| Hotline: 0983.970.780

Cty bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng

Thứ Hai 23/06/2014 , 09:57 (GMT+7)

Nhân dân phản ánh quy trình vận hành của nhà máy có vấn đề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh.

Cty CP bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh, doanh nghiệp trực thuộc TCty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đóng trên địa bàn phường Trường Thi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Nhân dân phản ánh quy trình vận hành của nhà máy có vấn đề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh.

Dân cứ kêu, nhà máy cứ xả

Lấy lí do đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, thực chất nhằm tăng thật lực lợi nhuận, từ nhiều năm nay, Cty CP bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh đã tự ý mở rộng thêm dây chuyền sản xuất, nâng công suất lên gấp đôi, từ 25 triệu lít/năm lên 50 triệu lít/năm (có thời điểm lên 70 triệu lít/năm). Lẽ ra, song song với việc làm này thì vấn đề xả thải phải được tính đến, đằng này Cty bỏ lơ, chẳng thèm đả động gì đến phương án nâng cấp, từ đó phát sinh nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Theo phản ánh của bà con, để quy trình mới hoạt động thuận lợi, Nhà máy bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh đã chuyển sang dùng than bột làm chất đốt, mỗi ngày sử dụng từ 7-8 tấn. Ống khói từ lò nấu ngày đêm xả khí thải, bụi than làm ô nhiễm cả một vùng rộng lớn, trong đó những hộ dân sống ở các trục đường nằm sát khu vực nhà máy như Võ Thị Sáu, Nguyễn Xí hay Phan Đăng Lưu bị tác động nặng nề nhất.

Những ngày cao điểm, bụi than bay mù mịt, nhiều nhà phải cửa chặt then cài 24/24h nhưng cũng chẳng hạn chế được là bao, chỉ cần dùng ngón tay phết nhẹ lên tường nhà, bàn ghế là hằn rõ vết bẩn. Nan giải không kém là tình trạng hôi thối nồng nặc từ mùi bã bia đặc trưng, những lúc thời tiết dịu mát còn đỡ, ngày nắng nóng thì bốc lên tận óc, bức bối đến ngạt thở. Nhiều gia đình tính đến phương án bán nhà nhưng rao mãi cũng chẳng ai đoái hoài.

15-48-53_img_1371
Mương nước lúc nào cũng hôi thối nồng nặc

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, trú tại khối 10, phường Trường Thi, nói gay gắt: “Việc Nhà máy bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh gây ô nhiễm môi trường, làm xáo trộn đời sống của nhân dân là thực tế rõ như ban ngày. Chúng tôi phải sống chung với bụi bẩn, hôi thối mấy chục năm nay rồi, thực sự quá bức bí không thể chịu đựng tiếp được nữa”.

Trên địa bàn phường Trường Thi, tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng, sơ bộ tính vài năm gần đây có đến gần 150 người chết vì căn bệnh quái ác này, điển hình là trường hợp của cha con ông Hà Thúc Liễn, Hà Thúc Viện, bà Vũ Thị Mai, anh Trần Trọng Cung... ở khối 10. Ngoài ra, những bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn xuất hiện thường xuyên như cơm bữa.

Vấn đề ô nhiễm của các khối dân cư xung quanh nhà máy và các hộ dân sinh sống dọc theo mương thoát thải số 3 (đường Trà Lân) luôn là chủ đề được bàn tán, kiến nghị sôi nổi nhất ở mỗi cuộc họp cử tri. Khá nhiều biện pháp đã được đưa ra nhưng hiệu quả thì vẫn nằm trên giấy. 

Mất niềm tin vào chính quyền!

Quá bức xúc với cách làm của nhà máy, bà con phường Trường Thi đã nhiều lần vác đơn khiếu kiện. Một số báo cũng cất công tìm hiểu, thế nhưng phản ánh không đúng thực tế khiến cho những cái đầu nóng càng thêm bốc hỏa.

Ông Trần Văn Giáo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trường Thi khẳng định: “Một số báo viết nghiêng hẳn phía doanh nghiệp, điều đó đã tác động rất lớn đến tâm lý của người dân. Thực tế Nhà máy bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh gây ô nhiễm nhiều năm nay, làm ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, không khí, sức khỏe và đời sống của nhân dân phường Trường Thi nói chung, cùng hàng trăm gia đình ở khối 10, 14 và các hộ sống dọc mương số 3”.

Để xoa dịu bức xúc của bà con, chính quyền tỉnh cũng đã vào cuộc, thế nhưng nhân dân lại không đồng tình với những phương án phía chính quyền và nhà máy đưa ra. Nguyên nhân được ông Phạm Ngọc Mai, Khối trưởng khối 10, phường Trường Thi, lý giải như sau: Nhà máy chỉ được sản xuất theo công suất 25 triệu lít/năm nhưng họ lại tự ý nâng lên gấp đôi từ năm 2005 dù chưa xin được giấy phép.

15-48-53_img_1374
Nhà cửa đóng kín mít

Đến tháng 11/2013 thì Bộ TN-MT phê duyệt đề án “Bảo vệ môi trường” nhưng đến giờ chưa thấy Cty triển khai. Lẽ ra với quyền hạn và trách nhiệm của mình, UBND tỉnh Nghệ An phải đốc thúc nhà máy hoàn thành đề án của Bộ TN-MT chứ không thể chỉ đạo giảm công suất. Lãnh đạo của nhà máy bia đã từng trả lời thẳng thừng, họ không thể thực hiện yêu cầu đó, bởi làm thế đồng nghĩa với doanh nghiệp... ra đứng đường vì thua lỗ.

Nhà máy bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh (Cty CP bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh), tiền thân là Nhà máy bia Nghệ An, khi tiến hành chuyển giao cho SABECO, Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu nhà máy phải di chuyển khỏi khu vực dân sinh trước năm 2010, nghĩa là đã có lộ trình từ trước chứ không phải do nhân dân tự ý đề đạt.

Trước tình hình đó, Cty đã xin tỉnh dự án xây dựng cơ sở mới ở Nam Đàn (nay là Nhà máy bia Sài Gòn Sông Lam), hứa là khi hoàn thành sẽ chuyển quy trình sản xuất sang bên đó. Nhưng đến giờ thì 2 đơn vị này lại hoạt động độc lập, tách biệt hoàn toàn như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhiều người thắc mắc vì sao nhà máy nói một đường làm một nẻo và yêu cầu tỉnh phải có văn bản chính thức xung quanh việc di dời nhà máy hay không, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy đả động gì (!?).

Đang rối như canh hẹ thì đến ngày 15/1/2014, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lại bất ngờ ký văn bản số 289/UBND-TN “tuyên dương nhiệt tình” doanh nghiệp gây ô nhiễm: “Cty CP bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh… là một trong những đơn vị đóng góp nhiều cho ngân sách của tỉnh (167 tỷ đồng năm 2013). UBND phường Trường Thi và các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động dân cư xung quanh nhà máy bia tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty”.

Khi nội dung này đến tai bà con lập tức gây ra chuỗi phản ứng mạnh mẽ chưa từng có, họ cho rằng lãnh đạo, chính quyền địa phương đã xem trọng tiền hơn sức khỏe, mạng sống và quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Chính vì thế, buổi hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo doanh nghiệp với bà con nhân dân phường Trường Thi ngày 25/2/2014 diễn ra trong không khí rất căng thẳng. Niềm tin của nhân dân dường như đã cạn kiệt sau quá nhiều lần phải nghe những lời hứa sáo rỗng, nên phần đa một mực yêu cầu doanh nghiệp phải gấp rút dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực dân sinh theo quyết định mà UBND tỉnh đã công bố.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm