người chăn nuôi có thể mua thức ăn rẻ hơn so với trước đây. Về phần của công ty, chúng tôi cũng có chính sách quy định giá bán TĂCN điều chỉnh tăng giảm theo tình hình giá cả nguyên liệu.

Và điều quan trọng nhất là chất lượng TĂCN phải đạt tiêu chuẩn cao và không chèn ép nông dân.

nh-2-qung-co-cp-so-tet-t-mui152836123
Dây chuyền chế biến thực phẩm của CPV

CPV đang nắm giữ hơn 30% thị phần trứng gà và 5% thị phần thịt heo. Theo ông, những con số trên trong tương lai 5 năm tới thay đổi thế nào?

Trước hết, xin đính chính thông tin CPV chiếm hơn 30% thị phần trứng gà là con số phóng đại vì hiện nay chúng tôi chiếm thị phần không đáng kể.

Trong tương lai, công ty sẽ mở rộng kinh doanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước. Công ty luôn chú trọng đến quy định của Luật cạnh tranh và thông thường việc chăn nuôi của chúng tôi phần lớn thực hiện theo phương thức hợp tác với nông dân Việt Nam, hướng đến mô hình công nghiệp hiện đại bao gồm trang trại chăn nuôi hiện đại và chú trọng đến sự an toàn.

Việc mở rộng quy mô phải phù hợp với tình hình thị trường Việt Nam và công ty cũng vẫn cần mở rộng kinh doanh phục vụ xuất khẩu.

Ông có thể phân tích ngành nghề mà CPV đang kinh doanh tại Việt Nam mang lại lợi ích gì cho sự phát triển chung của ngành cũng như lợi ích cho đối tác?

Nhìn chung, ngành kinh doanh mà CPV đầu tư nằm trong chiến lược khép kín từ sản xuất TĂCN, chăn nuôi cho đến thực phẩm chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài như tôm và cá.

Có thể thấy rằng, đây là việc tăng giá trị cho ngành sản xuất chung ở Việt Nam. Công ty đã chú trọng đến vấn đề chất lượng sản phẩm để chắc chắn rằng người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm vệ sinh an toàn.

CPV là một công ty lớn trong lĩnh vực này, vì vậy lẽ tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến công ty đối thủ, làm cho công ty đối thủ phải liên tục phát triển và cải tiến chất lượng sản phẩm để có sản phẩm có chất lượng tốt.

Ngoài ra, khi ngành chăn nuôi phát triển sẽ tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất ở nước khác, giúp cho sản phẩm Việt Nam được đón nhận và trở thành nơi sản xuất phục vụ cho xuất khẩu trong tương lai.

Sản phẩm của CPV, như ông khẳng định đã đạt tiêu chuẩn an toàn, nhưng người tiêu dùng thắc mắc rất khó tìm mua trên thị trường. Xin ông cho biết về kế hoạch mở các điểm bán lẻ của công ty?

Hiện tại, CPV đang nỗ lực mở rộng phân phối sản phẩm đến các kênh siêu thị như Big C, Metro, Co.op Mart, Aeon…

Về hệ thống phân phối nhỏ lẻ, công ty chú trọng chính đến hệ thống phân phối trong đó người dân Việt Nam là người bán, gọi là C.P Shop. Theo đó, người Việt Nam mở cửa hàng và bán các sản phẩm của CPV là chính.

Nguyên nhân công ty hướng đến kênh phân phối này xuất phát từ mong muốn tạo công ăn việc làm cho người dân Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất